Nhấn vào mũi tên để hiển thị chuyên mục con hoặc nhấn vào tiêu đề để lọc theo chuyên mục cha
Thương hiệu là gì? Thủ tục đăng ký bảo hộ thương hiệu như thế nào?
Khái niệm Thương hiệu? Vì sao cần phải đăng ký bảo hộ thương hiệu? Thủ tục đăng ký bảo hộ thương hiệu như thế nào?
Thương hiệu là gì? Tại sao cần phải đăng ký bảo hộ thương hiệu?
[1] Thương hiệu là gì?
Hiện nay chưa có quy định pháp lý cụ thể nào định nghĩa về "Thương hiệu". Theo Luật Sở hữu trí tuệ 2005, được sửa đổi bổ sung năm Luật Sở hữu trí tuệ 2009 sửa đổi, Luật Sở hữu trí tuệ 2019 sửa đổi và Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022, khái niệm pháp lý tương đương gần nhất với “thương hiệu” là nhãn hiệu. Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau, được bảo hộ bởi pháp luật. Nhãn hiệu có thể là từ ngữ, hình ảnh, biểu tượng, chữ số, hoặc sự kết hợp của chúng, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc.
Trong khi đó, “thương hiệu” là một khái niệm rộng hơn, bao gồm cả hình ảnh, uy tín, giá trị cảm xúc mà doanh nghiệp xây dựng và duy trì qua thời gian. “Thương hiệu” không chỉ bao gồm phần “nhãn hiệu” (các dấu hiệu có thể được đăng ký bảo hộ), mà còn bao gồm các yếu tố liên quan đến cảm xúc, sự tin tưởng và danh tiếng mà người tiêu dùng dành cho sản phẩm hoặc dịch vụ.
[2] Tại sao cần phải đăng ký bảo hộ thương hiệu?
Việc đăng ký bảo hộ thương hiệu rất quan trọng vì nó giúp bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Dưới đây là một số lý do tại sao nên đăng ký bảo hộ thương hiệu:
- Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ: Đăng ký bảo hộ thương hiệu giúp xác nhận quyền sở hữu hợp pháp đối với thương hiệu của mình. Thương hiệu chỉ phát sinh quyền sở hữu trí tuệ khi đã được chủ sở hữu nộp đơn đăng ký tới cơ quan đăng ký. Chủ sở hữu thương hiệu chỉ có thể khẳng định được quyền sở hữu hợp pháp thương hiệu của mình khi đã được cơ quan đăng ký cấp giấy chứng nhận đăng ký sở hữu trí tuệ. Chỉ sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký thương hiệu, chủ sở hữu mới được độc quyền sử dụng thương hiệu đó trên toàn lãnh thổ Việt Nam; được pháp luật bảo vệ trước hành vi xâm phạm quyền của bên khác. Điều này ngăn chặn các đối thủ cạnh tranh giả mạo, sao chép hoặc sử dụng thương hiệu của bạn mà không có sự cho phép.
- Tạo dựng uy tín và sự tin cậy: Một thương hiệu đã được bảo hộ giúp tạo dựng niềm tin với khách hàng. Họ sẽ cảm thấy yên tâm hơn khi mua hàng, vì biết rằng thương hiệu đó là chính hãng và được bảo vệ pháp lý.
- Bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp: Việc bảo vệ thương hiệu giúp doanh nghiệp tránh được những tranh chấp pháp lý với đối thủ về quyền sở hữu thương hiệu. Nếu không có bảo hộ pháp lý, bạn có thể gặp khó khăn trong việc bảo vệ thương hiệu của mình.
- Tăng giá trị thương hiệu: Một thương hiệu được bảo hộ có thể gia tăng giá trị tài sản của doanh nghiệp. Nếu thương hiệu của bạn được đăng ký bảo vệ, nó có thể trở thành tài sản sở hữu trí tuệ có giá trị, giúp thu hút nhà đầu tư hoặc đối tác kinh doanh.
- Chống hành vi xâm phạm: Khi thương hiệu của bạn được đăng ký bảo hộ, bạn có quyền kiện những tổ chức hoặc cá nhân xâm phạm quyền lợi của bạn (như sử dụng logo, tên thương hiệu, hay sản phẩm tương tự mà không có sự đồng ý).
- Hỗ trợ trong hoạt động mở rộng và nhượng quyền: Khi mở rộng thương hiệu hoặc phát triển hoạt động nhượng quyền, bảo vệ thương hiệu giúp đảm bảo rằng sự phát triển của bạn không bị gián đoạn bởi tranh chấp pháp lý. Chỉ khi đăng ký, chủ sở hữu mới có thể chuyển nhượng, cho phép đối tác sử dụng thương hiệu (nhượng quyền) để thu lại khoản chi phí để tái đầu tư kinh doanh.
Thương hiệu là gì? Thủ tục đăng ký bảo hộ thương hiệu như thế nào? (Hình từ Internet)
Thủ tục đăng ký bảo hộ thương hiệu như thế nào?
Theo Chương II Thông tư 23/2023/TT-BKHCN thì thủ tục đăng ký bảo hộ thương hiệu bao gồm các bước cơ bản sau:
Bước 1: Tiếp nhận đơn (Điều 8 Thông tư 23/2023/TT-BKHCN)
- Người nộp đơn đăng ký bảo hộ thương hiệu có thể nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ.
- Sau khi nộp đơn đăng ký thương hiệu Cục sẽ cấp số nhận đơn và đồng thời ghi nhận ngày nộp đơn của thương hiệu.
- Số đơn và ngày nộp đơn là cơ sở pháp lý quan trọng nhất để xác định đơn hợp lệ và ngày ưu tiên của đơn đăng ký thương hiệu.
- Chủ đơn sẽ theo dõi tiến trình đơn thông qua số đơn và ngày nộp đơn cho đến khi thương hiệu được cấp văn bằng bảo hộ.
Bước 2: Thẩm định hình thức đơn (Điều 9 Thông tư 23/2023/TT-BKHCN)
- Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định đơn và ra thông báo kết quả thẩm định hình thức đơn hợp lệ trong thời gian từ 01 đến 02 tháng.
- Kết thúc xét nghiệm hình thức Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra thông báo xét nghiệm hình thức của đơn.
- Thẩm định hình thức đơn đảm bảo đơn đã được khai đúng, xác định đúng nhóm đăng ký bảo hộ, tư cách pháp lý của chủ đơn.
- Thẩm định hình thức đơn chưa là cơ sở xác định thương hiệu được cấp văn bằng bảo hộ.
Bước 3: Công bố đơn (Điều 10 Thông tư 23/2023/TT-BKHCN)
Trong vòng 02 tháng kể từ ngày có thông báo kết quả thẩm định hình thức đơn hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ phải thực hiện thủ tục công bố đơn đăng ký thương hiệu trên Công báo của Cục Sở hữu trí tuệ
Bước 4: Thẩm định nội dung đơn (Điều 12 Thông tư 23/2023/TT-BKHCN)
- Mục đích của việc thẩm định nội dung đơn là đánh giá khả năng được bảo hộ của đối tượng nêu trong đơn theo các điều kiện bảo hộ, xác định phạm vi (khối lượng) bảo hộ tương ứng.
- Thời gian thẩm định nội dung của nhãn hiệu: 09-12 tháng.
- Trong quá trình thẩm định nội dung đơn, người nộp đơn có quyền chủ động sửa đổi đơn.
- Cục Sở hữu trí tuệ có thể yêu cầu chủ đơn tiến hành việc sửa chữa đơn, bổ sung tài liệu hoặc giải trình.
- Khi sửa đổi đơn thì thời hạn thẩm định nội dung được kéo dài thêm tương ứng với thời hạn dành cho người nộp đơn thực hiện các công việc đó.
Bước 5: Ra quyết định cấp/từ chối cấp văn bằng bảo hộ
- Nếu đối tượng nêu trong đơn không đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ;
- Nếu đối tượng nêu trong đơn đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ, và người nộp đơn nộp phí, lệ phí đầy đủ, đúng hạn thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về nhãn hiệu và công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp.
Tổng thời gian từ khi nộp đơn đến khi thương hiệu được cấp văn bằng bảo hộ thường kéo dài từ 18-24 tháng.
Có thể tra cứu thương hiệu tại đâu?
- Công báo Sở hữu công nghiệp do Cục Sở hữu trí tuệ phát hành;
- Đăng bạ quốc gia và Đăng bạ quốc tế về thương hiệu hàng hoá (lưu giữ tại Cục Sở hữu trí tuệ);
- Cơ sở dữ liệu điện tử về thương hiệu tại Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới;
- Cơ sở dữ liệu điện tử về thương hiệu hàng hoá công bố trên mạng Internet;
- Người nộp đơn cũng có thể sử dụng dịch vụ tra cứu thông tin của Cục Sở hữu trí tuệ, với điều kiện phải nộp tiền phí dịch vụ theo quy định.
- Giải pháp tốt nhất, người nộp đơn có thể thông qua đơn vị Đại diện sở hữu trí tuệ để tra cứu thương hiệu và đánh giá khả năng bảo hộ của nhãn hiệu.
- Nội dung nêu trên được NhanSu.vn biên soạn và chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế thông tin chính thức từ nhà tuyển dụng;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email [email protected];