Workaholic là gì? Nguyên nhân dẫn đến tình trạng Workaholic là gì?
Workaholic là gì? Nguyên nhân dẫn đến tình trạng Workaholic là gì? Tác động của nó ra sao?
Workaholic là gì? Nguyên nhân dẫn đến tình trạng Workaholic là gì?
Workaholic là người nghiện công việc, người làm việc một cách liên tục và một cách cưỡng chế, tức là họ cảm thấy mình phải làm, buộc phải làm chứ không như thường lệ. Điều này khác với những người làm việc chăm chỉ, có tính kỷ luật và biết khi nào mình nên nghỉ ngơi.
Workaholic là thường làm việc quá giờ, hay mang việc về nhà, và thậm chí làm việc trong kỳ nghỉ. Họ dành phần lớn thời gian cho công việc, dù điều đó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, gia đình và đời sống cá nhân.
* Nguyên nhân dẫn đến tình trạng Workaholic - nghiện công việc
Áp lực xã hội
Ở các Đất nước có nền văn hóa làm việc chăm chỉ được xem là đức tính đáng quý. Nhiều người lớn lên với suy nghĩ rằng “làm nhiều là tốt”. Điều này vô tình tạo ra một áp lực xã hội, khiến con người ta luôn cố gắng vượt quá giới hạn của bản thân để chứng minh rằng mình xứng đáng với vị trí và công việc đấy.
Sợ thất bại
Trong những môi trường cạnh tranh khốc liệt, nhiều người sợ bị mất cơ hội, sợ bị đánh giá thấp, sợ không đạt được mục tiêu. Nỗi sợ này thoi thúc họ làm việc không ngừng nghỉ, dẫn đến tình trạng nghiện công việc lúc nào không hay.
Tâm lý cầu toàn
Những người có tính cầu toàn thường không hài lòng với kết quả của mình và luôn muốn hoàn thiện thêm. Vì thế, họ thường xuyên “tự nguyện” làm thêm giờ, sửa đi sửa lại công việc và không dám nghỉ ngơi khi chưa cảm thấy nó hoàn hảo.
Dùng sự bận rộng để trốn tránh cảm xúc cá nhân
Một số người dùng công việc như một “lối thoát” để quên đi nỗi buồn, sự cô đơn, thất vọng hoặc những vấn đề trong mối quan hệ cá nhân. Công việc giúp họ không phải đối mặt với cảm xúc thật, nhưng về lâu dài điều này dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng đặc biệt khi họ đã bị nghiện công việc.
* Những tác động tiêu cực của tình trạng Workaholic - nghiện công việc
Ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất
Nghiện công việc thường đi kèm với các triệu trứng như thiếu ngủ, ăn uống không điều độ, stress kéo dài, dẫn đến hàng loạt bệnh lý như đau đầu mãn tính, cao huyết áp, rối loạn tiêu hóa, thậm chí bệnh tim mạch. Cơ thể không được nghỉ ngơi đầy đủ sẽ nhanh chóng bị kiệt quệ năng lượng.
Tác động đến sức khỏe tinh thần
Khi tâm trí luôn bị cuốn vào công việc, con người dễ rơi vào tình trạng lo âu, trầm cảm, mất phương hướng sống. Họ có thể đánh mất cảm giác vui vẻ, hài lòng với cuộc sống, thậm chí cảm thấy trống rỗng dù đã đạt được thành tích cao trong công việc.
Làm suy giảm các mối quan hệ xã hội
Người nghiện công việc thường không có thời gian cho gia đình và bạn bè. Họ hay vắng mặt trong các bữa cơm, các buổi tụ họp, những dịp đặc biệt,... Điều này dần tạo nên khoảng cách trong mối quan hệ, khiến người thân cảm thấy bị bỏ rơi, từ đó ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình và đời sống cá nhân.
Hiệu suất công việc bị giảm
Lúc đầu, làm việc liên tục có thể tạo ra những kết quả tốt, nhưng về lâu dài, hiệu suất công việc sẽ bị giảm. Cơ thể và tinh thần mệt mỏi sẽ dẫn đến việc thiếu tập trung, sai sót, giảm khả năng sáng tạo. Người nghiện công việc còn dễ mắc hội chứng burnout kiệt sức hoàn toàn, dẫn đến mất động lực và suy sụp.
Workaholic là gì? Nguyên nhân dẫn đến tình trạng Workaholic là gì? (Hình từ Internet)
Làm sao để thoát khỏi tình trạng Workaholic?
* Nhận biết vấn đề của mình: Bước đầu tiên là thừa nhận bản thân đang có dấu hiệu nghiện công việc. Việc này đòi hỏi sự trung thực và dũng cảm khi nhìn lại lối sống của mình.
* Chia giữa công việc và cuộc sống:
- Hãy xác định cho mình giờ làm việc rõ ràng và không làm việc ngoài giờ trừ khi thật sự cần thiết.
- Không mang công việc về nhà, không kiểm tra email vào ban đêm hoặc cuối tuần.
- Lên lịch nghỉ ngơi, thư giãn như một phần không thể thiếu trong ngày nghỉ.
* Học cách từ chối:
- Không phải công việc nào cũng cần bạn làm. Học cách nói “không” với những công việc không phù hợp hoặc vượt quá khả năng là cách bảo vệ bản thânTái kết nối với cuộc sống cá nhân
- Dành thời gian cho gia đình, bạn bè, sở thích cá nhân. Tập thể dục, đọc sách, đi du lịch, thiền,... là những cách giúp tâm trí được làm mới và lấy lại năng lượng tích cực.
* Tìm sự hỗ trợ: Nếu cảm thấy không thể tự kiểm soát, hãy tìm đến những chuyên gia tâm lý, họ có thể giúp bạn xác định được nguyên nhân sâu xa và đưa ra giải pháp phù hợp.
Trong một thời đại đề cao hiệu suất và thành tích, nhiều người vô tình biến công việc thành trung tâm của cuộc sống, dẫn đến tình trạng nghiện công việc. Dù mang lại cảm giác bận rộn và được việc, nhưng về lâu dài, workaholic gây ra nhiều hệ quả tiêu cực đối với sức khỏe, tinh thần và hạnh phúc cá nhân của con người.
Người lao động được làm thêm giờ tối đa bao nhiêu giờ trong 01 ngày?
Tại Điều 105 Bộ luật Lao động 2019 quy định về thời giờ làm việc bình thường như sau:
Thời giờ làm việc bình thường
1. Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.
2. Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.
Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động.
3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm giới hạn thời gian làm việc tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại đúng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và pháp luật có liên quan.
Tại Điều 60 Nghị định 145/2020/NĐ-CP có quy định về giới hạn số giờ làm thêm như sau:
Giới hạn số giờ làm thêm
1. Tổng số giờ làm thêm không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày khi làm thêm vào ngày làm việc bình thường, trừ trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này.
2. Trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày.
3. Trường hợp làm việc không trọn thời gian quy định tại Điều 32 của Bộ luật Lao động thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày.
4. Tổng số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong một ngày, khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ hằng tuần.
5. Thời giờ quy định tại các khoản 1 Điều 58 Nghị định này được giảm trừ khi tính tổng số giờ làm thêm trong tháng, trong năm để xác định việc tuân thủ quy định tại điểm b, điểm c khoản 2 Điều 107 của Bộ luật Lao động.
Theo đó, trường hợp nếu người lao động làm việc theo thời giờ làm việc bình thường (không quá 08 giờ/ngày) thì tổng số giờ làm thêm tối đa không được quá 04 giờ/ngày.
Nếu người lao động làm việc theo tuần (không quá 10 giờ/ngày) thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ/ngày. Có nghĩa là được làm thêm tối đa không quá 02 giờ.
Nếu người lao động làm việc không trọn thời gian thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ/01 ngày. Trường hợp này số giờ làm thêm tối đa tùy thuộc vào số giờ làm việc không trọn thời gian.
Lưu ý: Tổng số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong một ngày, khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ hằng tuần.
Từ khóa: nghiện công việc người nghiện công việc làm thêm giờ tình trạng Workaholic giới hạn số giờ làm thêm số giờ làm thêm thời giờ làm việc bình thường
- Nội dung nêu trên được NhanSu.vn biên soạn và chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho các tư vấn chuyên sâu từ chuyên gia.
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng.
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email hotrophaply@NhanSu.vn;
Bài viết mới nhất
