Nhấn vào mũi tên để hiển thị chuyên mục con hoặc nhấn vào tiêu đề để lọc theo chuyên mục cha
TPHCM thông qua đề án hợp nhất cấp tỉnh và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp
(Thanhuytphcm.vn) - Tối 15/4, Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận Thành ủy TPHCM đã thông tin về kết quả Hội nghị lần thứ 39 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI (Hội nghị chuyên đề). Hội nghị đã tập trung thảo luận và biểu quyết thông qua nhiều nội dung quan trọng về định hướng tổ chức bộ máy chính quyền, đảng bộ sau sắp xếp, hợp nhất đơn vị hành chính các cấp, hướng đến xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp tại TPHCM trong giai đoạn mới.
Quang cảnh hội nghị
Trình phương án hợp nhất ba đơn vị hành chính cấp tỉnh
Ban Thường vụ Thành ủy đã trình Hội nghị dự thảo Đề án sắp xếp, hợp nhất ba đơn vị hành chính cấp tỉnh gồm TPHCM, tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là bước đi chiến lược nhằm thực hiện đồng bộ hai nhiệm vụ trọng tâm: sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã theo định hướng của Trung ương, đồng thời phát huy tiềm năng, lợi thế của khu vực về diện tích, dân số, kết quả tăng trưởng kinh tế, hướng đến hình thành một cực tăng trưởng mới của cả nước và vùng Đông Nam bộ.
Theo Đề án, sau sắp xếp, TPHCM mới có diện tích 6.772,65km², đạt 135,43% so với tiêu chuẩn đơn vị hành chính cấp tỉnh; quy mô dân số 13.706.632 người, đạt 979,04% so với tiêu chuẩn; tổng cộng 168 đơn vị hành chính trực thuộc. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2024 của ba địa phương đạt 677.993 tỷ đồng. Tổng số cán bộ, công chức hiện có là 22.878 người, số lượng viên chức là 132.110 người.
Về phương án tổ chức bộ máy chính quyền sau sắp xếp, cụ thể, Khối chính quyền cấp TP gồm: HĐND TPHCM mới sẽ hợp nhất đại biểu HĐND các tỉnh, thành nêu trên và tiếp tục hoạt động đến hết nhiệm kỳ 2021 - 2026. Một triệu tập viên do Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ định sẽ chủ tọa kỳ họp đầu tiên. HĐND TP mới có 4 ban chuyên môn.
Khối chính quyền cấp xã: HĐND cấp xã của các đơn vị sau sáp nhập tiếp tục hoạt động đến hết nhiệm kỳ 2021 - 2026. Chủ tịch HĐND cấp xã được Thường trực HĐND TP chỉ định. Đối với các phường thuộc TPHCM, tiếp tục không tổ chức HĐND phường theo Nghị quyết 131/2020/QH14. Việc tổ chức HĐND nhiệm kỳ 2026 - 2031 sẽ tuân theo Luật sửa đổi.
UBND sẽ thực hiện theo Nghị quyết 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Trung ương, tổ chức 15 sở và cơ quan tương đương. Một số cơ quan được sắp xếp, chuyển chức năng như: chuyển Sở Ngoại vụ tỉnh Bình Dương về Sở Ngoại vụ TPHCM; giải thể Văn phòng Ban ATGT tỉnh Bình Dương, chuyển nhiệm vụ về Sở Xây dựng TPHCM; sáp nhập các đơn vị sự nghiệp tương đồng; giữ nguyên các doanh nghiệp, quỹ nhà nước trước mắt.
Các đơn vị hành chính sự nghiệp cấp huyện: Các trung tâm GDNN - GDTX và trường chuyên biệt chuyển về Sở Giáo dục và Đào tạo; các trung tâm văn hóa, thư viện, nhà thiếu nhi, ban quản lý chợ và công viên chuyển về UBND cấp xã nơi trú đóng. Đài truyền thanh sáp nhập với trung tâm văn hóa cấp huyện; Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng chuyển về Sở Tài nguyên và Môi trường (đổi tên thành Sở Nông nghiệp và Môi trường); Ban QLDA khu vực cấp huyện chuyển về UBND TP; Ban QL bến xe về Sở Xây dựng; Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp chuyển về Sở Nông nghiệp và Môi trường.
Sắp xếp hệ thống tổ chức đảng và kết thúc hoạt động đảng bộ cấp huyện
Ban Thường vụ Thành ủy cũng trình dự thảo Đề án kết thúc hoạt động của đảng bộ cấp huyện, sắp xếp hệ thống tổ chức đảng cấp xã tại Đảng bộ TPHCM. Cơ sở triển khai là nguyên tắc Điều lệ Đảng, mô hình tổ chức đảng tương ứng với mô hình tổ chức chính quyền, đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của các cấp ủy đối với hệ thống chính trị.
Sau sắp xếp, TPHCM sẽ có 6 tổ chức đảng cấp trên trực thuộc Thành ủy và 102 đảng bộ cấp xã, với khoảng 985 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc. Cụ thể, 557 tổ chức cơ sở đảng được chuyển giao về đảng ủy cấp xã; 7.536 chi bộ trực thuộc đảng ủy xã, phường; 204 tổ chức đảng công an, quân sự cấp xã; 102 tổ chức đảng cơ quan Đảng, HĐND, Mặt trận cấp xã; 102 tổ chức đảng UBND cấp xã. Về cơ cấu tổ chức, Ban chấp hành Đảng bộ xã gồm 27 - 33 ủy viên; Ban Thường vụ 9 - 11 người, gồm bí thư, phó bí thư, chủ tịch HĐND, chủ tịch và phó chủ tịch UBND, chủ nhiệm UBKT, chỉ huy trưởng quân sự, trưởng công an, chủ tịch MTTQ và các chức danh khác do cấp ủy xã quyết định. Các đảng ủy xã có 3 cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc: văn phòng, ban xây dựng đảng, UBKT đảng ủy. Không thành lập trung tâm chính trị cấp xã mới, sử dụng trung tâm chính trị cấp huyện hiện nay và đặt trực thuộc đảng ủy xã nơi có trụ sở. Đây sẽ là nơi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên, công chức cấp xã trong phạm vi đơn vị hành chính cấp huyện cũ. Về biên chế, dự kiến 6.084 biên chế cho 102 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 1.800 biên chế khối đảng, 1.020 biên chế MTTQ và 3.264 biên chế khối chính quyền. Số lượng biên chế không vượt quá tổng biên chế trước sắp xếp và sẽ tinh giản dần trong 5 năm. |
Ban Thường vụ Đảng ủy UBND TP đã trình Hội nghị dự thảo Phương án thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (không tổ chức cấp huyện). Cụ thể, cấp tỉnh TPHCM tổ chức HĐND và UBND, với 4 ban chuyên môn HĐND và 15 sở, ban, ngành UBND cấp tỉnh. Cấp xã: gồm HĐND và UBND xã, phường, đặc khu.
Mô hình chính quyền cấp xã đảm bảo phân quyền mạnh, tinh gọn, đề cao vai trò của Chủ tịch UBND xã. Cơ cấu tổ chức gồm 4 phòng chuyên môn: Văn phòng, Phòng Kinh tế hoặc Kinh tế - Hạ tầng - Đô thị, Phòng Văn hóa - Xã hội và Trung tâm Phục vụ hành chính công.
Căn cứ vào Nghị quyết 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Trung ương, TPHCM đề xuất sắp xếp 273 phường, xã, thị trấn hiện hữu thành 102 đơn vị hành chính cấp xã mới (78 phường, 24 xã), giảm 171 đơn vị, tương ứng 62,64%.
Tiêu chí diện tích, dân số: Phường mới tối thiểu 5,5km² và 45.000 dân; Xã mới tối thiểu 30km² và 24.000 dân; Trường hợp sáp nhập từ 3 đơn vị trở lên không cần xét tiêu chuẩn này.
Tổng nguồn lực sau sắp xếp: Biên chế cần thiết: 6.120 người; Biên chế dôi dư: 5.453 người; người hoạt động không chuyên trách dôi dư: 5.562 người; tổng số người dôi dư: 11.015 người.
Hội nghị cũng thông qua phương án điều chỉnh địa giới hành chính để hoàn thiện mô hình tổ chức mới. Một số điểm đáng chú ý: TP Thủ Đức điều chỉnh ranh với tỉnh Bình Dương (khu Đại học Quốc gia); Quận 8 điều chỉnh ranh với 3 xã của huyện Bình Chánh; Quận 1 có ĐVHC lấy tên là Sài Gòn; Quận 5 có ĐVHC tên là Chợ Lớn; Quận 11 đổi tên phường Cây Mai thành Minh Phụng.
Hội nghị đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Hội nghị lần thứ 39 với tỷ lệ 100% nhất trí. Đây là tiền đề quan trọng để TPHCM triển khai các bước tiếp theo trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính các cấp theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, bảo đảm phát triển bền vững trong giai đoạn tới.
Long Hồ - Nguyễn Nam
Theo TRANG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Link bài viết gốc: https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/tphcm-thong-qua-de-an-hop-nhat-cap-tinh-va-to-chuc-chinh-quyen-dia-phuong-2-cap-1491936018
Giờ đăng: 22:17 15-04-2025
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email [email protected];