Công văn 2414/BGDĐT-HSSV: Quản lý và giáo dục trẻ em học sinh sinh viên trong dịp hè năm 2025 được quy định thế nào?
Quản lý và giáo dục trẻ em học sinh sinh viên trong dịp hè năm 2025 theo Công văn 2414/BGDĐT-HSSV? Chương trình giáo dục được quy định như thế nào?
Công văn 2414/BGDĐT-HSSV: Quản lý và giáo dục trẻ em học sinh sinh viên trong dịp hè năm 2025 được quy định thế nào?
Theo Mục 1 và Mục 2 Công văn 2414/BGDĐT- HSSV năm 2025 về việc tăng cường các hoạt động quản lý, giáo dục và đảm bảo an toàn cho trẻ em, học sinh, sinh viên trong dịp hè năm 2025, thì việc quản lý và giáo dục cho trẻ em học sinh sinh viên trong dịp hè năm 2025 như sau:
[1] Đối với các Sở Giáo dục Đào tạo
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể trên địa bàn phối hợp với ngành Giáo dục triển khai các hoạt động sinh hoạt hè dành cho trẻ em, học sinh, học viên giáo dục thường xuyên trong độ tuổi học sinh phổ thông (sau đây gọi chung là học sinh) tại địa phương đảm bảo an toàn, lành mạnh, hiệu quả theo Công điện 61/CĐ-TTg năm 2025;
Chỉ đạo phân cấp quản lý, xác định rõ vai trò, quyền hạn giữa các cấp quản lý đối với các cơ sở giáo dục sau sắp xếp, tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp bảo đảm công tác quản lý và các hoạt động vui chơi, giải trí của trẻ em, học sinh trên địa bàn trong dịp hè được diễn ra bình thường, không bị gián đoạn.
- Hướng dẫn các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên thuộc phạm vi quản lý thực hiện hiệu quả công tác bàn giao trẻ em, học sinh về sinh hoạt hè tại địa phương.
- Chỉ đạo, hướng dẫn công tác truyền thông, giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội, phòng chống đuối nước và dạy bơi an toàn cho trẻ em, học sinh;
Phổ biến kiến thức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non cho cha mẹ trẻ/người chăm sóc trẻ; khuyến khích và phối hợp tổ chức cho học sinh tham gia câu lạc bộ thể thao rèn luyện thể chất, nâng cao sức khỏe, phát triển năng khiếu, sở thích.
- Chỉ đạo các cơ sở giáo dục chủ động phối hợp các cơ quan chức năng, đoàn thể địa phương và cha mẹ học sinh trong việc theo dõi, quản lý học sinh, đặc biệt đối với các em có hoàn cảnh khó khăn, lưu trú tại địa phương, bảo đảm mọi trẻ em, học sinh có kỳ nghỉ hè an toàn, lành mạnh, bổ ích.
[2] Đối với các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp
- Tổ chức cho sinh viên tham gia các hoạt động tình nguyện hỗ trợ tuyển sinh đầu cấp trung học phổ thông, Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025; tham gia các hoạt động tình nguyện xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu;
Tổ chức các hoạt động đảm bảo an sinh xã hội, giáo dục truyền thống, hướng về biên giới, biển đảo, xóa nhà tạm, nhà dột nát cho gia đình chính sách, thương binh, bệnh binh, cựu thanh niên xung phong, người dân có hoàn cảnh khó khăn và các hoạt động khác trong dịp hè để phát huy vai trò xung kích của sinh viên, gắn kết với các hoạt động phong trào của địa phương và ngành nghề được đào tạo.
- Phối hợp triển khai phong trào “Bình dân học vụ số”: hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng máy tính, điện thoại thông minh, truy cập Internet, sử dụng mạng xã hội an toàn và các phần mềm cơ bản, thiết yếu phục vụ cuộc sống...
- Phối hợp với lực lượng công an, y tế, tổ chức xã hội để triển khai các chương trình truyền thông về phòng chống tệ nạn xã hội, tội phạm công nghệ cao và các hành vi vi phạm pháp luật, phòng chống ma túy, an toàn giao thông... cho sinh viên.
- Thường xuyên kiểm tra, giám sát các hoạt động tình nguyện của sinh viên đảm bảo đúng nội dung, mục đích và tuyệt đối đảm bảo an toàn cho sinh viên. Phối hợp, đánh giá kết quả tham gia các hoạt động hè của sinh viên gắn với việc đánh giá kết quả rèn luyện của sinh viên trong năm học, khóa học.
Bộ GD&ĐT yêu cầu các sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp nghiêm túc triển khai các nội dung nêu trên. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc báo cáo về Bộ GD&ĐT để kịp thời giải quyết.
Ngoài thông tin Công văn 2414/BGDĐT-HSSV: Quản lý và giáo dục trẻ em học sinh sinh viên trong dịp hè năm 2025 được quy định thế nào? thì còn có thể tham khảo thêm các thông tin khác dưới đây:
>>> Mẫu Bài phát biểu của giáo viên trong Lễ tổng kết năm học 2025 hay?
Công văn 2414/BGDĐT-HSSV: Quản lý và giáo dục trẻ em học sinh sinh viên trong dịp hè năm 2025 được quy định thế nào? (Hình từ Internet)
Chương trình giáo dục được quy định như thế nào?
Theo Điều 8 Luật Giáo dục 2019 thì các quy định của chương trình giáo dục bao gồm:
[1] Chương trình giáo dục thể hiện mục tiêu giáo dục; quy định chuẩn kiến thức, kỹ năng, yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của người học; phạm vi và cấu trúc nội dung giáo dục; phương pháp và hình thức tổ chức hoạt động giáo dục; cách thức đánh giá kết quả giáo dục đối với các môn học ở mỗi lớp học, mỗi cấp học hoặc các môn học, mô-đun, ngành học đối với từng trình độ đào tạo.
[2] Chương trình giáo dục phải bảo đảm tính khoa học và thực tiễn; kế thừa, liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo; tạo điều kiện cho phân luồng, chuyển đổi giữa các trình độ đào tạo, ngành đào tạo và hình thức giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân để địa phương và cơ sở giáo dục chủ động triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp; đáp ứng mục tiêu bình đẳng giới, yêu cầu hội nhập quốc tế. Chương trình giáo dục là cơ sở bảo đảm chất lượng giáo dục toàn diện.
[3] Chuẩn kiến thức, kỹ năng, yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực người học quy định trong chương trình giáo dục phải được cụ thể hóa thành sách giáo khoa đối với giáo dục phổ thông; giáo trình và tài liệu giảng dạy đối với giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học. Sách giáo khoa, giáo trình và tài liệu giảng dạy phải đáp ứng yêu cầu về phương pháp giáo dục.
[4] Chương trình giáo dục được tổ chức thực hiện theo năm học đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông; theo niên chế hoặc theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ hoặc kết hợp giữa tín chỉ và niên chế đối với giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học.
Kết quả học tập môn học hoặc tín chỉ, mô-đun mà người học tích lũy được khi theo học một chương trình giáo dục được công nhận để xem xét về giá trị chuyển đổi cho môn học hoặc tín chỉ, mô-đun tương ứng trong chương trình giáo dục khác khi người học chuyên ngành, nghề đào tạo, chuyển hình thức học tập hoặc học lên cấp học, trình độ đào tạo cao hơn.
[5] Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quy định việc thực hiện chương trình giáo dục và việc công nhận về giá trị chuyển đổi kết quả học tập trong đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp quy định tại Điều 8 Luật Giáo dục 2019.
Từ khóa: Công văn 2414 Quản lý và giáo dục trẻ em Quản lý và giáo dục trẻ em học sinh sinh viên trong dịp hè Giáo dục thường xuyên Cơ sở giáo dục Giáo dục mầm non Giáo dục phổ thông Sinh hoạt hè Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 Bạo lực học đường
- Nội dung nêu trên được NhanSu.vn biên soạn và chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế thông tin chính thức từ nhà tuyển dụng;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email hotrophaply@NhanSu.vn;