Xử lý văn bản quy phạm pháp luật đối với những văn bản nào theo Nghị định 79?
Xử lý văn bản quy phạm pháp luật phải dựa trên nguyên tắc nào? Văn bản quy phạm pháp luật nào thuộc đối tượng cần được xử lý?
Nội dung chính
Văn bản quy phạm pháp luật là gì? Có những loại văn bản quy phạm pháp luật nào?
Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản có chứa quy phạm pháp luật, được ban hành đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục theo quy định Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện nay gồm:
[1] Hiến pháp.
[2] Bộ luật, luật (sau đây gọi chung là luật), nghị quyết của Quốc hội.
[3] Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
[4] Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.
[5] Nghị định, nghị quyết của Chính phủ; nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
[6] Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
[7] Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
[8] Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; thông tư của Tổng Kiểm toán nhà nước.
[9] Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.
[10] Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh).
[11] Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
[12] Văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
[13] Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện).
[14] Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Căn cứ pháp lý: Điều 2 và Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025.
Văn bản quy phạm pháp luật cần được xử lý gồm những văn bản nào?
Căn cứ Điều 7 Nghị định 79/2025/NĐ-CP, văn bản thuộc đối tượng xử lý bao gồm:
[1] Văn bản trái pháp luật, cụ thể:
- Văn bản quy phạm pháp luật được ban hành không đúng thẩm quyền;
- Văn bản quy phạm pháp luật có nội dung trái với Hiến pháp 2013, trái với văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn;
- Văn bản quy phạm pháp luật quy định thời điểm có hiệu lực trái với quy định tại Điều 53 và Điều 55 của Luật;
- Văn bản quy phạm pháp luật không tuân thủ quy định của pháp luật về xác định bí mật nhà nước hoặc độ mật của bí mật nhà nước trong văn bản có nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước;
- Văn bản quy phạm pháp luật vi phạm trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản theo quy định của pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau đây: Không tổ chức lấy ý kiến hồ sơ dự thảo văn bản; không thực hiện thẩm định, thẩm tra dự thảo văn bản; văn bản ban hành theo trình tự thủ tục rút gọn hoặc trong trường hợp đặc biệt nhưng không có sự đồng ý hoặc chỉ đạo của cơ quan, người có thẩm quyền; dự thảo văn bản được thông qua không đúng quy định của pháp luật;
- Văn bản quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 79/2025/NĐ-CP có chứa quy phạm pháp luật nhưng không được ban hành đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật;
- Văn bản hướng dẫn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật vi phạm Điều 61 của Luật.
[2] Văn bản có sai sót về căn cứ ban hành, thể thức, kỹ thuật trình bày.
Các loại văn bản quy phạm pháp luật nào thuộc đối tượng phải xử lý? (Hình từ internet)
Xử lý văn bản dựa trên những nguyên tắc nào?
Căn cứ Điều 3 Nghị định 79/2025/NĐ-CP quy định 06 nguyên tắc kiểm tra, xử lý văn bản như sau:
[1] Bảo đảm tính toàn diện, khách quan, công khai, minh bạch; đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục; kết hợp giữa việc kiểm tra của cơ quan, người có thẩm quyền với việc tự kiểm tra của cơ quan, người ban hành văn bản; bảo đảm sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan.
[2] Bảo đảm không lợi dụng việc kiểm tra, xử lý văn bản vì mục đích vụ lợi, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản và can thiệp vào quá trình xử lý văn bản trái pháp luật.
[3] Bảo đảm không cản trở, gây khó khăn cho cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra, cơ quan kiểm tra trong quá trình kiểm tra văn bản.
[4] Kịp thời kiểm tra khi có căn cứ kiểm tra văn bản và kịp thời xử lý văn bản trái pháp luật.
[5] Bảo đảm thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước đối với việc kiểm tra, xử lý văn bản có nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước.
[6] Các hành vi vi phạm trong quá trình thực hiện công tác kiểm tra, xử lý văn bản thì tùy theo tính chất và mức độ của hành vi vi phạm bị xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Dựa trên cơ sở nào để xác định văn bản trái pháp luật?
Căn cứ khoản 1 Điều 6 Nghị định 79/2025/NĐ-CP, căn cứ pháp lý để xác định văn bản trái pháp luật là văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm các điều kiện sau đây:
- Có hiệu lực pháp lý cao hơn văn bản được kiểm tra;
- Đang có hiệu lực tại thời điểm ban hành văn bản được kiểm tra hoặc chưa có hiệu lực tại thời điểm ban hành văn bản được kiểm tra nhưng đã được thông qua hoặc ký ban hành và sẽ có hiệu lực trước hoặc cùng thời điểm có hiệu lực của văn bản được kiểm tra.
Xem thêm:
Từ khóa: văn bản quy phạm pháp luật văn bản trái pháp luật Xử lý văn bản Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật văn bản thuộc đối tượng xử lý
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email hotrophaply@NhanSu.vn;