Từ khóa gợi ý:
Không tìm thấy từ khóa phù hợp
Việc làm có thể bạn quan tâm
Không tìm thấy việc làm phù hợp

Đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ năm 2026 dựa vào cơ sở thực tiễn nào?

Bài viết dưới đây sẽ nêu ra các cơ sở thực tiễn liên quan đến đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ năm 2026 của Bộ Nội vụ.

Đăng bài: 18:18 20/07/2025

Đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ năm 2026 dựa vào cơ sở thực tiễn nào? 

Đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ năm 2026 dựa vào cơ sở thực tiễn nào? (Hình từ Internet)

Mới đây, Bộ Nội vụ đã công bố Dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động năm 2026 (gọi tắt là Dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng năm 2026).

Đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ năm 2026 dựa vào cơ sở thực tiễn nào? 

Theo Dự thảo Tờ trình, Bộ Nội đã đưa ra các cơ sở thực tiễn cho việc đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ năm 2026.

Cụ thể, căn cứ quy định của Bộ luật Lao động, khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia và đề xuất của Bộ Nội vụ, Chính phủ đã ban hành Nghị định 74/2024/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, trong đó điều chỉnh mức lương tối thiểu tăng bình quân 6% so với năm 2021 để thực hiện từ 01 tháng 7 năm 2024, cụ thể: mức lương tối thiểu theo tháng tại vùng I là 4.960.000 đồng, vùng II là 4.410.000 đồng, vùng III là 3.860.000 đồng, vùng IV là 3.450.000 đồng; mức lương tối thiểu theo giờ tại vùng I là 23.800 đồng/giờ, vùng II là 21.200 đồng/giờ, vùng III là 18.600 đồng/giờ, vùng IV là 16.600 đồng/giờ.

Qua đánh giá, các mức lương tối thiểu quy định tại Nghị định 74/2024/NĐ-CP nêu trên đã: (i) Bảo đảm mức sống tối thiểu và có cải thiện hơn cho người lao động; (ii) có sự chia sẻ, hài hòa lợi ích của người lao động và doanh nghiệp, vừa cải thiện đời sống cho người lao động, vừa bảo đảm duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên đến nay, có một số vấn đề đặt ra cần phải xem xét điều chỉnh mức lương tối thiểu quy định tại Nghị định 74/2024/NĐ-CP nêu trên, cụ thể:

[1] Các yếu tố về kinh tế - xã hội, thị trường lao động, khả năng của doanh nghiệp có sự thay đổi theo hướng tích cực hơn: Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) cả 6 tháng đầu năm 2025 đạt 7,52%, mục tiêu năm 2025 đạt 8% trở lên; thị trường lao động ổn định và duy trì đà phục hồi; sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có xu hướng tốt hơn; tiền lương, thu nhập của người lao động tiếp tục ổn định và tăng lên, quý sau cao hơn quý trước.

[2] Giá trị thực tế của mức lương tối thiểu tại Nghị định 74/2024/NĐ-CP bị suy giảm dần theo thời gian do chỉ số giá tiêu dùng tăng (CPI). Với dự kiến CPI năm 2025 và 2026 mỗi năm tăng 3,7% thì mức lương tối thiểu nêu trên sẽ không còn đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ đến hết năm 2026 (thấp hơn khoảng 6,6%).

[3] Mức lương tối thiểu tại Nghị định 74/2024/NĐ-CP được xác lập theo vùng và gắn với địa giới hành chính cấp huyện.

Từ 01 tháng 7 năm 2025, sau khi thực hiện sắp xếp lại các đơn vị hành chính trên cả nước, các địa bàn áp dụng lương tối thiểu đã được Chính phủ rà soát, điều chỉnh một bước gắn với đơn vị hành chính cấp xã mới (tại Phụ lục kèm theo của Nghị định 128/2025/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2025 của Chính phủ).

Tuy nhiên, do đây là chính sách có tác động rộng đến nhiều đối tượng, gồm cả doanh nghiệp và người lao động, vì vậy các địa bàn áp dụng lương tối thiểu theo đơn vị hành chính cấp xã cần tiếp tục được rà soát, cập nhật cho phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương sau sắp xếp.

[4] Tháng 7 năm 2025, Hội đồng tiền lương quốc gia đã có báo cáo gửi Chính phủ khuyến nghị điều chỉnh mức lương tối thiểu tăng bình quân 7,2%, áp dụng từ 01 tháng 01 năm 2026.

Từ thực tế trên cho thấy, việc xây dựng Nghị định quy định mức lương tối thiểu để áp dụng cho năm 2026 là rất cần thiết, nhằm (i) bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động, tăng tiền lương của người lao động phù hợp với năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp theo quy định tại Điều 91 Bộ luật Lao động 2019; (ii) rà soát, cập nhật địa bàn áp dụng lương tối thiểu cho phù hợp tình hình thực tế. Việc ban hành Nghị định nêu trên thuộc thẩm quyền của Chính phủ theo quy định tại khoản 4 Điều 91 Bộ luật Lao động 2019.

Đề xuất tăng 7,2% lương tối thiểu vùng, cụ thể ra sao?

Theo Dự thảo Nghị định, Bộ Nội vụ đã đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ năm 2026.

Theo đó, mức lương tối thiểu vùng (gồm mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ) của từng vùng dự kiến sẽ như sau:

Vùng

Mức lương tối thiểu tháng (Đơn vị: đồng/tháng)

Mức lương tối thiểu giờ (Đơn vị: đồng/giờ)

Vùng I

5.310.000

(tăng 350.000 đồng/tháng so với hiện hành)

25.500

(tăng 1.700 đồng/giờ so với hiện hành)

Vùng II

4.730.000

(tăng 320.000 đồng/tháng so với hiện hành)

22.700

(tăng 1.500 đồng/giờ so với hiện hành)

Vùng III

4.140.000

(tăng 280.000 đồng/tháng so với hiện hành)

19.900

(tăng 1.300 đồng/giờ so với hiện hành)

Vùng IV

3.700.000

(tăng 250.000 đồng/tháng so với hiện hành)

17.800

(tăng 1.200 đồng/giờ so với hiện hành)

Theo Bộ Nội vụ, mức lương tối thiểu tháng theo 4 vùng tăng từ 250.000 đồng - 350.000 đồng (tương ứng tỷ lệ bình quân 7,2%) so với mức lương tối thiểu hiện hành. Mức điều chỉnh lương tối thiểu nêu trên cao hơn khoảng 0,6% so với mức sống tối thiểu của người lao động đến hết năm 2026 để cải thiện cho người lao động.

Mức điều chỉnh này có sự chia sẻ, hài hòa lợi ích của người lao động và doanh nghiệp, vừa chú ý cải thiện đời sống cho người lao động, vừa chú ý đến việc bảo đảm duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Đối với mức lương tối thiểu giờ theo 4 vùng tiếp tục được xác định dựa trên phương pháp quy đổi tương đương từ mức lương tối thiểu tháng và thời gian làm việc tiêu chuẩn theo quy định của Bộ luật Lao động.

Đây là phương pháp được các chuyên gia ILO đã khuyến nghị Việt Nam lựa chọn và đã sử dụng khi tính mức lương tối thiểu giờ từ năm 2022 đến nay.

Trả lương tối thiểu vùng thấp sẽ bị phạt hành chính như thế nào?

Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có hành vi trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định theo các mức sau đây:

- Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

- Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

- Từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người lao động trở lên.

Đồng thời buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định trên.

Lưu ý: Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định trên là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (Khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).

Xem thêm

Từ khóa: Lương tối thiểu vùng Đề xuất tăng lương tối thiểu vùng Lương tối thiểu vùng từ năm 2026 Mức lương tối thiểu tháng Mức lương tối thiểu giờ

- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;

- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;

- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email hotrophaply@NhanSu.vn;

CHỦ QUẢN: Công ty TNHH THƯ VIỆN PHÁP LUẬT

Mã số thuế: 0315459414, cấp ngày: 04/01/2019, nơi cấp: Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM.

Đại diện theo pháp luật: Ông Bùi Tường Vũ

GP thiết lập trang TTĐTTH số 30/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP.HCM cấp ngày 15/06/2022.

Giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm số: 4639/2025/10/SLĐTBXH-VLATLĐ cấp ngày 25/02/2025.

Địa chỉ trụ sở: P.702A, Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, phường Phú Nhuận, TP. HCM

THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
...loại rủi ro pháp lý, nắm cơ hội làm giàu...
Thư Viện Nhà Đất
Thư Viện Nhà Đất
...hiểu pháp lý, rõ quy hoạch, giao dịch nhanh...