Nhấn vào mũi tên để hiển thị chuyên mục con hoặc nhấn vào tiêu đề để lọc theo chuyên mục cha
Cách ghi viện dẫn văn bản quy phạm pháp luật từ 01/4/2025
Bài viết dưới dây sẽ hướng dẫn cách ghi viện dẫn văn bản quy phạm pháp luật từ 01/4/2025 sao cho đúng với quy định hiện hành.
Cách ghi viện dẫn văn bản quy phạm pháp luật từ 01/4/2025 (Hình từ Internet)
Cách ghi viện dẫn văn bản quy phạm pháp luật từ 01/4/2025
Theo Điều 68 Nghị định 78/2025/NĐ-CP, cách ghi viện dẫn văn bản quy phạm pháp sẽ được thực hiện như sau:
- Đối với văn bản được viện dẫn là luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi viện dẫn phải ghi đầy đủ tên văn bản và năm ban hành; đối với văn bản đã được sửa đổi, bổ sung thì ghi thêm sau tên văn bản cụm từ “được sửa đổi, bổ sung” và năm sửa đổi, bổ sung; trường hợp được sửa đổi, bổ sung nhiều lần thì ghi các năm sửa đổi, bổ sung;
- Đối với văn bản được viện dẫn là nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi viện dẫn lần đầu phải ghi đầy đủ tên văn bản và số, ký hiệu văn bản; đối với văn bản đã được sửa đổi, bổ sung thì ghi “được sửa đổi, bổ sung” và năm sửa đổi, bổ sung; khi viện dẫn lần tiếp theo chỉ ghi tên loại văn bản và số, ký hiệu văn bản;
- Đối với văn bản khác, khi viện dẫn lần đầu phải ghi tên loại văn bản; số, ký hiệu văn bản; tên cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản và tên gọi của văn bản.
Đối với văn bản đã được sửa đổi, bổ sung thì ghi thêm sau tên gọi của văn bản cụm từ “được sửa đổi, bổ sung” và năm sửa đổi, bổ sung; trường hợp được sửa đổi, bổ sung nhiều lần thì ghi các năm sửa đổi, bổ sung. Khi viện dẫn tiếp theo, ghi tên loại, số, ký hiệu của văn bản.
Lưu ý: Việc viện dẫn phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của văn bản thì phải nêu rõ số thứ tự của phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản hoặc thứ tự điểm; trường hợp viện dẫn đến văn bản khác thì phải nêu thêm tên văn bản.
Bố cục của văn bản quy phạm pháp luật từ 01/4/2025 như thế nào?
Cụ thể tại Điều 63 Nghị định 78/2025/NĐ-CP đã quy định cụ thể bố cục của văn bản quy phạm pháp luật từ 01/4/2025 như sau:
[1] Văn bản quy phạm pháp luật được bố cục thành các phần hoặc chương hoặc không có phần và chương; từng phần được bố cục thành các chương; từng chương được bố cục thành các mục hoặc không có mục; từng mục được bố cục thành các tiểu mục hoặc không có tiểu mục; từng điều được bố cục thành các khoản hoặc không có khoản; từng khoản được bố cục thành các điểm hoặc không có điểm.
Việc đánh số các điều trong văn bản quy phạm pháp luật được thể hiện bằng số Ả Rập, bắt đầu từ “Điều 1”.
[2] Mỗi điểm trong bố cục của văn bản chỉ được thể hiện một ý; không sử dụng các ký hiệu khác để thể hiện các ý trong một điểm.
[3] Phần, chương, mục, tiểu mục, điều trong văn bản phải có tên. Tên là cụm từ chỉ nội dung chính của phần, chương, mục, tiểu mục, điều.
[4] Văn bản ban hành kèm theo văn bản quy phạm pháp luật gồm hai phần như sau:
- Phần văn bản ban hành văn bản kèm theo thể hiện nội dung quy định về việc ban hành kèm theo văn bản đó, tổ chức thi hành và hiệu lực của văn bản;
- Phần văn bản được ban hành kèm theo chứa đựng các quy định cụ thể của văn bản. Tùy theo nội dung, văn bản được ban hành kèm theo có thể được bố cục theo quy định tại [1].
[5] Việc sắp xếp các quy định về cùng một vấn đề trong phần, chương, mục, tiểu mục phải bảo đảm nguyên tắc sau đây:
- Quy định chung được trình bày trước quy định cụ thể;
- Quy định về nội dung được trình bày trước quy định về thủ tục;
- Quy định về quyền và nghĩa vụ được trình bày trước quy định về chế tài;
- Quy định phổ biến được trình bày trước quy định đặc thù, quy định ngoại lệ.
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email [email protected];
