Nhấn vào mũi tên để hiển thị chuyên mục con hoặc nhấn vào tiêu đề để lọc theo chuyên mục cha
7 bước đăng ký tạm trú online đơn giản và dễ hiểu? Các trường hợp công dân cần phải đăng ký tạm trú?
Hướng dẫn 7 bước đăng ký tạm trú online nhanh chóng và dễ hiểu. Công dân cần phải đăng ký tạm trú trong trường hợp nào?
7 bước đăng ký tạm trú online đơn giản và dễ hiểu?
Bước 1: Truy cập vào cổng dịch vụ công của Bộ công an
Đăng nhập cổng dịch vụ công của Bộ Công an. Người dùng truy cập vào cổng dịch vụ công của Bộ công an qua đường dẫn sau: https://dichvucong.dancuquocgia.gov.vn/
Bước 2: Đăng nhập
Tại góc trên bên phải màn hình, chọn mục đăng nhập. Người dùng thực hiện thao tác đăng nhập vào tài khoản dịch vụ công. (Trường hợp không có tài khoản thì thực hiện việc đăng ký tài khoản dịch vụ công)
Bước 3: Chọn đối tượng
Thực hiện chọn 1 trong 2 đối tượng: Tài khoản Cơ sở cho thuê cư trú hay Tài khoản Cổng DVC Quốc gia. Chọn Tài khoản Định danh điện tử -> Chọn Tài khoản Định danh điện tử cấp bởi Bộ Công an dành cho Công dân
Xuất hiện Giao diện Đăng nhập, người dùng sử dụng tài khoản VNeiD để đăng nhập hoặc đăng nhập bằng ứng dụng và quét QR Code bên góc phải để đăng nhập.
Bước 4: Đăng ký tạm trú
Sau khi đăng nhập xong, trở về trang chủ. Tại đây có 2 cách để người dùng đăng ký tạm trú.
Cách 1: Tại mục Tạm trú ở trang chủ, chọn Đăng ký tạm trú.
Cách 2: Tại thanh tìm kiếm, nhập Đăng ký tạm trú
Sau đó chọn Đăng ký tạm trú.
Bước 5: Điền thông tin
Người dùng cần điền đầy đủ thông tin yêu cầu. Đặc biệt là các thông tin bắt buộc được đánh dấu sao.
Ngoài ra, tại mục Thông tin nhận thông báo tình trạng hồ sơ hồ sơ. Người dùng có thể chọn nhận thông báo qua 2 cách:
Cách 1: Nhận thông báo qua email
Cách 2: Nhận thông báo qua cổng thông tin
Tại mục Thông tin nhận kết quả giải quyết, người dùng chọn nhận kết quả qua 3 cách:
Cách 1: Nhận trực tiếp
Cách 2: Nhận qua email
Cách 3: Nhận qua cổng thông tin
Lưu ý: Để thực hiện thủ tục trên cổng dịch vụ công thì người dùng cần có đủ thông tin trên trường thông tin về dân cư. Trong trường hợp không có đủ thông tin, người dùng cần phải đến cơ quan có thẩm quyền nơi cư trú để cập nhật thông tin. Sau đó, mới có thể thực hiện các thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công.
Bước 6: Đính kèm thông tin hồ sơ
Lưu ý: Người dùng cần điền đủ thông tin theo yêu cầu để xuất hiện phần đính kèm hồ sơ. Trong trường hợp chưa điền đủ thông tin đặc biệt là phần thủ tục đăng ký tạm trú, nội dung này sẽ không xuất hiện
Bước 7: Hoàn thành
Sau khi đã hoàn thành đầy đủ thông tin yêu cầu, người dùng cần chọn "Tôi xin chịu trách nhiệm trước pháp luật về lời khai trên". Sau đó chọn Ghi hoặc Ghi và gửi hồ sơ.
Các trường hợp công dân cần phải đăng ký tạm trú?
Căn cứ theo Điều 27 của Luật Cư trú 2020 quy định về điều kiện đăng ký tạm trú như sau:
Điều kiện đăng ký tạm trú
1. Công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú.
2. Thời hạn tạm trú tối đa là 02 năm và có thể tiếp tục gia hạn nhiều lần
3. Công dân không được đăng ký tạm trú mới tại chỗ ở quy định tại Điều 23 của Luật này.
Như vậy, theo quy định nêu trên, công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú.
7 bước đăng ký tạm trú online đơn giản và dễ hiểu? Các trường hợp công dân cần phải đăng ký tạm trú? (Hình từ Internet)
Các trường hợp xóa đăng ký tạm trú?
Căn cứ theo Điều 29 Luật Cư trú 2020 quy định chi tiết về các trường hợp bị xóa đăng ký tạm trú tạm vắng, cụ thể:
[1] Người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị xóa đăng ký tạm trú:
- Chết; có quyết định của Tòa án tuyên bố mất tích hoặc đã chết;
- Đã có quyết định hủy bỏ đăng ký tạm trú quy định tại Điều 35 Luật Cư trú 2020;
- Vắng mặt liên tục tại nơi tạm trú từ 06 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác;
- Đã được cơ quan có thẩm quyền cho thôi quốc tịch Việt Nam, tước quốc tịch Việt Nam, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam;
- Đã được đăng ký thường trú tại chính nơi tạm trú;
- Người đã đăng ký tạm trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác;
- Người đã đăng ký tạm trú tại chỗ ở hợp pháp nhưng sau đó quyền sở hữu chỗ ở đó đã chuyển cho người khác, trừ trường hợp được chủ sở hữu mới đồng ý cho tiếp tục sinh sống tại chỗ ở đó;
- Người đăng ký tạm trú tại chỗ ở đã bị phá dỡ, tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tại phương tiện đã bị xóa đăng ký phương tiện theo quy định của pháp luật.
[2] Cơ quan đã đăng ký tạm trú có thẩm quyền xóa đăng ký tạm trú và phải ghi rõ lý do, thời điểm xóa đăng ký tạm trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú.
[3] Chính phủ quy định chi tiết hồ sơ, thủ tục xóa đăng ký tạm trú.
- Nội dung nêu trên được NhanSu.vn biên soạn và chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế thông tin chính thức từ nhà tuyển dụng;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email [email protected];