Tinh gọn bộ máy để tạo đột phá về chất lượng hoạt động

(Chinhphu.vn) - Chưa khi nào cụm từ "cách mạng tinh gọn bộ máy" lại trở thành một từ khóa thu hút nhiều sự chú ý của dư luận trong nước như hiện nay. Sự chuyển động dứt khoát, dồn dập, và mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị trong gần hai tháng trở lại đây đang truyền cảm hứng tích cực và lan tỏa niềm tin trong xã hội về một quyết tâm, nỗ lực đổi mới thực sự cả về tư duy và hành động để củng cố, tăng cường sức mạnh của hệ thống chính trị, đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới.

Đăng bài: 08:28 23/12/2024
Nguồn: Báo Điện tử Chính Phủ Tác giả: TS. Nguyễn Văn Đáng

Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025.

Cách mạng về tổ chức bộ máy

Cụm từ "cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị" được sử dụng lần đầu tiên trong bài viết "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả" của Tổng Bí thư Tô Lâm ngày 5/11/2024. Tiếp sau đó, hàng loạt văn bản chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, cũng như các phát biểu quyết liệt của cán bộ lãnh đạo cấp cao đã được chuyển hóa thành những kế hoạch hành động dứt khoát, thần tốc của cả hệ thống chính trị, được công khai với người dân cả nước. Cho đến hiện nay, những gì đang diễn ra cho thấy hệ thống chính trị ở nước ta đã và đang quyết tâm cùng nỗ lực thay đổi toàn diện và triệt để về mô hình tổ chức bộ máy.

Những yêu cầu và cũng là mục tiêu hướng tới của cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy lần này được xác định rất rõ ràng, như đã nêu ra trong Nghị quyết 18 ban hành năm 2017 và gần đây được nhắc lại trong bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm. Theo đó, trước hết giảm bớt đầu mối tổ chức; quy định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền cũng như mối quan hệ giữa các cơ quan, đơn vị; giảm tầng nấc trung gian; đẩy mạnh phân cấp và phân quyền theo hướng đồng bộ và hợp lý hơn. Cùng với đó là giảm biên chế, tái bố trí nhân sự phù hợp hơn nhằm tiết kiệm chi ngân sách đồng thời phải cải thiện rõ rệt về chất lượng thực hiện các nhiệm vụ chính trị và phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Thực hiện thay đổi nêu trên, chúng ta hướng đến một hệ thống chính trị và bộ máy công quyền hoạt động hiệu lực hơn, với các cấu phần vận hành trơn tru, thông suốt, nhất quán, đồng bộ và nhịp nhàng ở mọi cấp độ. Tính hiệu quả không chỉ thể hiện ở việc giảm chi phí từ ngân sách cho hoạt động của hệ thống chính trị mà hơn thế, sự vận hành của hệ thống chính trị phải trở thành một trong những động lực thúc đẩy tốc độ phát triển nhanh, bền vững của đất nước thời gian tới.

Thủ tướng chủ trì phiên họp về chế độ, chính sách với cán bộ, công chức, người lao động khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy chiều 17/12.

Những vấn đề có tính nguyên tắc

Thực hiện cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy tức là chúng ta triển khai một sự thay đổi chưa từng có cả về quy mô, phạm vi, và chiều sâu của hệ thống chính trị. Nhận thức rõ những khó khăn, thách thức, thậm chí nhiều vấn đề nan giải mà cuộc cách mạng hiện nay sẽ phải đối diện, lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đang cho thấy vai trò dẫn dắt, truyền cảm hứng và điểm tựa của niềm tin cho nhân dân cả nước. Điều này phần nào thể hiện qua phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại nhiều hội nghị, cuộc họp gần đây: "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, Nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi".

Quan điểm rõ ràng, dứt khoát của người đứng đầu Chính phủ đang cho thấy sự quyết tâm cao độ trong quá trình hành động vì tương lai phát triển của đất nước, của dân tộc. Nhìn lại lịch sử nhân loại, không một sự thay đổi có tính cách mạng nào lại diễn ra dễ dàng. Vì thế, khi Đảng đã quyết tâm thay đổi thì cũng có nghĩa Đảng đã nhận thức rõ những khó khăn, trở ngại, những cái giá nhất thời sẽ phải trả cho sự thay đổi, chứ không chỉ thấy những lợi ích, cả trước mắt và lâu dài. Cũng vì thế, mọi thành viên trong hệ thống chính trị cần phải sẵn sàng tâm thế dám chấp nhận thiệt thòi, hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của đất nước.

Bên cạnh quan điểm chỉ đạo rõ ràng và quyết liệt, cùng những yêu cầu về "tinh, gọn, hiệu lực, hiệu quả", sự duy lý của cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị ở nước ta cũng thể hiện qua một số nguyên tắc then chốt. Những nguyên tắc này đã được nêu rõ trong bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới".

Thứ nhất, mọi sự điều chỉnh, thay đổi phải hoàn thiện hơn nữa cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ". Nguyên tắc này đặt ra yêu cầu nhận thức đúng đắn hơn về vai trò lãnh đạo và vai trò cầm quyền của Đảng, phân biệt rõ hơn giữa quyền lực của Đảng (quyền lực chính trị) với quyền lực của Nhà nước (những thẩm quyền được quy định trong Hiến pháp và pháp luật, hay quyền lực công), và quyền làm chủ của Nhân dân.

Thứ hai, mọi ý tưởng và hành động đổi mới phải bảo đảm vị thế và vai trò lãnh đạo của Đảng, đặc biệt chú ý ngăn chặn nguy cơ vai trò lãnh đạo của Đảng bị buông lỏng'. Nguyên tắc này đòi hỏi các cơ quan Đảng phải nỗ lực đổi mới hơn nữa để thực sự trở thành hạt nhân trí tuệ, là bộ tổng tham mưu cho hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Cùng với đó là nhu cầu phân định hợp lý hơn giữa các cấp độ lãnh đạo gắn với từng loại hình tổ chức Đảng nhằm tránh tình trạng song trùng hình thức.

Thứ ba, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, giảm cơ quan đầu mối, giảm tầng, nấc trung gian, giảm thủ tục hành chính để tạo sự chủ động, năng động, linh hoạt, và tự chịu trách nhiệm cho các địa phương cũng như từng cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, phân định rõ hơn giữa hai cấp độ hoạch định chính sách và tổ chức thực hiện, thực thi chính sách.

Một số gợi mở cho việc tinh giản và tái bố trí nhân sự

Đích đến cuối cùng của cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị là thay đổi rõ rệt về chất lượng hoạt động. Điều này cũng gợi ra rằng những điều chỉnh về tổ chức bộ máy mới chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ cho sự thành công trọn vẹn của cuộc cách mạng hiện nay là cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng cán bộ trong phungj sự tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Vì thế, phát biểu chỉ đạo tại nhiều hội nghị gần đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc "tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, với việc lựa chọn cán bộ đúng, trúng, phát huy trách nhiệm cá nhân của mỗi người với nhiệm vụ được giao, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết".

Đồng thời, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh nguyên tắc việc xây dựng chế độ, chính sách phải đảm bảo công bằng, nhân văn, hài hòa và tương quan hợp lý giữa các đối tượng để ổn định cuộc sống, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; tinh thần là không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng đơn thuần, đời sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, năm sau cao hơn năm trước, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Có thể thấy, sự quyết liệt và thần tốc của cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy sẽ ảnh hưởng đến nhiều nhóm nhân sự, với các mức độ khác nhau. Nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý sẽ có thể phải thay đổi nơi làm việc, thậm chí rời chức vụ đang đảm nhiệm. Nhiều công chức, viên chức sẽ phải thích ứng với vị trí mới, nhiệm vụ mới, nơi làm việc mới, thậm chí có thể phải dừng làm việc trong các cơ quan của hệ thống chính trị. Vì thế, cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy đề cao tính hiệu quả nhưng cũng không thể coi nhẹ tính nhân văn.

Để giữ chân những người có năng lực tốt, khuyến khích họ tiếp tục làm việc cho Nhà nước thì trước hết cần xác định những lĩnh vực mà thị trường đang có nhu cầu cao, có thể thu hút những người có năng lực, chẳng hạn như các ngành về kỹ thuật, y tế, giáo dục. Từ đó, mỗi cơ quan, đơn vị cần công khai khẳng định nhu cầu với người lao động có năng lực tốt, thực hiện công tác tư tưởng cùng những điều chỉnh về chế độ đãi ngộ phù hợp với khả năng đóng góp, bố trí việc làm phù hợp với nguyện vọng và khả năng sở trường của mỗi cá nhân, và cơ cấu họ vào đội ngũ có thể được đề bạt thăng tiến lên các chức vụ lãnh đạo, quản lý trong tương lai.

Với số đông công chức, viên chức thì cần xem xét thấu đáo từng trường hợp, tái bố trí họ vào những vị trí việc làm phù hợp với năng lực của cá nhân, cố gắng tránh những quyết định chấm dứt công việc quá đột ngột.

Để có cơ hội cho những người vẫn còn nhiều thời gian và vẫn muốn làm việc cho Nhà nước thì bên cạnh việc tạm dừng tuyển dụng, các cơ quan, đơn vị nên tập trung nguồn lực hỗ trợ vào nhóm lao động cận hưu, tức là những người còn thời gian làm việc từ khoảng 5 năm trở xuống đến tuổi nghỉ hưu. Những chính sách hỗ trợ vượt trội sẽ có thể gia tăng khả năng tự nguyện xin nghỉ sớm của nhóm cận hưu, để lại vị trí việc làm cho những người trẻ hơn.

Về lâu dài, để bảo đảm chất lượng của đội ngũ nhân sự làm việc cho hệ thống chính trị, toàn bộ quy trình công tác cán bộ cần được rà soát, xem xét cẩn trọng và tiến hành đổi mới triệt để với tất cả các bước: phát hiện – tuyển dụng – bổ nhiệm – đánh giá – đề bạt thăng tiến, tuân thủ yêu cầu "vì việc tìm người". Nói cách khác, đó là một quy trình công tác cán bộ dựa trên sự thi đua, cạnh tranh năng lực. Các quyết định về cán bộ phải đặc biệt coi trọng sự thể hiện trong công việc của mỗi cá nhân, được đo lường thông qua các kết quả, sản phẩm cụ thể.

30 Nguyễn Phạm Đài Trang

- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn;

- Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo;

- Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc;

- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email [email protected];

08/01/2025

Ngày 31/12/2024, BHXH Việt Nam ban hành văn bản số 4949/BHXH-CNTT gửi các đơn vị trực thuộc, BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin trong dịp Tết Dương lịch 2025, Tết Nguyên đán Ất Tỵ.

06/01/2025

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 01/TT-BYT có hiệu lực thi hành luôn từ ngày 1/1/2025, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT, trong đó có quy định một số bệnh không cần giấy chuyển tuyến.

30/12/2024

Ngày 25/12, BHXH Việt Nam ban hành Công văn số 4842/BHXH-VP về việc thực hiện các nhiệm vụ trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.

30/12/2024

(Chinhphu.vn) - Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 85/2024/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 69/2022/TT-BTC quy định chi tiết về chứng chỉ bảo hiểm, chứng chỉ đại lý bảo hiểm, chứng chỉ môi giới bảo hiểm, chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm.

Giấy phép kinh doanh số: 0315459414

Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều Phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028)39302288

Zalo: (028)39302288

Email: [email protected]


CHỦ QUẢN: CÔNG TY TNHH THƯ VIỆN PHÁP LUẬT

GP thiết lập trang TTĐTTH số 30/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP.HCM cấp ngày 15/06/2022.

Địa chỉ trụ sở: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM

Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ

Hướng dẫn sử dụng

Quy chế hoạt động

Quy trình tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, tranh chấp

Chính sách bảo mật thông tin

Quy chế bảo vệ DLCN

Thỏa thuận bảo vệ DLCN

Phí dịch vụ

Liên hệ

Sitemap


© 2025 All Rights Reserved