Top 5 Kỹ năng giúp sinh viên mới ra trường hòa nhập nhanh với môi trường làm việc
Để có nhanh chóng hòa nhập với môi trường làm việc, dưới đây là 05 Kỹ năng mà sinh viên mới ra trường cần trang bị trước khi gia nhập thị trường lao động.
Top 5 Kỹ năng giúp sinh viên mới ra trường hòa nhập nhanh với môi trường làm việc
Kỹ năng giao tiếp - Biết nói đúng cách và đúng lúc
Dù bạn ở trong bất kì môi trường làm việc nào, thuộc lĩnh vực nào thì giao tiếp luôn là chìa khóa giúp bạn hòa nhập nhanh chóng. Giao tiếp hiệu quả giúp bạn:
- Đối với đồng nghiệp: Dễ dàng trao đổi công việc, tránh hiểu lầm không đáng có.
- Với cấp trên: Biết cách phản hồi và phản hồi đúng lúc thể hiện sự chuyên nghiệp của bạn.
- Với khách hàng: Xây dựng thương hiệu cá nhân của bạn và thể hiện hình ảnh của công ty.
Gợi ý: Nếu bạn còn bỡ ngỡ hay rụt rè, hãy mở đầu bằng việc chào hỏi buổi sáng. Tập thói quen trả lời rõ ràng, ngắn gọn.
Kỹ năng quan sát và thích nghi với văn hóa doanh nghiệp
Mỗi doanh nghiệp sẽ có văn hóa riêng, Không trường lớp nào có thể dạy bạn về văn hóa doanh nghiệp. Đây là điều mà bạn cần phải tự quan sát và học hỏi từ đồng nghiệp và môi trường làm việc xung quanh. Chẳng hạn có doanh nghiệp giờ giấc làm việc rất linh hoạt nhưng cũng có doanh nghiệp lại rất nghiêm ngặt về giờ giấc, quy trình. Biết cách quan sát và học hỏi theo đó sẽ giúp bạn tránh được các vấn đề như “lỡ lời” hay “lạc tông”.
Ví dụ: Ở doanh nghiệp cũ bạn có thể thoải mái mang việc về nhà làm nhưng ở doanh nghiệp mới bạn phải hoàn thành mọi việc trước khi ra về.
Kỹ năng quản lý thời gian
Nhiều sinh viên mới ra trường thường xuyên rơi vào cảnh bị deadline dí vì chưa có kinh nghiệm trong việc quản lý thời gian và sắp xếp công việc. Nếu bạn không biết lên kế hoạch và sắp xếp thứ tự ưu tiên hoàn thành công việc, bạn rất dễ rơi vào tình trạng bị trễ deadline và bị đánh giá không có năng lực.
Gợi ý:
- Học cách phân biệt việc gấp và việc quan trọng.
- Lên danh sách những việc cần hoàn thành theo ngày, tuần, tháng.
Kỹ năng chủ động học hỏi và tiếp thu linh hoạt
Sinh viên mới ra trường không ai giỏi ngay nhưng điều khiến mọi người đánh giá cao bạn là sự chủ động học hỏi và thái độ tiếp thu của bạn. Thay vì chờ đợi người khác cầm tay chỉ việc, bạn nên chủ động:
- Hỏi lại khi chưa thực sự hiểu.
- Ghi chú lại quy trình làm việc, những lời hướng dẫn của cấp trên, đồng nghiệp.
- Lắng nghe những lời góp ý và không tỏ thái độ hay tự ái khi bị phê bình, nhắc nhở.
- Tìm hiểu, học thêm các kiến thức mới ngoài công việc.
Nên nhớ, một nhân viên mới, mặc dù bạn chưa có kinh nghiệm vẫn sẽ được đánh giá cao nếu bạn chủ động học hỏi.
Kỹ năng xử lý tình huống, giải quyết vấn đề
Trong môi trường làm việc, sai sót là điều không thể tránh khỏi, nhất là đối với người mới. Nhưng điều quan trọng là cách bạn xử lý tình huống, giải quyết vấn đề khi xảy ra sai sót:
- Đừng đổ lỗi cho đồng nghiệp hay do hoàn cảnh.
- Bình tĩnh nhận lỗi, trách nhiệm và tìm cách khắc phục.
- Trường hợp bạn không thể khắc phục hay giải quyết, hãy báo cáo cấp trên và cùng giải quyết.
Kỹ năng xử lý tình huống, giải quyết vấn đề giúp bạn thể hiện sự chủ động, tinh thần trách nhiệm và chuyên nghiệp. Đây cũng là điều mà bất kỳ người cấp trên nào cũng cần ở nhân viên của mình.
Mỗi ngày đi làm là một bước trong quá trình xây dựng hình ảnh, thương hiệu cá nhân của bạn. Hãy nhớ: thái độ quan trọng hơn bằng cấp.
Top 5 Kỹ năng giúp sinh viên mới ra trường hòa nhập nhanh với môi trường làm việc (hình từ internet)
Người lao động có những quyền gì?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Bộ luật Lao động 2019, người lao động có các quyền sau đây:
- Làm việc; tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp; không bị phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
- Hưởng lương phù hợp với trình độ, kỹ năng nghề trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động; được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn, vệ sinh lao động; nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có hưởng lương và được hưởng phúc lợi tập thể;
- Thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật; yêu cầu và tham gia đối thoại, thực hiện quy chế dân chủ, thương lượng tập thể với người sử dụng lao động và được tham vấn tại nơi làm việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình; tham gia quản lý theo nội quy của người sử dụng lao động;
- Từ chối làm việc nếu có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe trong quá trình thực hiện công việc;
- Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
- Đình công;
- Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
- Nội dung nêu trên được NhanSu.vn biên soạn và chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho các tư vấn chuyên sâu từ chuyên gia.
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng.
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email [email protected];