Nhấn vào mũi tên để hiển thị chuyên mục con hoặc nhấn vào tiêu đề để lọc theo chuyên mục cha
Làm việc hết tháng 12 có được hưởng lương tháng 13 không? Cách tính lương tháng 13 như thế nào?
Có được hưởng lương tháng 13 khi làm việc hết tháng 12 không? Cách tính lương tháng 13 ra sao? Được tạm ứng tiền lương trước khi nghỉ Tết?
Làm việc hết tháng 12 có được hưởng lương tháng 13 không?
Lương tháng thứ 13 có thể được hiểu là khoản là người sử dụng lao động thưởng cho người lao động theo thỏa thuận, thường là vào dịp cuối năm. Mức lương thưởng này nhằm mục đích hỗ trợ, khuyến khích người lao động làm việc.
Theo đó tại Điều 104 Bộ luật Lao động 2019 quy định về thưởng như sau:
Thưởng
1. Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
2. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Như vậy, dựa theo quy định thì thưởng là một khoản tiền không bắt buộc mà tiền thưởng được trả cho người lao động sẽ phụ thuộc vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động, nội quy và quy chế thưởng do người sử dụng lao động quy định.
Theo đó, việc người lao động làm việc hết tháng 12 có được nhận lương tháng 13 hay không phụ thuộc vào việc trong quy chế thưởng của người sử dụng lao động có quy định làm việc hết 12 tháng là điều kiện hưởng lương tháng 13 hay không.
Nếu trường hợp người lao động không đáp ứng được các điều kiện của người sử dụng lao động để được hưởng lương tháng 13 hoặc trường hợp trong quy chế thưởng không có quy định điều kiện nêu trên thì người lao động làm việc hết 12 tháng không được hưởng lương tháng 13.
>>Xem thêm: Lương tháng 13 là gì? Tiền lương tháng 13 có là khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân không?
Cách tính lương tháng 13 như thế nào?
Có thể tham khảo 02 cách tính lương tháng 13 được sử dụng phổ biến tại doanh nghiệp dưới đây:
(1) Cách tính lương tháng 13 theo tiền lương trung bình
- Đối với người lao động đã làm đủ 12 tháng trở lên:
Mức lương tháng 13 = Mức lương tháng 12
Ví dụ: Anh A có mức lương từ tháng 01/2024 - 10/2024 là 10 triệu đồng/tháng; từ tháng 11/2024 là 12 triệu đồng/tháng.
Như vậy, mức lương tháng 13 của anh được tính như sau: [(10 triệu đồng x 10 tháng ) + (12 triệu đồng x 2 tháng)]/12 tháng = 10,3 triệu đồng.
- Đối với người lao động làm chưa đủ 12 tháng:
Mức lương tháng 13 = Thời gian làm việc trong năm tính thưởng/12 x tiền lương trung bình tính theo thời gian người lao động làm việc
Ví dụ: Chị T làm việc tại công ty L từ tháng 05/2024, tính đến hết tháng 12/2024 là 07 tháng, mức lương là 08 triệu đồng/tháng.
Mức lương tháng 13 của chị T tính như sau: (7 tháng/12 tháng) x 8 triệu đồng = 4,6 triệu đồng.
(2) Cách tính lương tháng 13 theo lương tháng 12
Để đảm bảo có lợi nhất cho người lao động, nhiều doanh nghiệp áp dụng cách tính lương tháng 13 theo mức lương tháng 12, cụ thể:
Mức lương tháng 13 = Mức lương tháng 12
Ví dụ: Anh C làm việc từ tháng 01/2024 - 11/2024 với mức lương là 10 triệu, từ tháng 12/2024, anh được tăng mức lương lên 12 triệu.
Như vậy, anh C sẽ nhận được mức lương tháng 13 là 12 triệu.
>>Xem thêm: Sự khác nhau giữa thưởng Tết và lương tháng 13 của người lao động là gì?
Người lao động có được tạm ứng tiền lương trước khi nghỉ Tết?
Căn cứ theo quy định tại Điều 101 Bộ luật Lao động 2019 về tạm ứng tiền lương như sau:
Tạm ứng tiền lương
1. Người lao động được tạm ứng tiền lương theo điều kiện do hai bên thỏa thuận và không bị tính lãi.
2. Người sử dụng lao động phải cho người lao động tạm ứng tiền lương tương ứng với số ngày người lao động tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 01 tuần trở lên nhưng tối đa không quá 01 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và người lao động phải hoàn trả số tiền đã tạm ứng.
Người lao động nhập ngũ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự thì không được tạm ứng tiền lương.
3. Khi nghỉ hằng năm, người lao động được tạm ứng một khoản tiền ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ.
Theo đó, trường hợp người lao động tạm ứng tiền lương trước khi nghỉ Tết Âm lịch không thuộc trường hợp bắt buộc người sử dụng lao động phải tạm ứng tiền lương.
Tuy nhiên, người lao động vẫn có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để được tạm ứng tiền lương trước khi nghỉ Tết Âm lịch và khoản tiền lương tạm ứng sẽ không bị tính lãi.
Nguyên tắc trả lương theo Bộ luật Lao động?
Nguyên tắc trả lương được quy định tại Điều 94 Bộ Luật lao động 2019 như sau:
- Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.
- Người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email [email protected];