Thực trạng nguồn lao động ở tỉnh Nghệ An

(có 16 đánh giá)

Lao động là yếu tố cần thiết của mọi quá trình sản xuất. Không có lao động thì không thể có các hoạt động sản xuất. Nguồn lao động tốt, chất lượng cao là tiền đề vững chắc, là nhân tố quyết định đến sự phát triển kinh tế và sự hưng thịnh của mỗi quốc gia. Nguồn lao động có trình độ cao là nền tảng vững chắc đảm bảo cho việc chuẩn bị tốt và thực hiện thành công quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và hợp tác quốc tế.

Nghệ An là tỉnh đông dân. Năm 2010, dân số của Nghệ An là 2.929.107 người, chiếm 3,4% dân số cả nước và đứng thứ tư trong số 63 tỉnh, thành phố (sau Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Thanh Hóa). Với số dân đông, Nghệ An có nguồn nhân lực dồi dào, là một thuận lợi lớn để Nghệ An phát triển kinh tế - xã hội. Trong Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Nghệ An phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, có thu nhập đạt mức trung bình khá so với cả nước. Để đạt được mục tiêu đó, thì nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng. Vì vậy, nghiên cứu thực trạng chất lượng nguồn lao động và vấn đề việc làm để đề xuất các giải pháp phát triển nguồn nhân lực làm cơ sở thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa của tỉnh.

Việc làm tỉnh Nghệ An

1. Thực trạng lực lượng lao động của Nghệ An

1.1. Quy mô và phân bố lực lượng lao động

Nghệ An là tỉnh có nguồn lao động dồi dào. Theo kết quả Tổng điều tra dân số năm 2009, số dân trong độ tuổi lao động của tỉnh (từ 15-64 tuổi) là 1.949.617 người, chiếm 67,0% tổng số dân cả tỉnh.

Lực lượng lao động (hay còn gọi là dân số hoạt động kinh tế) bao gồm toàn bộ những người từ 15 tuổi trở lên đang có việc làm hoặc không có việc làm nhưng có nhu cầu làm việc. Năm 2009, lực lượng lao động của tỉnh Nghệ An là 1.651.527 người, chiếm 56,7% tổng dân sốcủa tỉnh. Tỉ lệ tham gia lực lượng lao động (tỉ số giữa những người thuộc lực lượng lao động và tổng dân số từ 15 tuổi trở lên) của Nghệ An năm 2009 là 76,6%, trong đó, tỉ lệ lao động nam tham gia nhiều hơn so với nữ (nam là 78,67% và nữ 74,62%) và tỉ lệ tham gia lực lượng lao động của dân số khu vực nông thôn cao hơn khu vực thành thị (78,97% so với 61,48%). Lực lượng lao động của Nghệ An chủ yếu tập trung ở khu vực nông thôn. Năm 2009, lực lượng lao động ở khu vực nông thôn là 1.472.232 người, chiếm 89,14%, còn lực lượng lao động ở thành thị là 179.295 người, chiếm 10,86% tổng lao động toàn tỉnh. Những huyện có lực lượng lao động đông là các huyện đồng bằng như huyện Quỳnh Lưu 12,24%, huyện Diễn Châu(9,23%), huyện Yên Thành (8,87%), thành phố Vinh (8,53%). Kết cấu lực lượng lao động theo giới tính đang có sự thay đổi đáng kể so với Tổng điều tra dân số năm 1999. Năm 1999, tỉ trọng nữ trong lực lượng lao động chiếm 52%, nam giới là 48%. Đến năm 2009, tỉ trọng nữ giới trong cơ cấu lực lượng lao động giảm chỉ còn chiếm 49,7% tổng lực lượng lao động; trong khi đó lao động nam là 831.131 người, chiếm 50,3%.

Tỉ trọng nữ trong lực lượng lao động chênh lệch không đáng kể giữa hai khu vực thành thị và nông thôn. Những huyện miền núi có tỉ trọng nữ trong lực lượng lao động thấp hơn so với các huyện đồng bằng. Mức thấp nhất là huyện Tương Dương (48,13%), tiếp đến là Quỳ Hợp 48,14%, Tân Kỳ 48,64%. Những huyện có tỉ trọng nữ trong lực lượng lao động lớn nhất là huyện Diễn Châu 51,78%, Đô Lương 50,59%, Nam Đàn 50,56%. Nguyên nhân chủ yếu là các huyện miền núi phụ nữ ít tham gia hoạt động kinh tế và một phần do tác động của tỉ số giới tính cao (số lượng nam giới lớn hơn nữ giới).

Bảng 1: Lực lượng lao động chia theo giới tính, thành thị/nông thôn và đơn vị hành chính năm 2009 

Nơi cư trú

Lực lượng lao động (người)

Tỉ trọng lao động theo huyện (%)

Tỉ trọng nữ (%)

Tổng số

Nam

Nữ

Toàn tỉnh

1.651.527

831.131

820.396

100,0

49,67

Nông thôn

179.295

90.182

89.113

10,86

49,70

Thành thị

1.472.232

740.949

731.283

89,14

49,67

Phân theo huyện, thành phố, thị xã

TP. Vinh

140.916

70.864

70.052

8,53

49,71

Thị xã Cửa Lò

28.697

14.326

14.371

1,74

50,08

Thị xã Thái Hòa

33.607

17.069

16.538

2,04

49,21

Huyện Quế Phong

37.535

18.988

18.547

2,27

49,41

Huyện Quỳ Châu

32.769

16.689

16.080

1,98

49,07

Huyện Kỳ Sơn

38.812

19.704

19.108

2,35

49,23

Huyện Tương Dương

42.976

22.293

20.683

2,60

48,13

Huyện Nghĩa Đàn

72.108

36.531

35.577

4,37

49,34

Huyện Quỳ Hợp

70.686

36.655

34.031

4,28

48,14

Huyện Quỳnh Lưu

202.149

103.488

98.661

12,24

48,81

Huyện Con Cuông

39.887

20.449

19.438

2,42

48,73

Huyện Tân Kỳ

75.300

38.674

36.626

4,56

48,64

Huyện Anh Sơn

63.169

31.452

31.717

3,82

50,21

Huyện Diễn Châu

152.429

73.502

78.927

9,23

51,78

Huyện Yên Thành

146.566

73.682

72.884

8,87

49,73

Huyện Đô Lương

103.700

51.241

52.459

6,28

50,59

Huyện Thanh Chương

113.870

57.275

56.595

6,90

49,70

Huyện Nghi Lộc

104.027

52.051

51.976

6,30

49,96

Huyện Nam Đàn

85.084

42.065

43.019

5,15

50,56

Huyện Hưng Nguyên

67.240

34.133

33.107

4,07

49,24

(Nguồn: Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, Cục Thống kê Nghệ An)     

1.2. Kết cấu theo độ tuổi

Nghệ An là tỉnh có lực lượng lao động trẻ. Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, lực lượng lao động trong độ tuổi từ 20-39 tuổi chiếm 51,65% tổng lực lượng lao động. Giữa khu vực thành thị và nông thôn có sự khác nhau về phân bố lực lượng theo độ tuổi. Tỉ lệ lực lượng lao động nhóm tuổi trẻ (từ 15-24 tuổi) và nhóm tuổi già (60 tuổi trở lên) của khu vực thành thị thấp hơn so với khu vực nông thôn. Ngược lại, đối với nhóm tuổi lao động chính (từ 25-59 tuổi) khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn. Điều này cho thấy, người lao động ở thành thị tham gia vào lực lượng lao động muộn hơn và ra khỏi lực lượng lao động sớm hơn so với người lao động ở khu vực nông thôn. Nguyên nhân là do nhóm dân số trẻ ở khu vực thành thị có thời gian đi học dài hơn và người lớn tuổi ở khu vực thành thị nghỉ làm việc sớm hơn.

1.3. Trình độ chuyên môn kỹ thuật

Lực lượng lao động dồi dào là một điểm lợi thế trong thời kỳ dân số vàng của tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động Nghệ An còn thấp, gây khó khăn không nhỏ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, trong tổng số 1.651,5 nghìn lao động, chỉ có 230,9 nghìn người được qua đào tạo, chiếm 13,98% tổng lực lượng lao động. Trong đó số lao động có trình độ tay nghề và chuyên môn kỹ thuật, trình độ đại học trở lên chiếm tỉ lệ thấp 3,79%, đào tạo cao đẳng đạt tỉ lệ 1,93%, trình độ trung cấp 6,16% và sơ cấp là 2,1%.

Tỉ lệ lực lượng lao động đã qua đào tạo ở khu vực thành thị cao hơn so với khu vực nông thôn. Năm 2009, tỉ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật của khu vực thành thị chiếm 44,04% lực lượng lao động của thành thị, trong đó trình độ cao đẳng và đại học trở lên chiếm 20,59%, còn lại là lao động có trình độ sơ cấp và trung cấp. Trong khi đó, lực lượng lao động nông thôn đã được đào tạo chỉ chiếm tỉ trọng 10,32% và chủ yếu là trình độ sơ cấp và trung cấp (6,41% tổng lực lượng lao động), số lao động khu vực nông thôn đạt trình độ cao đẳng trở lên chiếm 3,91% tổng lực lượng lao động nông thôn.

Có sự khác biệt đáng kể về trình độ chuyên môn của lực lượng lao động giữa các đơn vị hành chính. Tỉ trọng những người có trình độ chuyên môn trong lực lượng lao động cao nhất ở thành phố Vinh với 49,23%, tiếp đến là thị xã Thái Hòa 19,48%, thị xã Cửa Lò 13,08%; thấp nhất là huyện Nghĩa Đàn 7,15%, huyện Tương Dương 8,56%, huyện Quế Phong 9,21%, huyện Quỳ Châu 9,95%…

1.4. Lực lượng lao động phân theo ngành kinh tế

Việc làm là một trong những chỉ tiêu quan trọng để đánh giá sự phát triển kinh tế - xã hội của một địa phương, một vùng lãnh thổ. Năm 2009, Nghệ An có 1.609.433 lao động có việc làm, chiếm 97,45% tổng số lực lượng lao động của cả tỉnh. Phần lớn lao động đang làm việc trong nền kinh tế là lao động nông, lâm, ngư nghiệp và lao động làm nghề giản đơn. Điều này chứng tỏ Nghệ An vẫn là một tỉnh nông nghiệp, thị trường lao động đang ở mức thấp, vấn đề đào tạo nguồn lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật được đặt ra hết sức cấp bách.

Cùng với quá trình phát triển kinh tế, cơ cấu lao động của Nghệ An đang có sự chuyển dịch đúng hướng. Đó là sự tăng tỉ trọng lao động trong các ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ và giảm tỉ trọng lao động trong nhóm ngành nông, lâm và thủy sản. Tỉ trọng lao động trong ngành nông, lâm, ngư nghiệp giảm 10,37% trong giai đoạn 1999-2009; lao động khu vực công nghiệp - xây dựng tăng thêm 6,41% và khu vực dịch vụ tăng thêm 3,96% cùng giai đoạn. Tuy nhiên, phần lớn lao động tập trung trong nhóm ngành nông, lâm, ngư nghiệp.

Bảng 2: Cơ cấu lao động đang làm việc phân theo ngành kinh tế ở tỉnh Nghệ An

 

Năm 1999

Năm 2009

Tổng

100,0

100,0

Ngành nông, lâm, ngư nghiệp

80,06

69,69

Ngành công nghiệp - xây dựng

6,28

12,69

Ngành dịch vụ

13,66

17,62

Nguồn: Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, Cục Thống kê Nghệ An)

Lao động có việc làm phân theo loại hình kinh tế có sự khác nhau giữa các thành phần kinh tế. Loại hình kinh tế cá nhân, hộ sản xuất kinh doanh cá thể chiếm tới 87,9%. Thành phần kinh tế tập thể giảm tỉ trọng nhanh và chiếm 0,27%; Lao động kinh tế nhà nước chiếm 8,52%; kinh tế tư nhân 2,29% và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỉ trọng nhỏ 0,6%.

2. Đánh giá chung về lực lượng lao động ở tỉnh Nghệ An

2.1. Những lợi thế

- Nghệ An có nguồn lao động dồi dào và đang trong thời kì “cơ cấu dân số vàng”, nghĩa là tỉ trọng dân số trong độ tuổi lao động cao gấp đôi trong độ tuổi phụ thuộc. Đây là một lợi thế lớn để tỉnh đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

- Lực lượng lao động của tỉnh Nghệ An có cơ cấu phân theo nhóm tuổi trẻ, thuận lợi để có thể nâng cao trình độ chuyên môn kĩ thuật của lao động. Lao động có thể dễ dàng đón nhận những tiến bộ khoa học kĩ thuật trong sản xuất.

- Lực lượng lao động của Nghệ An bước đầu đã có sự chuyển dịch đúng hướng, phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đó là sự giảm tỉ trọng của lao động nông, lâm, ngư nghiệp và tăng tỉ trọng của lao động công nghiệp - xây dựng và dịch vụ.

- Trong những năm qua, trình độ học vấn của lao động đã được nâng lên rõ rệt. Đây cũng là một yếu tố thuận lợi cho việc tiếp thu những tiến bộ khoa học kĩ thuật trong sản xuất của lao động một cách dễ dàng.

2.2. Những khó khăn, thách thức

- Một trở ngại của thời kỳ dân số vàng là lao động chưa qua đào tạo cao. Với một nguồn nhân lực kém về trình độ như hiện nay là một rào cản cho việc gia nhập thị trường lao động chất lượng cao trong thời kỳ tỉnh Nghệ An đang đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa. Hiện tại, cả tỉnh có 1.420,6 nghìn người lao động (chiếm 86,02% lực lượng lao động) chưa được đào tạo. Con số này đặt ra nhiệm vụ nặng nề cho những cố gắng nhằm nâng cao chất lượng nguồn lực lao động phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An theo hướng hội nhập kinh tế quốc tế.

Mặt khác, lực lượng lao động đào tạo chủ yếu là lao động trình độ thấp, lao động có trình độ cao chiếm tỉ lệ rất ít là một khó khăn lớn trong việc phát triển các ngành công nghiệp kỹ thuật cao của tỉnh.

- Mặc dù cơ cấu lao động của tỉnh Nghệ An phân theo ngành kinh tế có sự chuyển dịch đúng hướng, nhưng chậm chạp. Tỉ trọng của lao động nông nghiệp giảm ít trong 2 lần Tổng điều tra Dân số và Nhà ở, và vẫn chiếm tỉ trọng cao nhất trong cơ cấu lao động, lao động công nghiệp - xây dựng, dịch vụ chiếm tỉ trọng nhỏ. Trong khi đó, năng suất lao động của mỗi lao động công nghiệp - xây dựng và dịch vụ cao hơn nhiều so với năng suất lao động của mỗi lao động nông nghiệp (năm 2010 năng suất lao động nông nghiệp là 10,37 triệu đồng/lao động, còn lao động công nghiệp là 74,16 triệu đồng/lao động, xây dựng: 68,54 triệu đồng, lao động trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng là 53,60 triệu đồng…).

- Phần lớn lực lượng lao động tập trung ở vùng đồng bằng, ven biển. Các huyện miền núi Nghệ An, lực lượng lao động ít, thiếu lao động có trình độ. Sự phân bố bất hợp lí gây khó khăn cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Miền núi có nhiều tiềm năng chưa được khai phá lại thiếu lao động có trình độ. Trong khi đó, vùng đồng bằng lao động đông, gây khó khăn trong vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động.

- Nguồn lao động ở Nghệ An nhìn chung năng lực tiếp nhận, xử lý những kỹ năng và phong cách làm việc theo yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhìn chung còn thấp, hạn chế kể cả về nhận thức, cơ sở vật chất - kỹ thuật, phương pháp và cách thức tổ chức.Khoảng cách tụt hậu về cơ sở vật chất và công nghệ của nền kinh tế cũng như của hệ thống đào tạo nguồn nhân lực còn thiếu và lạc hậu.

3. Một số giải pháp nâng cao chất lượng nguồn lao động tỉnh Nghệ An

-  Trước hết, cần nâng cao trình độ học vấn, trình độ khoa học kỹ thuật, coi trọng đào tạo nguồn nhân lực cho các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới và công nghệ tự động hóa. Nguồn lao động có trình độ khoa học kĩ thuật cao sẽ là nhân tố quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh Nghệ An. Để thực hiện điều đó, cần phải đổi mới toàn diện công tác đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu thực trạng phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và theo xu thế của thời đại. Phát triển nhiều hình thức đào tạo, trong đó, chú trọng công tác đào tạo nghề cho lực lượng lao động trẻ. Ưu tiên đầu tư nâng cấp các cơ sở dạy nghề của Nhà nước, đồng thời đẩy mạnh cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa giáo dục, phát triển các hình thức dạy nghề đa dạng để Nghệ An trở thành trung tâm đào tạo của khu vực Bắc Trung Bộ.

Vấn đề đào tạo và dạy nghề có vị trí hết sức quan trọng. Đầu tư dạy nghề cho nguồn lao động trẻ, để nguồn lao động này có thể tham gia vào các hoạt động sản xuất phi nông nghiệp, hoặc các hoạt động dịch vụ, trong quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cần chú ý dành vốn ngân sách đầu tư nâng cấp các cơ sở dạy nghề của Nhà nước, đồng thời có cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa, phát triển các hình thức dạy nghề đa dạng và có chính sách để những người được đào tạo về làm việc ở nông thôn.

- Lực lượng lao động nông nghiệp của tỉnh đông. Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa sẽ làm dư thừa một số lượng lớn lao động nông nghiệp, nếu không có học vấn và trình độ chuyên môn thì sẽ không tham gia vào được các khu vực kinh tế khác. Vì vậy, cần phải nâng cao trình độ dân trí cho cư dân nông thôn, đặc biệt là đối với lực lượng lao động. Việc phổ cập giáo dục cho cư dân nông thôn là điều kiện đầu tiên tạo cho nông dân khả năng tiếp cận được với những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học - kĩ thuật trong nông nghiệp, từ đó cho phép họ nâng cao trình độ kĩ thuật canh tác, tăng năng suất lao động. Đây là cơ sở để người nông dân đủ sức làm chủ hoạt động kinh doanh của mình, chủ động lựa chọn các phương án sản xuất tối ưu nhằm đạt hiệu quả cao. Việc phát triển hệ thống giáo dục bằng các hình thức như giáo dục chính quy, bổ túc kết hợp với việc phát triển hệ thống truyền thanh, truyền hình, nhà văn hóa… ở các xã, nhất là những xã vùng sâu của các huyện miền núi. Hệ thống truyền thanh, truyền hình sẽ cung cấp và cập nhật những thông tin về khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư cho lực lượng lao động nông thôn, nhờ đó mà họ tiếp cận được với những phương thức canh tác tiên tiến.

Cần phải đẩy mạnh công tác bồi dưỡng kiến thức cho nông dân, những người trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Đây là vấn đề quan trọng có ảnh hưởng quyết định đến việc áp dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất. Thực hiện các chương trình đào tạo nông dân, tăng tỉ lệ lao động được đào tạo lên trong những năm tới bằng việc áp dụng chủ yếu các hình thức đào tạo ngắn ngày, đào tạo tại chỗ, vừa học, vừa làm. Đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư tại các huyện trong tỉnh, đặc biệt ưu tiên các huyện miền núi, với những hình thức như phổ biến kĩ thuật mới, công nghệ chế biến, bảo quản nông sản, cách sử dụng phân bón hóa học an toàn… Việc phổ biến kiến thức khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư không nhất thiết phải tổ chức theo trường lớp, mà có thể thực hiện ngay tại các xí nghiệp, các trang trại hay có thể thực hiện ngay trên đồng ruộng.

- Phân bổ lại nguồn lao động một cách hợp lí, có chính sách khuyến khích, thu hút cán bộ khoa học kĩ thuật, lực lượng lao động có trình độ về công tác tại các huyện miền núi./.

 

Tài liệu tham khảo

1. Cục Thống kê Nghệ An (2010). Niên giám thống kê Nghệ An năm 2010. Nxb Thống kê.

2. Cục Thống kê Nghệ An (2009). Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009: Các kết quả chủ yếu.

3. Ngô Doãn Vịnh (Chủ biên) (2005). Bàn về phát triển kinh tế. Nxb Chính trị Quốc gia.

Nguyễn Thị Trang Thanh 

(có 16 đánh giá)
19.486