Top 5 sai lầm phổ biến khiến bạn rớt phỏng vấn dù CV đẹp
CV đẹp chưa chắc đã đậu phỏng vấn. Top 5 sai lầm phổ biến khiến bạn rớt phỏng vấn dù CV đẹp.
Top 5 sai lầm phổ biến khiến bạn rớt phỏng vấn dù CV đẹp
Dưới đây là 5 sai lầm phổ biến khiến bạn rớt phỏng vấn dù CV đẹp thế nào đi chăng nữa, các bạn cần lưu ý tránh mắc phải:
Trả lời phỏng vấn theo kiểu học thuộc lòng, thiếu sự chân thật
Một trong những sai lầm khi tham gia phỏng vấn của ứng viên là học thuộc lòng sẵn các câu trả lời kiểu mẫu cho những câu hỏi chắc chắn sẽ có trong phỏng vấn. Ví dụ khi nhà tuyển dụng hỏi: “Hãy giới thiệu về bản thân” hay “Hãy trình bày điểm mạnh, điểm yếu của bản thân”.
Học thuộc sẵn câu trả lời khiến bạn như đang đọc kịch bản, không có điểm nhấn cá nhân, khiến nhà tuyển dụng bị nhàm chán.
Cách khắc phục:
- Tập trung kể những điểm mạnh, điểm yếu có thật và có liên quan đến vị trí ứng tuyển.
- Hãy trả lời một cách thành thật. Nếu bạn cảm thấy run, hãy cứ nói chậm. Đa số nhà tuyển dụng sẽ đánh giá cao sự chân thành.
Không có sự tìm hiểu về công ty hay vị trí phỏng vấn
Nhiều ứng viên quá tự tin vào việc mình có CV đẹp mà không dành thời gian tìm hiểu về công ty hay vị trí đang ứng tuyển. Đây là một điểm trừ lớn, việc không tìm hiểu trước chứng tỏ bạn không thật sự nghiêm túc cho lần phỏng vấn đó, bạn quá tự cao hoặc bạn chọn việc vô tội vạ.
Cách khắc phục:
- Dành 15 - 20 phút để tìm hiểu về công ty, các bài review, mô tả công việc.
- Chuẩn bị 2 - 3 câu hỏi thắc mắc về công ty hay vị trí ứng tuyển.
Trả lời câu hỏi về định hướng tương lai, lương thưởng quá mơ hồ
Khi được nhà tuyển dụng hỏi: “Định hưởng trong 2 - 3 năm tới của bạn là gì?”, nhiều ứng viên trả lời ngập ngừng và né tránh. Hoặc trả lời kiểu bất cần.
Ví dụ như: “Em sao cũng được”; “Lương không dưới 20 triệu” (nhưng lại không kèm theo lý do thuyết phục).
Không đặt câu hỏi lại cho nhà tuyển dụng
Đây là sai lầm khá phổ biến khi phỏng vấn, nhiều ứng viên vì quá run nên quên, hay vì ngại mà không đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng khi được hỏi: “Bạn có thắc mắc gì cho buổi phỏng vấn hôm nay không?”. Đây là một cơ hội tốt để bạn chứng minh cho nhà tuyển dụng bạn thật sự quan tâm đến công việc này và chứng minh tư duy chủ động của bạn.
Gợi ý câu hỏi:
- "Dạ anh/chị có thể sẻ về lộ trình thăng tiến của vị trí này được không ạ?”
- “Dạ công ty sẽ đánh giá mức độ hoàn thành công việc dựa trên những tiêu chí nào ạ?”
Trang phục, thái độ chưa phù hợp
Nếu bạn ăn mặc quá cẩu thả, bạn đi muộn, bạn quá tự cao tỏ ra “trên cơ” với nhà tuyển dụng thì CV đẹp cũng không cứu được bạn.
Gợi ý:
- Ăn mặc lịch sự, gọn gàng theo đúng đặc trưng công việc. (Ví dụ: Nếu bạn ứng tuyển vào công ty luật, khi đi phỏng vấn nên chọn áo sơ mi trắng phối với quần tây đen)
- Luôn đến sớm 10 - 15 phút.
- Tắt chuông điện thoại, không làm việc riêng trong suốt buổi phỏng vấn ngay cả khi nhà tuyển dụng đang hỏi ứng viên khác.
- Luôn chào và cảm ơn nhà tuyển dụng sau buổi phỏng vấn.
CV đẹp có thể giúp bạn đến vòng phỏng vấn nhưng việc bạn có bước vào được công ty và được nhận vào vị trí mong muốn hay không hoàn toàn phụ thuộc vào cách bạn thể hiện trong buổi phỏng vấn. Hãy chuẩn bị kỹ lưỡng, thái độ chủ động, chân thành, và tinh thần sẵn sàng học hỏi sẽ giúp bạn ghi điểm với nhà tuyển dụng.
Top 5 sai lầm phổ biến khiến bạn rớt phỏng vấn dù CV đẹp (Hình từ Internet)
Người sử dụng lao động có quyền tự do phỏng vấn tuyển dụng nhân sự cho doanh nghiệp mình hay không?
Căn cứ khoản 1 Điều 6 Bộ luật Lao động 2019 quy định người sử dụng lao động có các quyền sau đây:
- Tuyển dụng, bố trí, quản lý, điều hành, giám sát lao động; khen thưởng và xử lý vi phạm kỷ luật lao động;
- Thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người sử dụng lao động, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật;
- Yêu cầu tổ chức đại diện người lao động thương lượng với mục đích ký kết thỏa ước lao động tập thể; tham gia giải quyết tranh chấp lao động, đình công; đối thoại, trao đổi với tổ chức đại diện người lao động về các vấn đề trong quan hệ lao động, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người lao động;
- Đóng cửa tạm thời nơi làm việc;
- Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Tuyển dụng nói chung là quyền của người sử dụng lao động, họ có quyền tuyển dụng nhân sự bằng bất cứ hình thức nào miễn sao không trái quy định pháp luật.
- Nội dung nêu trên được NhanSu.vn biên soạn và chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho các tư vấn chuyên sâu từ chuyên gia.
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng.
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email [email protected];
