Sử dụng giáo viên chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo như thế nào? Dự kiến thay đổi thế nào về tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo?
Sử dụng giáo viên chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo như thế nào? Dự kiến thay đổi thế nào về tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo? Chuẩn nghề nghiệp nhà giáo theo đề xuất mới như thế nào?
Sử dụng giáo viên chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo như thế nào?
Căn cứ Điều 3 Thông tư 24/2020/TT-BGDĐT quy định sử dụng giáo viên chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo như sau:
[1] Trong 02 (hai) năm liên tiếp liền kề trước năm 2020, giáo viên có kết quả đánh giá, xếp loại đạt chuẩn nghề nghiệp trở lên hoặc được phân loại, đánh giá viên chức (xếp loại chất lượng viên chức) ở mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên, có đủ sức khỏe thì tiếp tục bố trí công tác giảng dạy cho đến khi nghỉ hưu theo quy định.
[2] Trong 02 (hai) năm liên tiếp liền kề trước năm 2020, giáo viên có kết quả đánh giá, xếp loại không đạt chuẩn nghề nghiệp và có một năm được phân loại, đánh giá viên chức (xếp loại chất lượng viên chức) ở mức không hoàn thành nhiệm vụ thì không bố trí giảng dạy và được sắp xếp tham gia bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để bố trí sang vị trí việc làm khác phù hợp tại cơ sở giáo dục cho đến khi nghỉ hưu theo quy định.
[3] Giáo viên không đủ sức khỏe, có nguyện vọng nghỉ hưu, đủ các điều kiện theo quy định Luật Bảo hiểm xã hội thì được nghỉ hưu theo quy định.
[4] Giáo viên chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo quy định tại mục [1], [2] và [3] tùy vào trường hợp cụ thể có thể thực hiện các quy định về thôi việc và tinh giản biên chế theo các quy định hiện hành.
Theo đó, đối với giáo viên chưa đáp ứng trình độ chuẩn đào tạo theo quy định, thì đơn vị giáo viên công tác sẽ căn cứ vào kết quả đánh giá của giáo viên, tình hình sức khỏe của giáo viên, để ra một trong các quyết định sau:
+ Tiếp tục bố trí công tác giảng dạy cho giáo viên đến khi nghỉ hưu theo quy định
+ Không bố trí giảng dạy và sắp xếp giáo viên tham gia bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để bố trí giáo viên sang vị trí việc làm khác phù hợp tại cơ sở giáo dục cho đến khi nghỉ hưu theo quy định
+ Cho giáo viên nghỉ hưu theo quy định
+ Cho giáo viên thôi việc và tinh giản biên chế theo các quy định hiện hành
Sử dụng giáo viên chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo thế nào? (Hình từ internet)
Dự kiến tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo sẽ thay đổi thế nào?
Căn cứ Điều 25 Dự thảo Luật Nhà giáo ngày 21/4/2025 quy định tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo dự kiến
[1] Tiền lương nhà giáo ở cơ sở giáo dục công lập được quy định như sau:
+ Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp
+ Phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật
+ Nhà giáo cấp học mầm non; nhà giáo công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; nhà giáo dạy trường chuyên biệt; nhà giáo thực hiện giáo dục hòa nhập; nhà giáo ở một số ngành, nghề đặc thù được hưởng chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với nhà giáo làm việc trong điều kiện bình thường
[2] Tiền lương của nhà giáo trong cơ sở giáo dục ngoài công lập thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động
[3] Nhà giáo công tác ở các ngành, nghề có chế độ đặc thù thì được hưởng chế độ đặc thù theo quy định và chỉ được hưởng ở một mức cao nhất nếu chính sách đó trùng với chính sách dành cho nhà giáo
[4] Chính phủ quy định chi tiết Điều 25 Dự thảo Luật Nhà giáo
Chuẩn nghề nghiệp nhà giáo theo đề xuất mới như thế nào?
Căn cứ Điều 13 Dự thảo Luật Nhà giáo quy định chuẩn nghề nghiệp nhà giáo như sau:
[1] Chuẩn nghề nghiệp nhà giáo là hệ thống các tiêu chuẩn theo từng chức danh nhà giáo, bao gồm tiêu chuẩn về đạo đức nhà giáo; tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng; tiêu chuẩn năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.
[2] Chuẩn nghề nghiệp nhà giáo được áp dụng thống nhất đối với nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập, cơ sở giáo dục ngoài công lập và nhà giáo là người nước ngoài.
[3] Cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục sử dụng chuẩn nghề nghiệp nhà giáo trong tuyển dụng, bố trí, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng đối với nhà giáo; xây dựng và thực hiện chính sách phát triển đội ngũ nhà giáo.
[4] Nhà giáo sử dụng chuẩn nghề nghiệp để tự đánh giá phẩm chất, năng lực; xây dựng và thực hiện kế hoạch rèn luyện, bồi dưỡng, phát triển nghề nghiệp liên tục.
[5] Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chuẩn nghề nghiệp nhà giáo. Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chuẩn nghề nghiệp nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý.
Xem thêm
Từ khóa: Nhà giáo Trình độ chuẩn Sử dụng giáo viên Chuẩn nghề nghiệp nhà giáo Tiền lương nhà giáo Đạt chuẩn nghề nghiệp Trình độ chuẩn được đào tạo
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email hotrophaply@NhanSu.vn;