Pháp nhân là gì? Pháp nhân thương mại là gì? Loại hình doanh nghiệp nào không có tư cách pháp nhân?
Pháp nhân được hiểu như thế nào? Pháp nhân thương mại được hiểu như thế nào? Loại hình doanh nghiệp không có tư cách pháp nhân?
Pháp nhân là gì?
Căn cứ Điều 74 Bộ luật Dân sự 2015 quy định pháp nhân là gì như sau:
Pháp nhân
1. Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan;
b) Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này;
c) Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;
d) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
2. Mọi cá nhân, pháp nhân đều có quyền thành lập pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Theo đó, có thể hiểu khái niệm của pháp nhân sư sau:
- Pháp nhân là một tổ chức do con người lập nên và được pháp luật Việt Nam quy định có quyền năng chủ thể.
- Để được xem là một pháp nhân phải đáp ứng các điều kiện sau:
+ Được thành lập theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, luật khác có liên quan;
+ Pháp nhân phải có cơ quan điều hành (Điều 83 Bộ luật Dân sự 2015);
+ Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;
+ Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Trên là thông tin pháp nhân là gì.
>> Liên đoàn luật sư Việt Nam có tư cách pháp nhân không? Nguyên tắc hoạt động của Liên đoàn?
>> Tiêu chí xác định doanh nghiệp khác có quy mô lớn được kiểm toán từ ngày 14 4?
Pháp nhân là gì? Pháp nhân thương mại là gì? Loại hình doanh nghiệp nào không có tư cách pháp nhân? (Hình từ Internet)
Pháp nhân thương mại là gì?
Căn cứ Điều 75 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:
Pháp nhân thương mại
1. Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên.
2. Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác.
3. Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Theo đó, pháp nhân thương mại pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên. Trong đó:
- Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác.
- Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, Luật doanh nghiệp 2020 và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Loại hình doanh nghiệp nào không có tư cách pháp nhân?
Căn cứ Luật Doanh nghiệp 2020, có 05 loại hình doanh nghiệp bao gồm:
(1) Công ty TNHH 02 thành viên trở lên:
Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp có từ 02 đến 50 thành viên là tổ chức, cá nhân. (Điều 46 Luật Doanh nghiệp 2020).
(2) Công ty TNHH 01 thành viên:
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (Điều 74 Luật Doanh nghiệp 2020).
(3) Công ty cổ phần:
Công ty cổ phần là doanh nghiệp có vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;
Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa;
Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;
Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác. (Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020).
(4) Công ty hợp danh:
Công ty hợp danh là doanh nghiệpp hải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung.
Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn; Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty;
Thành viên góp vốn là tổ chức, cá nhân và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty.(Điều 177 Luật Doanh nghiệp 2020).
(5) Doanh nghiệp tư nhân:
Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. (Điều 188 Luật Doanh nghiệp 2020).
Trong đó, 4/5 loại hình doanh nghiệp trên đều có tư cách pháp nhân và 01 loại hình doanh nghiệp không có tư cách pháp nhân, cụ thể:
- Công ty TNHH 02 thành viên trở lên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
- Công ty TNHH 01 thành viên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
- Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
- Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
- Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân, bởi không đáp ứng được các điều kiện trở thành pháp nhân đã nêu trước đó. Cụ thể:
+ Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình.
+ Doanh nghiệp tư nhân khi phá sản phải dùng tài sản của mình để chịu trách nhiệm pháp lý cho doanh nghiệp.
- Nội dung nêu trên được NhanSu.vn biên soạn và chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế thông tin chính thức từ nhà tuyển dụng;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email [email protected];