Người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được nghỉ hàng năm bao nhiêu ngày?
Làm nghề công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được nghỉ hàng năm bao nhiêu ngày? Chế độ nghỉ hưu của người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm?
Nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm là gì?
Nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm là nghề, công việc mà người lao động phải làm việc với mức cường độ cao, tiếp xúc với các hóa chất nguy hiểm hoặc có nguy cơ gây mất an toàn vệ sinh lao động, gây hại đến sức khỏe lâu dài của người lao động.
Ngoài ra, các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được quy định tại danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH (được bổ sung tại Thông tư 19/2023/TT-BLĐTBXH).
Người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được nghỉ hàng năm bao nhiêu ngày? (Hình ảnh Internet)
Người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được nghỉ hàng năm bao nhiêu ngày?
Căn cứ khoản 1 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 quy định về ngày nghỉ hằng năm như sau:
Nghỉ hằng năm
1. Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:
a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
b) 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
c) 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
...
Như vậy, theo quy định, người lao động làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được nghỉ hằng năm 16 ngày.
Ngoài ra, cứ đủ 05 năm làm việc cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm của người lao động làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm tăng thêm tương ứng 01 ngày. (Căn cứ Điều 114 Bộ luật Lao động 2019)
Lao động nữ làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm khi mang thai được hưởng quyền lợi gì?
Căn cứ khoản 2 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019 quy định về bảo vệ thai sản của lao động làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm như sau:
Bảo vệ thai sản
1. Người sử dụng lao động không được sử dụng người lao động làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong trường hợp sau đây:
a) Mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo;
b) Đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp được người lao động đồng ý.
2. Lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai và có thông báo cho người sử dụng lao động biết thì được người sử dụng lao động chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
...
Như vậy, theo quy định, lao động nữ làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm khi mang thai và có thông báo cho người sử dụng lao động biết thì được chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi mà không bị cắt giảm lương, quyền và lợi ích.
Chế độ nghỉ hưu của người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm?
Căn cứ khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 quy định về độ tuổi nghỉ hưu như sau:
Tuổi nghỉ hưu
1. Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu.
2. Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.
3. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
...
Như vậy, theo quy định, người lao động làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 tại thời điểm nghỉ hưu.
Từ khóa: Công việc đặc biệt nặng nhọc Được nghỉ hàng năm bao nhiêu ngày Tuổi nghỉ hưu Lao động nữ Nghỉ hằng năm Nặng nhọc Độc hại Nguy hiểm
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email hotrophaply@NhanSu.vn;