Công ty có được giảm lương để giảm tiền lương tính đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không? Công ty có trách nhiệm gì khi tham gia bảo hiểm xã hội?
Công ty có được giảm lương để giảm tiền lương tính đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không? Công ty có trách nhiệm gì khi tham gia bảo hiểm xã hội?
Công ty có được giảm lương để giảm tiền lương tính đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không?
Căn cứ Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực từ 01/07/2025 quy định như sau:
Căn cứ đóng bảo hiểm xã hội
1. Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được quy định như sau:
a) Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương tháng theo chức vụ, chức danh, ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề, hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có);
b) Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là tiền lương tháng, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được thỏa thuận trả thường xuyên, ổn định trong mỗi kỳ trả lương.
Trường hợp người lao động ngừng việc vẫn hưởng tiền lương tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất thì đóng theo tiền lương được hưởng trong thời gian ngừng việc;
c) Đối tượng quy định tại các điểm đ, e và k khoản 1 Điều 2 của Luật này thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc do Chính phủ quy định;
d) Đối tượng quy định tại các điểm g, h, m và n khoản 1 Điều 2 của Luật này được lựa chọn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng thấp nhất bằng mức tham chiếu và cao nhất bằng 20 lần mức tham chiếu tại thời điểm đóng.
Sau ít nhất 12 tháng thực hiện đóng bảo hiểm xã hội theo tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội đã lựa chọn thì người lao động được lựa chọn lại tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội;
đ) Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất bằng mức tham chiếu và cao nhất bằng 20 lần mức tham chiếu tại thời điểm đóng.
2. Thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức tham chiếu tại thời điểm đóng.
3. Chính phủ quy định chi tiết điểm b khoản 1 Điều này; quy định việc truy thu, truy đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Theo đó, việc tham gia BHXH theo mức nào sẽ phụ thuộc vào mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác thuộc diện tính đóng BHXH theo hướng dẫn trên khi đối chiếu với hợp đồng lao động. Lúc này, nếu các bên thỏa thuận, ký phụ lục giảm mức lương thì tiền lương tham gia BHXH sẽ giảm đi.
Luật không cấm việc thỏa thuận giảm lương nên nếu thực tế công ty có giảm lương (mức lương) thì đương nhiên tiền lương tháng tham gia BHXH sẽ giảm theo. Luật không cấm hay hạn chế nên công ty có thể thực hiện, công ty cần lưu giữ phụ lục hợp đồng lao động về việc giảm lương để xuất trình khi có yêu cầu từ cơ quan BHXH.
Lưu ý: mức lương trong hợp đồng phải phù hợp với thang, bảng lương mà công ty xây dựng.
>> Xem thêm: 07 hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động từ 01/7/2025
Công ty có được giảm lương để giảm tiền lương tính đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không? Công ty có trách nhiệm gì khi tham gia bảo hiểm xã hội? (Hình từ Internet)
Công ty có trách nhiệm gì khi tham gia bảo hiểm xã hội?
Căn cứ Điều 13 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, công ty có các trách nhiệm sau khi tham gia bảo hiểm xã hội:
(1) Đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động theo quy định của Luật này; phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trong việc trả sổ bảo hiểm xã hội bản giấy cho người lao động.
(2) Lập hồ sơ để người lao động được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
(3) Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trong việc xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.
(4) Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động theo quy định tại Điều 34 của Luật này và hằng tháng trích khoản tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Điều 33 của Luật này từ tiền lương của người lao động để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội.
(5) Xem xét giới thiệu người lao động thuộc đối tượng theo quy định tại Điều 65 của Luật này đi khám giám định y khoa để xác định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa.
(6) Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả trợ cấp bảo hiểm xã hội cho người lao động trong trường hợp chi trả thông qua người sử dụng lao động.
(7) Xuất trình, cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
(8) Bồi thường cho người lao động theo quy định của pháp luật nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật này mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.
(9) Phối hợp, tạo điều kiện để cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện thu hồi số tiền bảo hiểm xã hội hưởng không đúng quy định của người lao động khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Lưu ý: Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực từ 01/07/2025.
Từ khóa: Đóng bảo hiểm xã hội Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc Người lao động Bảo hiểm xã hội bắt buộc Giảm tiền lương tính đóng bảo hiểm xã hội
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email hotrophaply@NhanSu.vn;