Lương tháng 13 là gì? Cách tính lương tháng 13?

(có 2 đánh giá)

Em có tham gia phỏng vấn tại một doanh nghiệp thì được nhắc đến lương tháng 13. Vậy cho em hỏi lương tháng 13 là gì và cách tính lương tháng 13 như thế nào có khác với các khoản thu nhập khác không ạ? (Kiều My, Phú Yên)

1. Lương tháng 13 là gì?

Hiện tại pháp luật lao động và các văn bản hướng dẫn chưa quy định cụ thể cho khái niệm “lương tháng 13”. Trên thực tế thì lương tháng 13 là một khoản tiền người lao động được trả thêm ngoài tiền lương hàng tháng được nhận vào dịp cuối năm.

Vì lương tháng 13 được trả vào dịp cuối năm nên có số khác lại cho rằng “lương tháng 13” với “thưởng tết” là giống nhau, có một số quan điểm cho rằng “lương tháng 13” khác với “thưởng tết”.

Thật ra, “lương tháng 13” và “thưởng tết” giống hay khác nhau là do chính sách và cách gọi tên của từng doanh nghiệp.

Về bản chất “Lương tháng 13” hay “thưởng tết” đều là khoản tiền thưởng do người sử dụng lao động trả cho người lao động dựa trên kết quả sản xuất kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động trong năm theo quy định tại Điều 104 Bộ luật lao động 2019.

2. Doanh nghiệp có bắt buộc phải trả lương tháng 13 không?

Quy định hiện hành không không bắt buộc doanh nghiệp phải trả lương tháng 13 cho người lao động. Do đó, dù năm 2022 doanh nghiệp có lợi nhuận cao thì doanh nghiệp vẫn có quyền không trả lương tháng 13 cho người lao động.

Tuy nhiên cần lưu ý, nếu hai bên có thỏa thuận trả lương tháng 13 trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc quy chế của doanh nghiệp thì khi thỏa điều kiện chi trả lương tháng 13 đã được hai bên thỏa thuận hoặc quy định trong quy chế thì doanh nghiệp có trách nhiệm phải chi trả khoản tiền này.

3. Cách tính lương tháng 13

Vì lương tháng 13 là một khoản thưởng nên không có quy định cụ thể cách tính như thế nào. Tùy vào chính sách của từng doanh nghiệp mà cách tính lương tháng 13 có thể khác nhau. Sau đây, Nhân Lực Ngành Luật sẽ giới thiệu tới bạn hai cách tính lương tháng 13 đang được áp dụng phổ biến hiện nay, cụ thể:

Cách 1: Tính lương tháng 13 dựa theo mức lương trung bình của năm

Mức lương tháng 13 =

Tổng tiền lương đã được nhận trong năm


12

Ví dụ 1: Người lao động A làm trọn năm, lương từ tháng 1 đến tháng 6 là 10 triệu đồng/tháng, lương từ tháng 6 đến tháng 12 là 15 triệu đồng/tháng.

Lương tháng 13 của người lao động A = (10 triệu đồng x 6 + 15 triệu đồng x 6)/12 = 12,5 triệu đồng.

Ví dụ 2: Người lao động B làm việc không trọn năm từ tháng 7 đến tháng 12, trong đó lương tháng 7, tháng 8 là 11 triệu đồng, lương tháng 9 đến tháng 12 là 12 triệu đồng

Lương tháng 13 của người lao động B = (11 triệu đồng x 2 + 12 triệu đồng x 4)/12 = 5,83 triệu đồng.

Cách 2: Tính lương tháng 13 theo lương của tháng 12

Để đảm bảo quyền lợi của người lao động cũng như giúp doanh nghiệp dễ dàng xác định số tiền cần chi trả, các doanh nghiệp lựa chọn căn cứ trên lương tháng 12 để chi trả chế độ, tức là:

Mức lương tháng 13 = Mức lương tháng 12

Ví dụ: Anh C có mức lương tháng 12 năm 2022 là 20 triệu đồng/tháng thì lương tháng 13 anh C được nhận sẽ là 20 triệu đồng.

4. Lương tháng 13 có chịu thuế TNCN không?

Khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định về các khoản thu nhập chịu thuế TNCN như sau:

"Điều 2. Các khoản thu nhập chịu thuế

2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công

Thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm:

...

e) Các khoản thưởng bằng tiền hoặc không bằng tiền dưới mọi hình thức, kể cả thưởng bằng chứng khoán,..."

Như vậy, tiền lương tháng 13 bản chất là một khoản tiền thưởng nên sẽ chịu thuế TNCN.

5. Lương tháng 13 có đóng BHXH không?

Căn cứ Khoản 2.3 Điều 6 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 quy định:

"2.3. Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi khác, như tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong HĐLĐ theo Khoản 11 Điều 4 của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP."

Quy định trên đang đề cập đến Điều 103 của Bộ luật lao động 2012 (quy định đã hết hiệu lực), nội dung này hiện nay được kế thừa tại Điều 104 Bộ luật lao động 2019.

Như vậy, tiền lương tháng 13 không dùng làm căn cứ đóng BHXH.

Trên đây là những nội dung liên quan đến lương tháng 13. Hi vọng các thông tin mà Nhân Lực Ngành Luật chia sẻ sẽ hữu ích đối với bạn.

(có 2 đánh giá)
Theo Ngọc Hằng
2.744