Tổng hợp quy định về thử việc 2025 mới nhất cho nhân viên và doanh nghiệp
Bài viết cập nhật chi tiết các quy định về thử việc năm 2025, giúp nhân viên có thêm kiến thức để bảo vệ quyền lợi khi thử việc và giúp doanh nghiệp thực hiện đúng quy định pháp luật.
Hợp đồng thử việc cần thỏa thuận những gì?
Thử việc là bước khởi đầu quan trọng trong hành trình sự nghiệp của hầu hết nhân viên và cũng là giai đoạn để doanh nghiệp đánh giá mức độ phù hợp của ứng viên. Để đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên, pháp luật Việt Nam đã có những quy định về thử việc rất rõ ràng.
Có thể nhiều người còn lầm tưởng rằng thử việc chỉ là một thỏa thuận miệng. Tuy nhiên, để đảm bảo tính pháp lý, việc thử việc cần được ghi nhận bằng văn bản.
Theo Điều 24 Bộ luật Lao động 2019, doanh nghiệp và nhân viên có thể thỏa thuận về việc làm thử, quyền và nghĩa vụ của hai bên thông qua hai hình thức:
- Ký hợp đồng thử việc riêng: Đây là một hợp đồng độc lập, chỉ có giá trị trong thời gian thử việc.
- Ghi nhận nội dung thử việc trong hợp đồng lao động: Các điều khoản về thời gian, mức lương, và nội dung thử việc sẽ là một phần của hợp đồng lao động chính thức.
Dù ở hình thức nào, nội dung của thỏa thuận thử việc cũng phải bao gồm các điểm chính như: thời gian thử việc và các nội dung sau:
- Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;
- Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;
- Công việc và địa điểm làm việc;
- Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;
- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
- Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;
Lưu ý: Doanh nghiệp không được áp dụng thử việc đối với nhân viên ký hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng.
Tải về >> Mẫu Hợp đồng thử việc mới nhất 2025 <<
Doanh nghiệp có thể tùy ý quyết định thời gian thử việc và mức lương không?
Một trong những quy định về thử việc được quan tâm nhất là thời gian và mức lương. Pháp luật quy định về thử việc đã đặt ra giới hạn rõ ràng để bảo vệ người lao động khỏi tình trạng bị kéo dài thời gian thử việc hoặc trả lương không tương xứng.
Về thời gian thử việc
Theo Điều 25 Bộ luật Lao động 2019, thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc, cụ thể:
- Không quá 180 ngày: Đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
- Không quá 60 ngày: Đối với công việc cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên.
- Không quá 30 ngày: Đối với công việc cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.
- Không quá 06 ngày làm việc: Đối với các công việc khác.
Lưu ý: Chỉ được thử việc một lần đối với một công việc.
Về mức lương thử việc
Theo Điều 26 Bộ luật Lao động 2019, mức lương thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải đảm bảo: "Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó."
Điều này có nghĩa là công ty không thể đưa ra một mức lương thử việc tùy ý mà phải dựa trên mức lương chính thức của vị trí công việc đó.
Tổng hợp quy định về thử việc 2025 mới nhất cho nhân viên và doanh nghiệp (Hình từ Internet)
Những điều cần biết khi kết thúc thử việc
Sau khi kết thúc thời gian thử việc, sẽ có hai trường hợp xảy ra. Nắm rõ quy định ở giai đoạn này giúp cả nhân viên và công ty có những bước đi tiếp theo đúng luật.
Theo Điều 27 Bộ luật Lao động 2019 quy định khi kết thúc thời gian thử việc, công ty phải thông báo kết quả thử việc cho nhân viên.
- Nếu kết quả thử việc đạt yêu cầu: Doanh nghiệp phải giao kết ngay hợp đồng lao động chính thức với nhân viên. Nếu trước đó hai bên đã ký hợp đồng lao động có điều khoản thử việc thì hợp đồng đó sẽ tiếp tục có hiệu lực.
- Nếu kết quả thử việc không đạt yêu cầu: Hợp đồng thử việc hoặc thỏa thuận thử việc sẽ chấm dứt. Mỗi bên đều có quyền chấm dứt mà không cần báo trước và không phải bồi thường.
Đây là một điểm đặc biệt trong quy định về thử việc mà cả hai bên cần lưu ý để tránh các tranh chấp không đáng có.
Quy định về tính thuế thu nhập cá nhân khi thử việc
Vấn đề thuế thu nhập cá nhân thử việc cũng là một thắc mắc khá phố biến. Cách tính thuế thu nhập cá nhân thử việc sẽ phụ thuộc vào hình thức hợp đồng mà hai bên đã ký kết.
Theo điểm i khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC, việc khấu trừ thuế được áp dụng như sau:
Trường hợp 1: Ký hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động dưới 03 tháng
Các công ty, tổ chức trả tiền lương, tiền công cho nhân viên có tổng mức thu nhập từ hai triệu (2.000.000) đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho nhân viên.
Lưu ý: Nếu nhân viên chỉ có duy nhất thu nhập tại một nơi nhưng ước tính tổng mức thu nhập chịu thuế sau khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế thì có thể làm Bản cam kết (Mẫu 08/CK-TNCN) gửi cho công ty để tạm thời không bị khấu trừ 10% thuế TNCN.
Tải về >> Mẫu 08/CK-TNCN - Cam kết không khấu trừ 10% thuế TNCN <<
Trường hợp 2: Ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên (có ghi điều khoản thử việc)
Trong trường hợp này, nhân viên được tính thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần, tức là được áp dụng giảm trừ gia cảnh cho bản thân (11 triệu đồng/tháng) và người phụ thuộc (4.4 triệu đồng/người/tháng) trước khi tính thuế. Cách tính này tương tự như nhân viên chính thức.
Hướng dẫn cách tính thuế thu nhập cá nhân khi thử việc (Hình từ Internet)
Ví dụ thực tế hướng dẫn cách tính thuế thu nhập cá nhân khi thử việc
Để hiểu rõ mình sẽ nhận được bao nhiêu tiền lương và bị trừ thuế như thế nào, hãy cùng xem 2 ví dụ thực tế của bạn Phúc trong hai trường hợp ký hợp đồng khác nhau, dù mức lương thử việc là như nhau.
Giả sử bạn Phúc được nhận vào thử việc với mức lương thử việc là 10.000.000 đồng/tháng.
Ví dụ 1: Phúc ký HỢP ĐỒNG THỬ VIỆC thời hạn 2 tháng
Đây là trường hợp phổ biến nhất, công ty và Phúc ký một hợp đồng riêng chỉ dành cho giai đoạn thửviệc.
Loại hợp đồng: Hợp đồng thử việc (thời hạn dưới 3 tháng).
Mức lương: 10.000.000 đồng/tháng.
Vì Phúc có thu nhập trên 2.000.000 đồng/tháng và ký hợp đồng dưới 3 tháng, công ty sẽ khấu trừ 10% thuế TNCN trực tiếp trên tổng lương.
Cách tính chi tiết:
- Số thuế TNCN bị khấu trừ = 10.000.000 đồng x 10% = 1.000.000 đồng
- Lương thực nhận của Phúc mỗi tháng = 10.000.000 đồng - 1.000.000 đồng = 9.000.000 đồng
Mẹo thực tế cho Phúc (trường hợp được làm Cam kết Mẫu 08/CK-TNCN):
Nếu Phúc chỉ có duy nhất nguồn thu nhập tại công ty này và ước tính tổng thu nhập cả năm sau khi trừ gia cảnh không đến mức phải nộp thuế, Phúc có thể làm Bản cam kết Mẫu 08/CK-TNCN để công ty tạm thời không khấu trừ 10% thuế.
Kết quả nếu có cam kết: Phúc sẽ nhận đủ 10.000.000 đồng và tự chịu trách nhiệm quyết toán thuế vào cuối năm nếu có phát sinh.
Ví dụ 2: Phúc ký HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG xác định thời hạn là 12 tháng (trong đó có điều khoản thử việc 2 tháng)
Trong trường hợp này, công ty và Phúc ký ngay từ đầu một hợp đồng lao động xác định thời hạn, trong đó có ghi rõ 2 tháng đầu là thời gian thử việc.
Loại hợp đồng: Hợp đồng lao động (thời hạn từ 3 tháng trở lên).
Mức lương thử việc: 10.000.000 đồng/tháng.
Vì Phúc ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên, thuế TNCN sẽ được tính theo biểu thuế lũy tiến từng phần. Phúc sẽ được áp dụng các khoản giảm trừ như một nhân viên chính thức.
Cách tính chi tiết:
1. Tính các khoản giảm trừ
- Giảm trừ gia cảnh cho bản thân Phúc: 11.000.000 đồng/tháng
- Giảm trừ người phụ thuộc: Giả sử Phúc không có người phụ thuộc nên khoản này là 0 đồng.
Tổng giảm trừ: 11.000.000 đồng
2. Tính thu nhập chịu thuế
Thu nhập tính thuế = 10.000.000 đồng - 11.000.000 đồng - Các khoản giảm trừ bảo hiểm = 0 đồng
3. Kết quả
Vì thu nhập tính thuế của Phúc là số âm (nhỏ hơn 0), Phúc không phải nộp thuế TNCN trong thời gian thử việc.
Lương thực nhận của Phúc mỗi tháng = 10.000.000 đồng.
Bảng so sánh dễ hiểu về thuế thu nhập cá nhân thử việc
Tiêu chí |
Ví dụ 1: Ký Hợp đồng Thử việc |
Ví dụ 2: Thử việc trong Hợp đồng Lao động dài hạn |
Loại hợp đồng |
Hợp đồng thử việc 2 tháng |
Hợp đồng lao động 1 năm (có 2 tháng thử việc) |
Mức lương |
10.000.000 đồng |
10.000.000 đồng |
Cách tính thuế |
Khấu trừ trực tiếp 10% |
Tính theo biểu thuế lũy tiến (được giảm trừ) |
Số thuế phải nộp |
1.000.000 đồng |
0 đồng |
Lương thực nhận |
9.000.000 đồng |
10.000.000 đồng |
Lưu ý quan trọng |
Có thể làm Cam kết 08 để không bị trừ thuế |
Được tính như nhân viên chính thức, có lợi hơn về thuế |
Từ ví dụ có thể thấy cùng một mức lương thử việc nhưng hình thức hợp đồng bạn ký sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến số tiến thực nhận hàng tháng. Việc ký hợp đồng lao động dài hạn có điều khoản quy định về thử việc thường sẽ có lợi hơn về mặt thuế thu nhập cá nhân cho nhân viên.
Như vậy, qua những phân tích và ví dụ trên, việc nắm vững các quy định về thử việc 2025 không chỉ giúp nhân viên bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình mà còn giúp các doanh nghiệp xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, tuân thủ pháp luật và thu hút nhân tài trong quá trình tuyển dụng nhân sự.
Từ khóa: Quy định về thử việc Lương thử việc Hợp đồng thử việc Thời gian thử việc Quy định về thử việc 2025 Thuế thu nhập cá nhân thử việc
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email hotrophaply@NhanSu.vn;