Không được bắt người vào ban đêm được hiểu như thế nào trong Tố tụng Hình sự theo quy định mới nhất 2025?
Không được bắt người vào ban đêm được quy định như thế nào trong Tố tụng Hình sự? Nội dung nguyên tắc bảo đảm quyền được bồi thường của người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự gồm những gì?
Quy định không bắt người vào ban đêm trong Tố tụng Hình sự được hiểu như thế nào?
Căn cứ khoản 3 Điều 113 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định
Bắt bị can, bị cáo để tạm giam
...
3. Không được bắt người vào ban đêm, trừ trường hợp phạm tội quả tang hoặc bắt người đang bị truy nã.
Căn cứ Điều 109 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định
Các biện pháp ngăn chặn
1. Để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội hoặc để bảo đảm thi hành án, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi thẩm quyền của mình có thể áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh.
2. Các trường hợp bắt người gồm bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang, bắt người đang bị truy nã, bắt bị can, bị cáo để tạm giam, bắt người bị yêu cầu dẫn độ.
Căn cứ khoản 1 Điều 134 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định
Tính thời hạn
1. Thời hạn mà Bộ luật này quy định được tính theo giờ, ngày, tháng, năm. Đêm được tính từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau.
...
Từ các căn cứ trên, quy định "không được bắt người vào ban đêm" được giải thích cụ thể như sau:
(1) Bắt người là một trong những biện pháp ngăn chặn. Mục đích là để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ:
+ Người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử
+ Người bị buộc tội sẽ tiếp tục phạm tội
+ Hoặc để bảo đảm thi hành án
Khi đó, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi thẩm quyền của mình có thể áp dụng một trong số các biện pháp ngăn chặn được quy định, trong đó có biện pháp bắt người.
(2) Có nhiều trường hợp bắt người, cụ thể:
+ Bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp
+ Bắt người phạm tội quả tang
+ Bắt người đang bị truy nã
+ Bắt bị can, bị cáo để tạm giam
+ Bắt người bị yêu cầu dẫn độ
Tuy nhiên, chỉ có 02 trường hợp bắt người là: bắt người phạm tội quả tang và bắt người đang bị truy nã mới được cho phép thực hiện vào ban đêm.
Đồng nghĩa rằng, 03 trường hợp bắt người còn lại tuyệt đối không được thực hiện vào ban đêm.
(3) Ban đêm được xác định từ 22 giờ đến 06 giờ ngày hôm sau.
Điều gì có thể xảy ra khi cơ quan, người có thẩm quyền không tuân thủ quy định "không được bắt người vào ban đêm" nhưng sau khi bản án sơ thẩm có hiệu lực mới phát hiện sai phạm?
Quá trình giải quyết một vụ án hình sự phải tuyệt đối tuân thủ trình tự, thủ tục đã được Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định chi tiết. Bởi lẽ, Bộ luật Tố tụng Hình sự được xây dựng để làm khung pháp lý cho các hoạt động giải quyết vụ án hình sự được thực hiện một cách thống nhất trên toàn lãnh thổ nước Việt Nam.
Tiến hành giải quyết một vụ án hình sự phải thực hiện theo từng giai đoạn:
+ Khởi tố
+ Điều tra
+ Truy tố
+ Xét xử sơ thẩm vụ án hình sự
+ Xét xử phúc thẩm vụ án hình sự (khi có kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm)
+ Xem xét lại bản án theo thủ tục Giám đốc thẩm, Tái thẩm (nếu có)
+ Giai đoạn thi hành án hình sự
Việc không tuân thủ quy định "không được bắt người vào ban đêm" ở bất kỳ giai đoạn tố tụng nào cũng đều được xác định là "vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng".
Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng là việc cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và đã xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng hoặc làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án. (Căn cứ điểm o khoản 1 Điều 4 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015)
Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng là một trong các căn cứ để kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm (Căn cứ khoản 2 Điều 371 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015). Khi đó, vụ án hình sự sẽ lại một lần nữa phải xem xét, giải quyết theo quy định. Điều này, vừa tốn thời gian và vừa tốn chi phí tố tụng cho các bên liên quan đến vụ án.
Trên đây là thông tin tham khảo về nội dung "Quy định không bắt người vào ban đêm trong Tố tụng Hình sự được hiểu như thế nào?"
Không được bắt người vào ban đêm (Hình từ internet)
Nguyên tắc bảo đảm quyền được bồi thường của người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 31 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định nguyên tắc bảo đảm quyền được bồi thường của người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng như sau:
[1] Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án oan, trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự.
Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự, quyền lợi cho người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án oan, trái pháp luật do cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gây ra.
[2] Người khác bị thiệt hại do cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gây ra có quyền được Nhà nước bồi thường thiệt hại.
Xem thêm
Từ khóa: tố tụng hình sự Không được bắt người vào ban đêm Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng Bắt người biện pháp ngăn chặn
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email hotrophaply@NhanSu.vn;