Doanh nghiệp chậm, không đóng BHXH người lao động cần làm gì?

(có 1 đánh giá)

Tôi đi làm được một thời gian nhưng công ty tôi không đóng bảo hiểm xã hội cho tôi. Vậy tôi cần phải làm gì và việc doanh nghiệp chậm, không đóng BHXH cho người lao động có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Công Minh - Quảng Nam)

Doanh nghiệp chậm, không đóng bảo hiểm xã hội thì người lao động phải làm như thế nào?

Căn cứ Điều 46 Quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 (sửa đổi bởi khoản 72 Điều 1 Quyết định 505/QĐ-BHXH năm 2020) quy định như sau:

Nội dung ghi trên sổ BHXH và gộp sổ BHXH

Nội dung ghi trên sổ BHXH và gộp sổ BHXH đối với một người có từ 2 sổ BHXH trở lên được quản lý theo Điều 33b.

1. Ghi, xác nhận thời gian đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN trong sổ BHXH

...

1.2. Đối với đơn vị nợ tiền đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, nếu người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt HĐLĐ, HĐLV thì đơn vị có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định, cơ quan BHXH xác nhận sổ BHXH để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho người lao động.

Trường hợp đơn vị chưa đóng đủ thì xác nhận sổ BHXH đến thời điểm đã đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN. Sau khi thu hồi được số tiền đơn vị còn nợ thì xác nhận bổ sung trên sổ BHXH.

...

Nếu người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm xã hội (sau đay gọi tắt là BHXH) có thể yêu cầu doanh nghiệp đóng đủ các khoản BHXH chậm đóng hoặc chưa đóng để cơ quan BHXH giải quyết kịp thời các quyền lợi cho mình.

Nếu doanh nghiệp không đóng, người lao động sẽ không được hưởng các quyền lợi về BHXH. Người lao động có thể khiếu nại đến Sở Lao động Thương binh Xã hội hoặc khởi kiện trực tiếp lên Tòa án nhân dân cấp huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính để đòi lại quyền lợi.

Trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn nên chậm hoặc chưa đóng BHXH thì người lao động nghỉ việc sẽ được xác nhận thời gian đóng BHXH tại thời điểm đã đóng. Số tiền BHXH còn nợ sau khi thu hồi được sẽ được bổ sung vào sổ BHXH của người lao động.

Doanh nghiệp chậm, không đóng BHXH người lao động cần làm gì? (Hình từ internet)

Doanh nghiệp chậm, không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động thì có phải đóng lãi hay không?

Căn cứ Điều 122 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về xử lý vi phạm pháp luật liên quan đến bảo hiểm xã hội như sau:

Xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội

...

3. Người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 17 của Luật này từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội.

Dẫn chiếu Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 về các hành vi bị nghiêm cấm như sau:

Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

2. Chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

3. Chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

...

Trong trường hợp doanh nghiệp chậm, không đóng BHXH cho người lao động, thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền BHXH chậm đóng và bị xử phạt ra thì còn phải nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng.

Nếu người sử dụng lao động không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội.

Không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

Căn cứ Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động như sau:

Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động

1. Người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 06 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp sau đây, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a) Trốn đóng bảo hiểm từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

b) Trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng năm đến 03 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Trốn đóng bảo hiểm từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

c) Trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 người đến dưới 200 người;

d) Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Trốn đóng bảo hiểm 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên;

c) Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 2 Điều này.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng.

Như vậy, đối với hành vi trốn đóng BHXH cho người lao động của người sử dụng lao động có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào sự việc cụ thể.

Mức phạt tiền cao nhất đối với hành vi này là từ 1.000.000.000 đồng hoặc có thể bị phạt tù với thời gian có thể lên đến 07 năm.

Ngoài ra còn có thể bị phạt bổ sung từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

(có 1 đánh giá)
Theo Thành Nhân
2.386