Hướng dẫn chi tiết phân biệt các loại hợp đồng lao động 2025 cho nhân sự và doanh nghiệp
Bài viết cung cấp một cái nhìn tổng quan và chi tiết để phân biệt các loại hợp đồng lao động phổ biến nhất theo Bộ luật Lao động 2019, từ hợp đồng thử việc đến hợp đồng chính thức.
Trong môi trường lao động hiện nay, việc hiểu rõ và áp dụng đúng các loại hợp đồng lao động không chỉ là trách nhiệm mà còn là nền tảng xây dựng mối quan hệ bền vững giữa doanh nghiệp và nhân viên. Nắm vững các quy định giúp nhà tuyển dụng tối ưu hóa quy trình nhân sự, trong khi nhân viên có thể bảo vệ tốt nhất quyền lợi nhân viên của mình.
Hợp đồng thử việc và quy định liên quan
Trước khi đi vào chi tiết, chúng ta cần hiểu đúng bản chất của Hợp đồng lao động. Đây không chỉ là một tờ giấy mà là một thỏa thuận pháp lý quan trọng.
Theo Điều 13 Bộ luật Lao động 2019 quy định: “Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.”
Hiểu đơn giản, khi bạn và công ty thống nhất về các nội dung:
- Công việc bạn sẽ làm.
- Mức lương bạn sẽ nhận.
- Thời gian làm việc, địa điểm, các điều kiện khác.
- Quyền lợi (nghỉ phép, bảo hiểm) và nghĩa vụ của bạn và của công ty.
Thì đó chính là cơ sở để hình thành một Hợp đồng lao động. Hợp đồng có thể được thể hiện bằng văn bản, bằng lời nói, hoặc thông qua thông điệp dữ liệu (email, hợp đồng điện tử...).
Cẩm nang toàn diện về hợp đồng lao động cho nhân viên và doanh nghiệp 2025
Từ quy định về Hợp đồng lao động, có thể hiểu Hợp đồng thử việc là thỏa thuận ban đầu giữa công ty và ứng viên, tạo cơ hội cho cả hai bên đánh giá sự phù hợp trước khi ký kết hợp đồng chính thức. Đây là bước không bắt buộc nhưng lại vô cùng phổ biến trong quy trình tuyển dụng.
Một số quy định pháp luật liên quan đến hợp đồng thử việc:
Về nội dung: Doanh nghiệp và nhân viên có thể thỏa thuận về nội dung thử việc và ghi trong hợp đồng lao động xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn, hoặc ký một hợp đồng thử việc riêng.
Về thời gian: Thời gian thử việc được quy định chặt chẽ để bảo vệ nhân sự, cụ thể:
- Không quá 180 ngày: Đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
- Không quá 60 ngày: Đối với công việc cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên.
- Không quá 30 ngày: Đối với công việc cần trình độ trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.
- Không quá 06 ngày làm việc: Đối với các công việc khác.
Về tiền lương: Tiền lương trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.
Kết thúc thử việc: Khi kết thúc thời gian thử việc, nhà tuyển dụng phải thông báo kết quả cho nhân viên. Nếu đạt yêu cầu, công ty phải tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết (nếu có thỏa thuận thử việc trong hợp đồng) hoặc phải giao kết hợp đồng lao động chính thức.
Căn cứ pháp lý: Điều 24, Điều 25, Điều 26 và Điều 27 Bộ luật Lao động 2019 các điều khoản này quy định chi tiết về thử việc, thời gian thử việc, tiền lương trong thời gian thử việc và kết thúc thời gian thử việc.
Tổng hợp quy định về thử việc 2025 mới nhất cho nhân viên và doanh nghiệp
Hợp đồng thử việc và quy định liên quan (Hình từ Internet)
Hai loại Hợp đồng lao động chính thức cần nắm rõ
Kế từ ngày 01/01/2021, Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực đã đơn giản hóa các loại hợp đồng. Hiện tại, chỉ còn 02 loại hợp đồng lao động chính thức. Việc phân biệt các loại hợp đồng lao động này là cực kỳ quan trọng để xác định quyền và nghĩa vụ lâu dài của các bên.
Theo Điều 20 Bộ luật Lao động 2019 quy định Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong hai loại sau đây:
- Hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
- Hợp đồng lao động xác định thời hạn.
Về Hợp đồng lao động xác định thời hạn
Đây là loại hợp đồng trong đó hai bên xác định rõ thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực. Có thể tóm tắt qua các đặc điểm sau:
Thời hạn: Tối đa 36 tháng.
Tính linh hoạt: Cho cả công ty và nhân viên, thường được áp dụng cho các vị trí có tính chất dự án hoặc cần thời gian để đánh giá sự phù hợp lâu dài.
Số lần ký kết: Khi hợp đồng hết hạn, hai bên được ký kết hợp đồng mới là hợp đồng lao động xác định thời hạn thêm 01 lần duy nhất. Sau đó, nếu nhân viên vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn. (Trừ hợp đồng lao động đối với người được thuê làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn nhà nước và trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 149, khoản 2 Điều 151 và khoản 4 Điều 177 Bộ luật Lao động 2019.
Gia hạn: Nếu hết 30 ngày kể từ ngày hợp đồng hết hạn mà hai bên không ký hợp đồng mới, hợp đồng đã giao kết sẽ tự động trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
Về Hợp đồng lao động không xác định thời hạn
Đây là loại hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng. Hợp đồng này được xem là sự cam kết gắn bó lâu dài và mang lại sự ổn định cao nhất cho nhân viên. Có thể tóm tắt qua các đặc điểm sau:
Tính ổn định: Nhân viên được đảm bảo công việc lâu dài, chỉ bị chấm dứt hợp đồng trong những trường hợp pháp luật quy định (như kỷ luật sa thải, thay đổi cơ cấu công nghệ, lý do kinh tế...).
Quyền của nhân viên: Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng, nhân viên chỉ cần báo trước 45 ngày mà không cần nêu lý do (đối với hầu hết các công việc). Đây là điểm khác biệt lớn, đảm bảo sự linh hoạt cho nhân sự.
Hai loại Hợp đồng lao động chính thức cần nắm rõ (Hình từ Internet)
Hợp đồng thời vụ và quy định mới mà doanh nghiệp cần lưu ý
Cũng theo quy định tại Điều 20 Bộ luật Lao động 2019 thì đã không còn liệt kê hợp đồng mùa vụ, đồng nghĩa với việc loại bỏ hình thức hợp đồng này. Mọi thỏa thuận lao động từ đủ 1 tháng trở lên đều phải được giao kết bằng một trong hai loại hợp đồng chính thức nêu trên.
Ví dụ: Một công ty cần thuê nhân viên cho một dự án kéo dài 6 tháng. Thay vì ký "hợp đồng thời vụ" như trước, giờ đây công ty sẽ phải ký hợp đồng lao động xác định thời hạn với thời hạn là 6 tháng.
Sự thay đổi này nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi nhân viên, đảm bảo họ được tham gia đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và các quyền lợi khác như nhân viên chính thức khác.
Bảng tóm tắt phân biệt các loại Hợp đồng lao động
Dựa trên các quy định và để dễ dàng trong việc nắm bắt đặc điểm của từng loại Hợp đồng lao động thì dưới đây là bảng so sánh nhanh giúp phân biệt các loại Hợp đồng lao động:
Tiêu chí |
Hợp đồng thử việc |
Hợp đồng lao động xác định thời hạn |
Hợp đồng lao động không xác định thời hạn |
Bản chất |
Đánh giá năng lực, sự phù hợp |
Thỏa thuận có thời hạn (tối đa 36 tháng) |
Thỏa thuận không có thời hạn, ổn định lâu dài |
Thời hạn |
Tối đa 180 ngày, 60 ngày, 30 ngày hoặc 6 ngày tùy vị trí |
Tối đa 36 tháng |
Không xác định thời điểm kết thúc |
Tiền lương |
Tối thiểu 85% lương chính thức |
100% lương theo thỏa thuận (không thấp hơn lương tối thiểu vùng) |
100% lương theo thỏa thuận (không thấp hơn lương tối thiểu vùng) |
BHXH, BHYT, BHTN |
Thường đóng sau khi ký hợp đồng chính thức hoặc thỏa thuận (nếu có hợp đồng lao động đi kèm) |
Bắt buộc tham gia theo quy định |
Bắt buộc tham gia theo quy định |
Gia hạn/Ký mới |
Phải ký Hợp đồng chính thức nếu thử việc đạt yêu cầu |
Được ký mới thêm 01 lần, sau đó phải chuyển sang Hợp đồng không xác định thời hạn |
Không cần gia hạn |
Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng của nhân viên |
Không cần báo trước và không phải bồi thường |
Cần báo trước tùy theo thời hạn của hợp đồng (từ 12 tháng đến 36 tháng hay dưới 12 tháng) hoặc tùy theo ngành, nghề, công việc đặc thù. (Trừ các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần báo trước quy định tại khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019) |
Chỉ cần báo trước 45 ngày (hầu hết trường hợp), không cần lý do. (Trừ các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần báo trước quy định tại khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019) |
Căn cứ pháp lý |
Điều 24, Điều 25, Điều 26, Điều 27 Bộ luật Lao động 2019 |
Điều 20 Bộ luật Lao động 2019, Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 |
Điều 20 Bộ luật Lao động 2019, Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 |
Từ khóa: Các loại hợp đồng lao động Hợp đồng lao động không xác định thời hạn Hợp đồng thử việc Hợp đồng thời vụ Phân biệt các loại Hợp đồng lao động Hợp đồng lao động xác định thời hạn
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email hotrophaply@NhanSu.vn;