Nhấn vào mũi tên để hiển thị chuyên mục con hoặc nhấn vào tiêu đề để lọc theo chuyên mục cha
Quy định về Đề án sáp nhập tỉnh chính thức theo Nghị quyết 76
Bài viết dưới đây sẽ cập nhật quy định về Đề án sáp nhập tỉnh chính thức theo hướng dẫn tại Nghị quyết 76/2025/UBTVQH15.
Quy định về Đề án sáp nhập tỉnh chính thức theo Nghị quyết 76 (Hình từ Internet)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết 76/2025/UBTVQH15 ngày 14/4/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025.
Quy định về Đề án sáp nhập tỉnh chính thức theo Nghị quyết 76
Cụ thể, căn cứ định hướng sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Chính phủ phân công Ủy ban nhân dân của một trong các đơn vị hành chính cấp tỉnh cùng thực hiện sắp xếp chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân của đơn vị hành chính cấp tỉnh còn lại xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Trong đó, hồ sơ đề án sáp nhập tỉnh năm 2025 chính thức có những thành phần như sau:
- Tờ trình về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh;
- Đề án về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết 76/2025/UBTVQH15;
- Báo cáo tổng hợp ý kiến Nhân dân, ý kiến của Hội đồng nhân dân các cấp và các cơ quan, tổ chức có liên quan;
- 02 tờ bản đồ, gồm 01 tờ bản đồ về hiện trạng địa giới các đơn vị hành chính cấp tỉnh thực hiện sắp xếp và 01 tờ bản đồ về phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh;
- Các tài liệu khác có liên quan (nếu có).
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp) tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh; quyết định nội dung, hình thức lấy ý kiến theo hướng dẫn của Chính phủ.
Sau khi có kết quả lấy ý kiến Nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp) hoàn thiện đề án, gửi Hội đồng nhân dân các cấp có liên quan để xem xét, biểu quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (cơ quan chủ trì) tổng hợp báo cáo chung trên cơ sở báo cáo kết quả của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cùng sắp xếp (cơ quan phối hợp) gửi Bộ Nội vụ để thẩm định.
Bộ Nội vụ tổ chức thẩm định nội dung đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh do địa phương chuẩn bị, tổng hợp, xây dựng đề án của Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội.
Hồ sơ đề án của Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh kèm theo dự thảo nghị quyết của Quốc hội phải được gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 30 tháng 5 năm 2025. Hồ sơ đề án phải được Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định theo thẩm quyền.
Hồ sơ đề án phải được trình Quốc hội xem xét, thông qua trước ngày 30 tháng 6 năm 2025 để bảo đảm có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2025.
Được biết, sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh quy định tại Nghị quyết 76/2025/UBTVQH15 là việc nhập tỉnh với tỉnh để hình thành tỉnh mới hoặc nhập tỉnh với thành phố trực thuộc trung ương để hình thành thành phố trực thuộc trung ương mới theo định hướng sắp xếp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm giảm số lượng, tăng quy mô đơn vị hành chính, mở rộng không gian phát triển, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Cơ sở pháp lý: Điều 8 Nghị quyết 76/2025/UBTVQH15.
Đã có quy định về tên gọi của 34 tỉnh thành mới sau sáp nhập tỉnh
Theo Điều 7 Nghị quyết 76/2025/UBTVQH15 quy định về tên của đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã hình thành sau sắp xếp như sau:
Điều 7. Tên của đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã hình thành sau sắp xếp
1. Tên của đơn vị hành chính cấp tỉnh hình thành sau sắp xếp được đặt theo tên của một trong các đơn vị hành chính trước sắp xếp phù hợp với định hướng sắp xếp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Việc đặt tên, đổi tên của đơn vị hành chính cấp xã được quy định như sau:
a) Tên của đơn vị hành chính cấp xã cần dễ đọc, dễ nhớ, ngắn gọn, bảo đảm tính hệ thống, khoa học, phù hợp với các yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương và được Nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ;
b) Khuyến khích đặt tên của đơn vị hành chính cấp xã theo số thứ tự hoặc theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp) có gắn với số thứ tự để thuận lợi cho việc số hoá, cập nhật dữ liệu thông tin;
c) Tên của đơn vị hành chính cấp xã không được trùng với tên của đơn vị hành chính cùng cấp trong phạm vi đơn vị hành chính cấp tỉnh hoặc trong phạm vi đơn vị hành chính cấp tỉnh dự kiến hình thành sau sắp xếp.
Như vậy, tên gọi của 34 tỉnh thành mới sau sáp nhập tỉnh sẽ được đặt theo tên của một trong các đơn vị hành chính trước sắp xếp phù hợp với định hướng sắp xếp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email [email protected];