Từ khóa gợi ý:
Không tìm thấy từ khóa phù hợp
Việc làm có thể bạn quan tâm
Không tìm thấy việc làm phù hợp

Nghị quyết 1157/NQ-UBTVQH15 năm 2024 giám sát chuyên đề về thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2030 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành

Số hiệu 1157/NQ-UBTVQH15
Ngày ban hành 28/08/2024
Ngày có hiệu lực 28/08/2024
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Người ký Trần Thanh Mẫn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1157/NQ-UBTVQH15

Hà Nội, ngày 28 tháng 8 năm 2024

 

NGHỊ QUYẾT

GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ VỀ VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ ĐỔI MỚI HỆ THỐNG TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP GIAI ĐOẠN 2018 - 2023

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân số 87/2015/QH13;

Căn cứ Nghị quyết số 833/NQ-UBTVQH15 ngày 27 tháng 7 năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024 và Nghị quyết số 837/NQ-UBTVQH15 ngày 02 tháng 8 năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023

Trên cơ sở xem xét Báo cáo số 930/BC-ĐGS ngày 26 tháng 8 năm 2024 của Đoàn giám sát và ý kiến của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Đánh giá kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành nội dung của Báo cáo số 930/BC-ĐGS ngày 26 tháng 8 năm 2024 của Đoàn giám sát với những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân chủ yếu sau đây:

1. Kết quả đạt được

Từ năm 2018 đến nay, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là đại dịch COVID-19 kéo dài, diễn biến phức tạp, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đạt nhiều kết quả quan trọng, cơ bản bảo đảm việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công cho người dân, phục vụ hiệu quả quá trình phát triển kinh tế - xã hội, trong đó nổi bật là:

a) Công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc quán triệt, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đổi mới tổ chức và hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập được các cấp, các ngành triển khai kịp thời, nghiêm túc, trách nhiệm; công tác thông tin, tuyên truyền được quan tâm, đổi mới với nhiều hình thức đa dạng, phong phú đã góp phần làm chuyển biến, thay đổi nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các cấp, các ngành, các đơn vị sự nghiệp công lập và toàn xã hội;

b) Chủ trương, đường lối của Đảng về đổi mới tổ chức và hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập được chú trọng thể chế hoá. Trong giai đoạn 2018 - 2023, đã có 13 luật, 07 nghị quyết của Quốc hội; 01 pháp lệnh, 01 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 85 nghị định của Chính phủ; 30 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và hơn 200 thông tư, quyết định của các Bộ, ngành được ban hành có nội dung trực tiếp hoặc gián tiếp điều chỉnh tổ chức, hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập. Chính quyền địa phương cấp tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để hướng dẫn, tổ chức thực hiện phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Đặc biệt, sau khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 62-KL/TW ngày 02 tháng 10 năm 2023 về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về Chương trình giám sát năm 2024, Chính phủ, các Bộ, ngành đã tập trung chỉ đạo, khẩn trương ban hành nhiều văn bản, khắc phục một bước tình trạng nợ đọng;

c) Việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập đạt kết quả tích cực, nhất là trong giai đoạn 2015 - 2021 số lượng đơn vị sự nghiệp công lập của các Bộ, ngành, địa phương đã giảm 13,33%, vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 19-NQ/TW.

Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, các địa phương đã thực hiện sáp nhập, tổ chức lại các trường phổ thông theo hướng điều chỉnh hợp lý quy mô lớp học, thu gọn các điểm trường, bảo đảm thuận lợi cho người dân và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Hệ thống các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm đang được rà soát, sắp xếp, tổ chức lại và thí điểm từng bước mở rộng việc giao thực hiện tự chủ. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được sắp xếp lại trên cơ sở quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Số lượng đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế đã giảm mạnh trong giai đoạn 2015 - 2021. Ở cấp tỉnh, các tỉnh, thành phố đã sáp nhập các đơn vị làm nhiệm vụ y tế dự phòng thành trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp tỉnh; ở cấp huyện, cấp xã, mô hình trung tâm y tế cấp huyện đa chức năng và trạm y tế cấp xã là đơn vị y tế thuộc trung tâm y tế cấp huyện đã được thực hiện ở đa số các tỉnh, thành phố.

Các địa phương đã sáp nhập các đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng trong lĩnh vực văn hóa; về cơ bản, mỗi địa phương chỉ giữ lại một đoàn nghệ thuật công lập truyền thống tiêu biểu, hợp nhất các trung tâm văn hóa và đoàn nghệ thuật; sáp nhập các trung tâm văn hóa, trung tâm thể thao, nhà văn hóa, đài truyền thanh... trên địa bàn cấp huyện thành một đầu mối. Việc thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 đã góp phần giảm mạnh số lượng đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.

Trong các lĩnh vực sự nghiệp khác, đa số các tỉnh, thành phố đã thực hiện việc hợp nhất trạm chăn nuôi và thú y, trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật, trạm khuyến nông, khuyến ngư... cấp huyện thành trung tâm dịch vụ nông nghiệp; chuyển các trung tâm phát triển quỹ đất về trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý; rà soát, sắp xếp lại các ban quản lý rừng phòng hộ theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Các trung tâm bảo trợ có chức năng, nhiệm vụ tương đồng được sắp xếp, tổ chức lại thành trung tâm bảo trợ đa chức năng.

Sau khi sắp xếp, tổ chức lại, đơn vị sự nghiệp công lập ở các lĩnh vực quan trọng đã phát huy được vai trò chủ đạo, nâng cao chất lượng dịch vụ công, cơ bản đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của Nhân dân. Việc đổi mới phương pháp giáo dục được thực hiện ở tất cả các cơ sở giáo dục; hình thức tổ chức dạy học đa dạng, từng bước ứng dụng công nghệ tiên tiến. Chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, y tế cơ sở, y tế dự phòng tiếp tục được nâng lên; nhiều kỹ thuật y học tiên tiến đã được ứng dụng thành công. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa của dân tộc được kế thừa, bảo tồn, tôn tạo và phát triển. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách người có công, bảo đảm an sinh xã hội. Hoạt động thông tin, truyền thông có nhiều đổi mới, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin và tạo đồng thuận xã hội;

d) Hầu hết các cơ quan đã xây dựng đề án tinh giản biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý. Giai đoạn 2015 - 2021, tổng biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước giảm 11,67%, vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 19-NQ/TW. Số lượng cấp phó trong các đơn vị sự nghiệp công lập về cơ bản đã đáp ứng tiêu chí quy định và giảm theo lộ trình;

đ) Chính sách xã hội hóa việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công đã từng bước phát huy hiệu quả. Giai đoạn 2015 - 2021, số đơn vị ngoài công lập cung ứng dịch vụ sự nghiệp công tăng 149%. Nguồn lực xã hội hóa đã đóng góp tích cực vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ, từng bước đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ chất lượng cao của một bộ phận dân cư và góp phần giảm áp lực, quá tải trong hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập;

e) Năng lực quản trị của đơn vị sự nghiệp công lập từng bước được nâng lên; cơ cấu tổ chức bên trong của nhiều đơn vị được rà soát, sắp xếp lại theo hướng tinh gọn. Giai đoạn 2015 - 2021, số lượng tổ chức bên trong của các đơn vị sự nghiệp công lập giảm 11,7%;

g) Việc đẩy mạnh phân cấp, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đã giúp các đơn vị sự nghiệp công lập chủ động sử dụng các nguồn lực tài chính hiệu quả hơn. Việc chuyển đổi từ phí sang giá dịch vụ được mở rộng, góp phần bù đắp chi phí của các đơn vị, giảm chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước, nhất là trong lĩnh vực y tế. Việc quản lý, sử dụng tài chính và tài sản công trong các đơn vị sự nghiệp công lập được chú trọng, góp phần khắc phục tình trạng lãng phí, chi sai mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công lập được nâng lên.

2. Tồn tại, hạn chế

a) Việc thể chế hoá chủ trương của Đảng, hoàn thiện pháp luật về đổi mới tổ chức, hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập còn chưa đầy đủ, kịp thời. Đến tháng 12 năm 2023, còn 88/253 nội dung (chiếm tỷ lệ 31,1%) theo yêu cầu trong các chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW chưa được ban hành, tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực nội vụ, tài chính, giáo dục và đào tạo, lao động - thương binh và xã hội, y tế, khoa học và công nghệ... Quy định pháp luật về tổ chức và hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập còn phân tán; tính thống nhất giữa các văn bản có mặt còn hạn chế, một số văn bản có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo; việc triển khai thực hiện một số văn bản còn gặp khó khăn, vướng mắc;

b) Mặc dù đạt được tỷ lệ giảm cao trong giai đoạn 2015 - 2021 nhưng tốc độ sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập đang chậm lại trong giai đoạn 2021 - 2023 (chỉ giảm 1,75%), đặt ra thách thức lớn trong việc phấn đấu đạt tỷ lệ giảm 10% cho giai đoạn 2021 - 2025. Việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập chủ yếu là sáp nhập, hợp nhất cơ học, chưa tính đến đặc thù của một số ngành, lĩnh vực.

Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, chủ trương sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các trường đại học hoạt động không hiệu quả chậm được triển khai, số lượng đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp tăng trở lại trong giai đoạn 2021 - 2023 (6,09%); cơ chế liên thông, liên kết giữa giáo dục nghề nghiệp với giáo dục phổ thông và giáo dục đại học chưa hiệu quả. Vẫn còn tình trạng thiếu trường, lớp, giáo viên ở một số nơi trong khi quy định về tiêu chuẩn cơ sở vật chất của các trường học còn chưa phù hợp thực tiễn.

[...]
0

CHỦ QUẢN: Công ty TNHH THƯ VIỆN PHÁP LUẬT

Mã số thuế: 0315459414, cấp ngày: 04/01/2019, nơi cấp: Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM.

Đại diện theo pháp luật: Ông Bùi Tường Vũ

GP thiết lập trang TTĐTTH số 30/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP.HCM cấp ngày 15/06/2022.

Giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm số: 4639/2025/10/SLĐTBXH-VLATLĐ cấp ngày 25/02/2025.

Địa chỉ trụ sở: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;

THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
...loại rủi ro pháp lý, nắm cơ hội làm giàu...
Thư Viện Nhà Đất
Thư Viện Nhà Đất
...hiểu pháp lý, rõ quy hoạch, giao dịch nhanh...