Trần tín dụng là gì? Thông tin về lộ trình xóa bỏ trần tín dụng mà nhân viên ngân hàng cần biết?
Trần tín dụng là gì? Thông tin về lộ trình xóa bỏ trần tín dụng mà nhân viên ngân hàng cần biết Những trường hợp nào không được cấp tín dụng?
Trần tín dụng là gì? Thông tin về lộ trình xóa bỏ trần tín dụng mà nhân viên ngân hàng cần biết?
1. Trần tín dụng là gì?
Trần tín dụng (hay còn gọi là "room" tín dụng) là hạn mức tín dụng tối đa mà Ngân hàng Nhà nước(NHNN) cho phép các ngân hàng thương mại cấp tín dụng ra nền kinh tế trong một thời kỳ nhất định.
Mục đích của việc quản lý room tín dụng là để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. NHNN sẽ điều chỉnh room tín dụng phù hợp với tình hình kinh tế từng thời kỳ.
2. Thông tin về lộ trình xóa bỏ trần tín dụng mà nhân viên ngân hàng cần biết.
Tại cuộc họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2025 diễn ra ngày 8/7 tại Hà Nội, vấn đề xóa bỏ công cụ trần tín dụng (hay còn gọi là "room" tín dụng) thu hút sự quan tâm lớn. Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, cơ chế "room" tín dụng đã được áp dụng nhiều từ năm 2012 nhằm kiểm soát tình trạng tăng trưởng tín dụng quá nóng.
Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ nhắc lại trong giai đoạn chính sách tiền tệ nới lỏng trước đây, tốc độ tăng trưởng tín dụng từng có năm vượt 54%. Điều này dẫn đến nhiều tổ chức tín dụng đứng trước nguy cơ mất khả năng thanh khoản, buộc NHNN phải áp dụng các biện pháp hành chính mạnh nhằm xử lý tình trạng cạnh tranh không lành mạnh về lãi suất, từ đó ngăn ngừa rủi ro nợ xấu và bảo đảm an toàn hệ thống.
Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cũng thẳng thắn nhận định rằng, không có một công cụ điều hành nào là vĩnh viễn. Vì vậy, trong những năm gần đây, NHNN đã bắt đầu điều chỉnh cơ chế cấp tín dụng theo hướng phù hợp hơn với diễn biến thị trường và thông lệ quốc tế.
Trong năm 2025, NHNN đã gỡ bỏ room tín dụng cho nhóm ngân hàng nước ngoài, các tổ chức tín dụng phi ngân hàng... Như vậy, việc áp dụng room tín dụng chỉ còn áp dụng với các ngân hàng thương mại. Đây được xem là bước đệm quan trọng trong lộ trình tiến tới bãi bỏ hoàn toàn công cụ "room" tín dụng.
Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ lưu ý NHNN cần có chính sách điều hành tổng thể, phù hợp với điều kiện đặc thù của Việt Nam, vừa bảo đảm tính tự chủ trong hoạt động của hệ thống ngân hàng, vừa kiểm soát hiệu quả lạm phát và duy trì an ninh kinh tế"
Theo các khuyến nghị quốc tế, về lý thuyết, việc loại bỏ trần tín dụng có thể khiến dư nợ toàn hệ thống tăng nhanh hơn, khi đó, lãi suất có thể sẽ có lúc chịu áp lực tăng. Do đó, NHNN cần chủ động cao hơn điều hành chính sách lãi suất một cách linh hoạt, đảm bảo hài hòa giữa cung tiền, lãi suất và tỷ giá.
Trong thời gian tới, NHNN sẽ báo cáo Chính phủ về lộ trình bãi bỏ hoàn toàn công cụ này, trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng tác động đối với ổn định kinh tế vĩ mô và mục tiêu kiểm soát lạm phát
Trần tín dụng là gì? Thông tin về lộ trình xóa bỏ trần tín dụng mà nhân viên ngân hàng cần biết? (Hình từ Internet)
Những trường hợp nào không được cấp tín dụng?
Căn cứ theo Điều 134 Luật Các tổ chức tín dụng 2024, thì những trường hợp không được cấp tín dụng gồm:
[1] Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng đối với tổ chức, cá nhân sau đây:
- Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và chức danh tương đương theo quy định tại Điều lệ của tổ chức tín dụng đó; Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) của chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó; pháp nhân là cổ đông có người đại diện phần vốn góp là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng là công ty cổ phần; pháp nhân là thành viên góp vốn, chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn;
- Vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em của thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và chức danh tương đương theo quy định tại Điều lệ của tổ chức tín dụng đó; Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) của chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó.
[2] Quy định tại mục [1] không áp dụng đối với quỹ tín dụng nhân dân và trường hợp cấp tín dụng dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng cho cá nhân.
[3] Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng cho khách hàng trên cơ sở bảo đảm của đối tượng quy định tại mục [1]. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được bảo đảm dưới bất kỳ hình thức nào để tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác cấp tín dụng cho đối tượng quy định tại mục [1].
[4] Tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh chứng khoán là công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng đó.
[5] Tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng trên cơ sở nhận bảo đảm bằng cổ phiếu của tổ chức tín dụng hoặc công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng đó.
[6] Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng để góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng.
[7] Việc cấp tín dụng quy định tại mục [1], [3], [4], [5] và [6] bao gồm cả hoạt động mua, nắm giữ, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.
Từ khóa: Trần tín dụng Lộ trình xóa bỏ trần tín dụng Nhân viên ngân hàng Room tín dụng Cấp tín dụng Tổ chức tín dụng Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ
- Nội dung nêu trên được NhanSu.vn biên soạn và chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho các tư vấn chuyên sâu từ chuyên gia.
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng.
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email hotrophaply@NhanSu.vn;