Nhấn vào mũi tên để hiển thị chuyên mục con hoặc nhấn vào tiêu đề để lọc theo chuyên mục cha
03 bước tiến hành xây dựng phương án nhân sự cấp ủy cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất sáp nhập theo Kết luận 150 của Bộ Chính trị
Các bước tiến hành xây dựng phương án nhân sự cấp ủy cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất sáp nhập theo Kết luận 150 của Bộ Chính trị thế nào?
03 bước tiến hành xây dựng phương án nhân sự cấp ủy cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất sáp nhập theo Kết luận 150 của Bộ Chính trị
Căn cứ theo Mục 3 Kết luận 150 KL/TW Kết luận của Bộ Chính trị Hướng dẫn xây dựng phương án nhân sự cấp ủy cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất, sáp nhập và cấp xã thành lập mới thì nội dung xây dựng phương án nhân sự và các bước tiến hành cụ thể như sau:
3.1. Đối với phương án nhân sự lãnh đạo chủ chốt của các địa phương sau khi hợp nhất, sáp nhập (bi thư, phó bí thư, chủ tịch hội đồng nhân dân, chủ tịch uỷ ban nhân dân, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội và các đồng chí Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng là uỷ viên ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ):
Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan chuẩn bị và xây dựng phương án nhân sự cụ thể, báo cáo xin ý kiến đồng chí Tổng Bí thư, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt và đồng chí Thường trực Ban Bí thư cho ý kiến chỉ đạo để hoàn thiện phương án nhân sự chủ chốt của các địa phương, trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định theo thẩm quyền; bảo đảm chặt chẽ, kịp thời, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động liên tục của các địa phương và không bị gián đoạn.
3.2. Đối với phương án nhân sự cấp uỷ, ban thường vụ cấp uỷ, Uỷ ban kiểm tra cấp uỷ cấp tỉnh sau khi hợp nhất, sáp nhập và việc phân công cấp uỷ viên, uỷ viên ban thường vụ cấp uỷ cấp tỉnh (sau khi được chỉ định) đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc (không bao gồm các chức danh thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý):
Bước 1: Xây dựng và thông qua phương án nhân sự
- Chuẩn bị phương án nhân sự: Đồng chí lãnh đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Bộ Chính trị phân công (sẽ có thông báo của Trung ương) triệu tập, đồng chủ trì cùng các đồng chí bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ trong diện hợp nhất, sáp nhập để họp với các đồng chí thường trực tỉnh uỷ, thành uỷ, đồng chí trưởng ban tổ chức của các địa phương trong diện hợp nhất, sáp nhập chuẩn bị các nội dung để xây dựng phương án nhân sự theo yêu cầu sau: (i) Báo cáo tình hình đội ngũ cán bộ của các địa phương thuộc diện hợp nhất, sáp nhập về: Số lượng cấp uỷ viên, uỷ viên ban thường vụ, uỷ ban kiểm tra cấp uỷ, cơ cấu về độ tuổi, giới tính, dân tộc, trình độ; đánh giá sơ bộ về thuận lợi, khó khăn, ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân. (ii) Trên cơ sở yêu cầu nhiệm vụ chính trị của đảng bộ sau hợp nhất, sáp nhập, tiêu chuẩn, điều kiện, cơ cấu, số lượng theo quy định; xây dựng phương án nhân sự ban chấp hành, ban thường vụ, uỷ ban kiểm tra cấp uỷ và định hướng phân công cấp uỷ viên, uỷ viên ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo của cơ quan, đơn vị trực thuộc nhiệm kỳ hiện tại và cho nhiệm kỳ kế tiếp các nội dung, yêu cầu trên. (iii) Đề xuất, kiến nghị (nếu có).
- Thông qua phương án nhân sự: Đồng chí lãnh đạo tỉnh, thành phố được Bộ Chính trị phân công đồng chủ trì cùng các đồng chí bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ trong diện hợp nhất, sáp nhập tổ chức hội nghị ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ của các địa phương hợp nhất, sáp nhập (có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng) thảo luận, đóng góp ý kiến để hoàn thiện và thông qua phương án nhân sự. Trong quá trình thảo luận, nếu còn có ý kiến khác nhau hoặc chưa thống nhất, thì tổng hợp đầy đủ ý kiến, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét theo quy định.
Bước 2: Trên cơ sở phương án nhân sự đã xây dựng, ban thường vụ các tỉnh uỷ, thành uỷ (của các địa phương hợp nhất, sáp nhập) báo cáo Ban Tổ chức Trung ương xem xét, cho ý kiến để tiếp tục hoàn thiện phương án nhân sự trước khi báo cáo cấp có thẩm quyền chỉ định đối với nhân sự theo quy định.
Bước 3: Tiếp thu ý kiến và hoàn thiện phương án nhân sự
Đồng chí lãnh đạo tỉnh, thành phố được Bộ Chính trị phân công đồng chủ trì cùng các đồng chí bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ trong diện hợp nhất, sáp nhập họp với các đồng chí ban thường vụ các tỉnh uỷ, thành uỷ của các địa phương hợp nhất, sáp nhập nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện phương án nhân sự để báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét chỉ định nhân sự theo quy định (kèm theo hồ sơ nhân sự theo Quy định số 80-QĐ/TW, ngày 18/8/2022 của Bộ Chính trị).
Căn cứ quyết định chỉ định nhân sự của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ của địa phương sau khi hợp nhất, sáp nhập xem xét, quyết định việc phân công cấp uỷ viên, uỷ viên ban thường vụ đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo của các cơ quan, đơn vị trực thuộc theo thẩm quyền và theo quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và phương án nhân sự cấp uỷ đã tiếp thu ý kiến của Ban Tổ chức Trung ương.
3.3. Đối với phương án nhân sự cấp uỷ, ban thường vụ cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra cấp uỷ cấp xã sau khi thành lập mới và việc phân công cấp uỷ viên, uỷ viên ban thường vụ cấp uỷ cấp xã (sau khi được chỉ định) đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo của các đơn vị ở cấp xã:
Ban thường vụ các tỉnh uỷ, thành uỷ căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện, cơ cấu, số lượng nêu tại Chỉ thị mới của Bộ Chính trị và các quy định có liên quan; đồng thời, nghiên cứu các nội dung, yêu cầu xây dựng phương án nhân sự cấp uỷ cấp tỉnh nêu trên để cụ thể hoá, chỉ đạo việc xây dựng và thông qua phương án nhân sự ban chấp hành, ban thường vụ, uỷ ban kiểm tra cấp uỷ cấp xã và việc phân công cấp uỷ viên, uỷ viên ban thường vụ cấp uỷ cấp xã đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo cơ quan, đơn vị trực thuộc nhiệm kỳ 2025 - 2030; bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong tổ chức thực hiện và không trái với Kết luận này.
Lưu ý: Trước khi kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện và thành lập mới đơn vị hành chính cấp xã thì ban thường vụ các tỉnh uỷ, thành uỷ cần chủ động tổng rà soát nguồn cán bộ cấp huyện, cấp xã để có phương án xem xét, điều động, phân công, bố trí các đồng chí cấp uỷ viên, uỷ viên ban thường vụ cấp uỷ, bí thư, phó bí thư; cán bộ lãnh đạo các phòng, ban, tương đương ở cấp huyện, lãnh đạo cấp xã và phân công, chỉ định, bố trí, giới thiệu nhân sự giữ chức vụ lãnh đạo ở cấp xã mới ngay khi được thành lập; bảo đảm kịp thời, không gián đoạn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cấp xã, phục vụ tốt nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
03 bước tiến hành xây dựng phương án nhân sự cấp ủy cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất sáp nhập theo Kết luận 150 của Bộ Chính trị (Hình từ Internet)
Tiêu chuẩn nhân sự cấp ủy cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất, sáp nhập và cấp xã thành lập mới theo Kết luận 150 thế nào?
Tiêu chuẩn nhân sực cấp ủy cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất, sáp nhập và cấp xã thành lập mới được đề cập tại Mục 2 Kết luận 150 KL/TW, cụ thể:
Tiêu chuẩn cấp uỷ viên, uỷ ban kiểm tra cấp uỷ, các chức danh lãnh đạo, quản lý của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị cơ bản thực hiện theo Quy định số 89-QĐ/TW, ngày 04/8/2017 về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; tiêu chuẩn cấp uỷ viên nêu tại Chỉ thị mới của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 tiến tới Đại hội XIV của Đảng và các quy định liên quan của cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ. Trong đó, cần cụ thể hoá rõ hơn tiêu chuẩn về chính trị; trình độ chuyên môn, năng lực lãnh đạo; kết quả, sản phẩm cụ thể... của cán bộ thuộc diện ban thường vụ các tỉnh uỷ, thành uỷ quản lý (gồm cả cán bộ cấp xã) và yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị để làm căn cứ, cơ sở xem xét, bố trí theo thẩm quyền.
- Nội dung nêu trên được NhanSu.vn biên soạn và chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho các tư vấn chuyên sâu từ chuyên gia.
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng.
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email [email protected];