Hoạt động cơ yếu là gì? Hạn tuổi phục vụ của người làm công tác cơ yếu được quy định như thế nào theo quy định mới nhất 2025?
Thế nào là hoạt động cơ yếu? Vị trí, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng cơ yếu như thế nào? Người làm công tác cơ yếu được pháp luật quy định độ tuổi giới hạn là bao nhiêu?
Hoạt động cơ yếu là gì? Lực lượng cơ yếu có vị trí, chức năng, nhiệm vụ như thế nào?
Hoạt động cơ yếu là hoạt động cơ mật đặc biệt, thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia, sử dụng nghiệp vụ mật mã, kỹ thuật mật mã và các giải pháp có liên quan để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước, do lực lượng chuyên trách đảm nhiệm. (Căn cứ khoản 1 Điều 3 Luật Cơ yếu 2011)
Về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng cơ yếu được quy định tại Điều 20 Luật Cơ yếu 2011 như sau:
Lực lượng cơ yếu là một trong những lực lượng chuyên trách bảo vệ bí mật nhà nước, có chức năng tham mưu cho Đảng, Nhà nước về công tác cơ yếu, thực hiện hoạt động cơ yếu;
Góp phần bảo đảm tuyệt đối bí mật, an toàn, chính xác, kịp thời thông tin phục vụ sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, chỉ đạo, chỉ huy của lực lượng vũ trang nhân dân trong mọi tình huống;
Chủ động phòng ngừa, tham gia đấu tranh với các hoạt động thám mã gây phương hại đến an ninh quốc gia, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Hoạt động cơ yếu là gì? (Hình từ internet)
Người làm việc trong tổ chức cơ yếu gồm những ai? Họ có nghĩa vụ, trách nhiệm gì khi làm việc trong tổ chức cơ yếu?
Người làm việc trong tổ chức cơ yếu bao gồm:
[1] Người được điều động, biệt phái, bổ nhiệm để thực hiện nhiệm vụ của lực lượng cơ yếu (sau đây gọi là người làm công tác cơ yếu);
[2] Người được tuyển chọn để đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ cơ yếu;
[3] Người làm việc trong tổ chức cơ yếu nhưng không thuộc quy định tại [1], [2] (sau đây gọi là người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu).
Người làm việc trong tổ chức cơ yếu có nghĩa vụ, trách nhiệm như sau:
+ Giữ bí mật thông tin bí mật nhà nước và bí mật công tác cơ yếu, kể cả khi thôi làm việc trong tổ chức cơ yếu.
+ Phục tùng sự phân công, điều động của cơ quan, tổ chức và thực hiện đúng, đầy đủ chức trách được giao; tận tụy trong công tác, sẵn sàng hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống; nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, quy chế, chế độ, quy định về công tác cơ yếu; giữ gìn, bảo quản an toàn tuyệt đối sản phẩm mật mã được giao.
+ Thường xuyên giữ gìn và trau dồi đạo đức cách mạng, học tập, rèn luyện nâng cao trình độ, kiến thức, năng lực về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, quân sự, văn hoá và thể lực để hoàn thành nhiệm vụ.
+ Khi nhận mệnh lệnh của người có thẩm quyền, nếu có căn cứ cho rằng mệnh lệnh đó là trái pháp luật thì phải báo cáo ngay với người ra mệnh lệnh; trường hợp vẫn phải chấp hành mệnh lệnh thì báo cáo kịp thời với cấp trên trực tiếp của người ra mệnh lệnh và không phải chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành mệnh lệnh đó.
+ Thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
Căn cứ pháp lý: khoản 1 Điều 23 và Điều 24 Luật Cơ yếu 2011
Điều kiện tuyển chọn và hạn tuổi phục vụ của người làm công tác cơ yếu là bao nhiêu?
Thứ nhất, về điều kiện tuyển chọn người vào tổ chức cơ yếu
Căn cứ Điều 25 Luật Cơ yếu 2011 quy định điều kiện tuyển chọn người vào tổ chức cơ yếu bao gồm:
[1] Người chỉ có một quốc tịch Việt Nam, cư trú tại Việt Nam, từ đủ 18 tuổi, có đủ tiêu chuẩn về chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ học vấn, sức khoẻ, có nguyện vọng và năng lực phù hợp với công tác cơ yếu thì có thể được tuyển chọn vào tổ chức cơ yếu.
[2] Tổ chức cơ yếu được ưu tiên tuyển chọn sinh viên, học sinh tốt nghiệp xuất sắc và có đủ các tiêu chuẩn quy định tại [1] ở các cơ sở giáo dục để đào tạo, bổ sung vào lực lượng cơ yếu.
Thứ hai, về giới hạn tuổi phục vụ của người làm công tác cơ yếu
Căn cứ Điều 27 Luật Cơ yếu 2011 quy định hạn tuổi phục vụ của người làm công tác cơ yếu như sau:
[1] Hạn tuổi phục vụ của người làm công tác cơ yếu là quân nhân, Công an nhân dân thực hiện theo quy định của pháp luật về Quân đội nhân dân và Công an nhân dân. Người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, Công an nhân dân thực hiện theo quy định Bộ luật lao động 2019.
[2] Người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, Công an nhân dân có đủ điều kiện bảo hiểm xã hội của Nhà nước thì được nghỉ hưu; trường hợp có thời gian công tác trong tổ chức cơ yếu đủ 25 năm đối với nam, đủ 20 năm đối với nữ và đóng đủ bảo hiểm xã hội, trong đó có ít nhất 05 năm là người làm công tác cơ yếu mà cơ quan cơ yếu không còn nhu cầu bố trí công tác trong tổ chức cơ yếu hoặc không chuyển ngành được thì được nghỉ hưu trước hạn tuổi quy định tại [1].
Các hành vi nào bị nghiêm cấm trong hoạt động cơ yếu?
Căn cứ Điều 11 Luật Cơ yếu 2011 quy định có 07 hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động cơ yếu như sau:
[1]. Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật công tác trong hoạt động cơ yếu.
[2] Sử dụng sản phẩm mật mã không do Ban Cơ yếu Chính phủ cung cấp để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước.
[3] Lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong hoạt động cơ yếu gây phương hại đến an ninh quốc gia, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
[4] Truyền thông tin bí mật nhà nước qua các phương tiện thông tin, viễn thông mà không mã hoá bằng mật mã của cơ yếu.
[5] Nghiên cứu, sản xuất, sử dụng, thu thập, tiêu huỷ sản phẩm mật mã của cơ yếu trái pháp luật.
[6] Cố ý làm hư hỏng, chiếm đoạt sản phẩm mật mã của cơ yếu.
[7] Cản trở hoạt động cơ yếu trái pháp luật.
Xem thêm
Từ khóa: Hoạt động cơ yếu bí mật nhà nước Lực lượng cơ yếu Tổ chức cơ yếu Hoạt động cơ mật đặc biệt Sản phẩm mật mã
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email hotrophaply@NhanSu.vn;