Trợ giúp pháp lý là gì? Đối tượng nào được trợ giúp pháp lý? Tiêu chuẩn trợ giúp viên pháp lý yêu cầu những gì?
Thế nào là trợ giúp pháp lý? Ai được thực hiện quyền trợ giúp pháp lý? Tiêu chuẩn trợ giúp viên pháp lý yêu cầu những gì? Các hành vi nào bị nghiêm cấm trong hoạt động trợ giúp pháp lý?
Trợ giúp pháp lý là gì? Đối tượng nào được trợ giúp pháp lý theo quy định hiện nay?
Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý 2017, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật (căn cứ Điều 2 Luật Trợ giúp pháp lý 2017).
Căn cứ Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định những người được trợ giúp pháp lý như sau:
[1] Người có công với cách mạng.
[2] Người thuộc hộ nghèo.
[3] Trẻ em.
[4] Người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
[5] Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.
- Lưu ý: Từ ngày 1/1/2026, quy định tại [5] sẽ được sửa đổi, bổ sung bởi điểm a khoản 6 Điều 177 Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024: "Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội, bị hại, người làm chứng, người chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng, phạm nhân"
[6] Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo.
[7] Người thuộc một trong các trường hợp sau đây có khó khăn về tài chính:
(i) Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ;
(ii) Người nhiễm chất độc da cam;
(iii) Người cao tuổi;
(iv) Người khuyết tật;
(v) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự;
- Lưu ý: Quy định tại (v) sẽ bị bãi bỏ từ ngày 1/1/2026 bởi điểm b khoản 6 Điều 177 Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024
(vi) Nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình;
(vii) Nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định Luật Phòng, chống mua bán người 2011
- Lưu ý: Quy định tại (vii) sẽ bị bãi bỏ từ ngày 1/7/2025 bởi khoản 2 Điều 61 Luật Phòng, chống mua bán người 2024
(viii) Người nhiễm HIV.
Trong đó, điều kiện khó khăn về tài chính của người được trợ giúp pháp lý là người thuộc hộ cận nghèo hoặc là người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật (theo hướng dẫn tại Điều 2 Nghị định 144/2017/NĐ-CP).
Trợ giúp pháp lý là gì? (Hình từ internet)
Ai được thực hiện quyền trợ giúp pháp lý? Tiêu chuẩn trợ giúp viên pháp lý yêu cầu những gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 17 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 người thực hiện trợ giúp pháp lý bao gồm:
[1] Trợ giúp viên pháp lý;
[2] Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo hợp đồng với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước; luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo phân công của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý;
[3] Tư vấn viên pháp luật có 02 năm kinh nghiệm tư vấn pháp luật trở lên làm việc tại tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý;
[4] Cộng tác viên trợ giúp pháp lý.
Căn cứ Điều 19 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 về tiêu chuẩn trợ giúp viên pháp lý quy định như sau:
Công dân Việt Nam là viên chức của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước có đủ tiêu chuẩn sau đây có thể trở thành trợ giúp viên pháp lý:
[1] Có phẩm chất đạo đức tốt;
[2] Có trình độ cử nhân luật trở lên;
[3] Đã được đào tạo nghề luật sư hoặc được miễn đào tạo nghề luật sư; đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư hoặc tập sự trợ giúp pháp lý;
[4] Có sức khỏe bảo đảm thực hiện trợ giúp pháp lý;
[5] Không đang trong thời gian bị xử lý kỷ luật.
Các hành vi nào bị nghiêm cấm trong hoạt động trợ giúp pháp lý?
Căn cứ Điều 6 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động trợ giúp pháp lý như sau:
[1] Nghiêm cấm tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý có hành vi sau đây:
+ Xâm phạm danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý; phân biệt đối xử người được trợ giúp pháp lý;
+ Nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác từ người được trợ giúp pháp lý; sách nhiễu người được trợ giúp pháp lý;
+ Tiết lộ thông tin về vụ việc trợ giúp pháp lý, về người được trợ giúp pháp lý, trừ trường hợp người được trợ giúp pháp lý đồng ý bằng văn bản hoặc luật có quy định khác;
+ Từ chối hoặc không tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý, trừ trường hợp quy định tại Luật Trợ giúp pháp lý 2017 và quy định của pháp luật về tố tụng;
+ Lợi dụng hoạt động trợ giúp pháp lý để trục lợi, xâm phạm quốc phòng, an ninh quốc gia, gây mất trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng xấu đến đạo đức xã hội;
+ Xúi giục, kích động người được trợ giúp pháp lý cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện trái pháp luật.
[2] Nghiêm cấm người được trợ giúp pháp lý, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý có hành vi sau đây:
+ Xâm phạm sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của người thực hiện trợ giúp pháp lý và uy tín của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý;
+ Cố tình cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về vụ việc trợ giúp pháp lý;
+ Đe dọa, cản trở, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động trợ giúp pháp lý; gây rối, làm mất trật tự, vi phạm nghiêm trọng nội quy nơi thực hiện trợ giúp pháp lý.
Xem thêm
Từ khóa: Trợ giúp pháp lý trợ giúp viên pháp lý luật sư tập sự hành nghề luật sư Tư vấn viên pháp luật
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email hotrophaply@NhanSu.vn;