Đẩy mạnh và đa dạng hóa nguồn vốn cho kinh tế tư nhân theo Nghị quyết 138?
Nghị quyết 138, đẩy mạnh và đa dạng hóa nguồn vốn cho kinh tế tư nhân như thế nào? Doanh nghiệp tư nhân được hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh?
Đẩy mạnh và đa dạng hóa nguồn vốn cho kinh tế tư nhân theo Nghị quyết 138?
Trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khu vực kinh tế tư nhân đã và đang khẳng định vai trò là một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và đổi mới sáng tạo.
Tuy nhiên, một trong những rào cản lớn đối với khu vực này là khả năng tiếp cận nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Nhận diện rõ thách thức này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 138/NQ-CP năm 2025 về Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 68-NQ/TW năm 2025 của Trung ương, trong đó dành một nội dung riêng để đẩy mạnh và đa dạng hóa nguồn vốn cho kinh tế tư nhân.
Đây là bước đi chiến lược nhằm tháo gỡ điểm nghẽn vốn – một trong những yếu tố then chốt quyết định khả năng phát triển bền vững của khu vực tư nhân.
Theo Tiểu mục 3 Mục 2 Nghị quyết 138/NQ-CP năm 2025 ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 68-NQ/TW, Chính phủ đặt mục tiêu tăng cường tiếp cận và đa dạng hóa nguồn vốn cho khu vực kinh tế tư nhân, với các giải pháp cụ thể phân công cho từng bộ, ngành như sau:
[1] Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
- Rà soát, sửa đổi Thông tư 26/2024/TT-NHNN nhằm mở rộng danh mục tài sản cho thuê tài chính, bao gồm cả phần mềm, quyền khai thác, tài sản trí tuệ và dữ liệu.
- Chỉ đạo các ngân hàng thương mại:
+ Ưu tiên tín dụng cho doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực đầu tư máy móc, công nghệ mới, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, tín dụng xuất khẩu và tín dụng theo chuỗi cung ứng.
+ Khuyến khích giảm lãi suất cho vay với các dự án xanh, tuần hoàn, đáp ứng tiêu chuẩn ESG.
+ Cải tiến chính sách cho vay: dựa trên phương án kinh doanh, dữ liệu dòng tiền, tài sản đảm bảo (bao gồm cả tài sản vô hình và hình thành trong tương lai).
- Tăng cường chia sẻ dữ liệu giữa hệ thống ngân hàng, cơ quan thuế và các đơn vị liên quan để hỗ trợ tiếp cận vốn hiệu quả hơn.
- Giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng và kiểm soát rủi ro từ cho vay nội bộ.
[2] Bộ Tài chính
- Rà soát, sửa đổi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 và các Nghị định liên quan đến quỹ bảo lãnh tín dụng theo hướng:
+ Cải tiến mô hình tổ chức, tăng hiệu quả và chấp nhận rủi ro khách quan.
+ Nới lỏng điều kiện bảo lãnh, tạo điều kiện thu hút nguồn lực từ doanh nghiệp lớn và tổ chức tài chính.
+ Đề xuất thành lập Quỹ tái bảo lãnh tín dụng Trung ương và thử nghiệm sàn gọi vốn cộng đồng.
- Sửa đổi các quy định liên quan đến Quỹ Phát triển DNNVV để:
+ Mở rộng đối tượng hỗ trợ; đơn giản hóa thủ tục; bổ sung chức năng đầu tư vào các quỹ địa phương, quỹ tư nhân; hỗ trợ vốn mồi và khởi nghiệp; phát triển vườn ươm; mở rộng nguồn vốn từ các tổ chức trong và ngoài nước.
+ Xây dựng cơ chế đồng tài trợ giữa các quỹ trung ương, địa phương và tư nhân.
- Hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động của tổ chức cho vay không nhận tiền gửi.
- Triển khai Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến 2030; phát triển nhà đầu tư tổ chức, tổ chức trung gian và ứng dụng công nghệ hiện đại.
- Rà soát quy định về trái phiếu doanh nghiệp trong và ngoài nước để mở rộng kênh huy động vốn cho khu vực tư nhân.
- Nghiên cứu khung pháp lý về chứng khoán hóa các khoản nợ.
[3] Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường
- Rà soát, sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường 2020 để bổ sung chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay các dự án xanh, tuần hoàn, áp dụng tiêu chuẩn ESG.
- Trình Thủ tướng ban hành hướng dẫn xác định tiêu chí dự án xanh, tuần hoàn và ESG.
[4] Các bộ, ngành, địa phương
Đẩy mạnh thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017; triển khai các chương trình hỗ trợ phù hợp cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, tập trung vào nâng cao năng lực quản trị, minh bạch tài chính, chuẩn hóa hệ thống kế toán, kiểm toán… nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc tiếp cận nguồn vốn.
Đẩy mạnh và đa dạng hóa nguồn vốn cho kinh tế tư nhân theo Nghị quyết 138?
Doanh nghiệp tư nhân được hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh?
Căn cứ theo Điều 7 Nghị quyết 198/2025/QH15 về cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân như sau:
[1] Các địa phương được sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ một phần đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ. Các nội dung được hỗ trợ bao gồm: hỗ trợ thu hồi đất, bồi thường, tái định cư; hỗ trợ đầu tư công trình kết cấu hạ tầng giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải và thông tin liên lạc.
[2] Chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ được hỗ trợ đầu tư theo quy định tại khoản 1 Nghị quyết 198/2025/QH15 phải dành một phần diện tích đất đã đầu tư hạ tầng cho doanh nghiệp công nghệ cao thuộc khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê, thuê lại. Không áp dụng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công đối với tài sản hình thành từ nguồn vốn hỗ trợ đầu tư quy định tại khoản 1 Nghị quyết 198/2025/QH15
[3] Căn cứ vào tình hình thực tế và khả năng cân đối ngân sách địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức hỗ trợ đầu tư và xác định diện tích đất đã đầu tư hạ tầng của khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ dành cho doanh nghiệp công nghệ cao thuộc khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê, thuê lại quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 7 Nghị quyết 198/2025/QH15
[4] Đối với khu công nghiệp, cụm công nghiệp thành lập mới sau ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế, xác định diện tích đất đối với từng khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng bảo đảm bình quân 20 ha/khu công nghiệp, cụm công nghiệp hoặc 5% diện tích đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn để dành cho doanh nghiệp công nghệ cao thuộc khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê, thuê lại.
[5] Trường hợp khu công nghiệp, cụm công nghiệp thành lập mới theo quy định tại khoản 4 Điều 7 Nghị quyết 198/2025/QH15 mà không được nhận hỗ trợ đầu tư của Nhà nước để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, sau thời hạn 02 năm kể từ ngày khu công nghiệp, cụm công nghiệp hoàn thành việc đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng mà không có doanh nghiệp công nghệ cao thuộc khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê, thuê lại, thì chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp được quyền cho các doanh nghiệp khác thuê, thuê lại.
[6] Doanh nghiệp công nghệ cao thuộc khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được hỗ trợ giảm tối thiểu 30% tiền thuê lại đất trong vòng 05 năm đầu kể từ ngày ký hợp đồng thuê đất với chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ. Khoản hỗ trợ tiền thuê đất này được Nhà nước hoàn trả cho chủ đầu tư theo quy định của Chính phủ. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định mức giảm tiền thuê lại đất quy định tại khoản này.
Từ khóa: Đa dạng hóa nguồn vốn Kinh tế tư nhân Đẩy mạnh và đa dạng hóa nguồn vốn Nghị quyết 138 Doanh nghiệp tư nhân Tiếp cận đất đai
- Nội dung nêu trên được NhanSu.vn biên soạn và chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho các tư vấn chuyên sâu từ chuyên gia.
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng.
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email hotrophaply@NhanSu.vn;