Từ khóa gợi ý:
Không tìm thấy từ khóa phù hợp
Việc làm có thể bạn quan tâm
Không tìm thấy việc làm phù hợp

Kết luận 115-KL/TW năm 2025 tiếp tục thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế do Ban Chấp hành Trung ương ban hành

Số hiệu 115-KL/TW
Ngày ban hành 16/01/2025
Ngày có hiệu lực 16/01/2025
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Ban Chấp hành Trung ương
Người ký Trần Cẩm Tú
Lĩnh vực Thương mại

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
*

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số 115-KL/TW

Hà Nội, ngày 16 tháng 01 năm 2025

 

KẾT LUẬN

CỦA BỘ CHÍNH TRỊ
VỀ TIẾP TỤC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 39-NQ/TW, NGÀY 15/01/2019 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ KHOÁ XII VỀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ, KHAI THÁC, SỬ DỤNG VÀ PHÁT HUY CÁC NGUỒN LỰC CỦA NỀN KINH TẾ

Xem xét Báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương về việc sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 15/01/2019 của Bộ Chính trị khoá XII về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế; ý kiến của các cơ quan, Bộ Chính trị kết luận:

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá XII, hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế đã được nâng lên, góp phần đưa nền kinh tế vượt qua được những khó khăn, thách thức trước những biến động chưa từng có của bối cảnh trong nước và quốc tế, nhất là tác động của đại dịch Covid-19, góp phần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, tăng cường hội nhập quốc tế. Nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao được chú trọng phát triển toàn diện hơn; nguồn vật lực, bao gồm các loại tài nguyên thiên nhiên và hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội được huy động, đầu tư, khai thác, sử dụng đồng bộ và hiệu quả hơn; nguồn tài lực, bao gồm nguồn lực tài chính công, nguồn lực trong lĩnh vực tiền tệ, hoạt động ngân hàng, thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm, tài sản công... có bước mở rộng và phát triển tích cực.

Tuy nhiên, hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế nhìn chung còn hạn chế, chậm được cải thiện, chưa góp phần tạo bước đột phá trong tốc độ và chất lượng tăng trưởng. Nguồn lực con người, văn hóa chưa được phát huy tốt để thực sự trở thành nguồn lực nội sinh, động lực quan trọng nhất cho phát triển đất nước; nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên còn bị sử dụng lãng phí, kém hiệu quả, rơi vào nguy cơ suy thoái, cạn kiệt; hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội tuy đã được củng cố, hoàn thiện một bước nhưng cơ bản vẫn thiếu hụt, tính hiện đại, đồng bộ chưa cao; nguồn lực tài chính quy mô còn nhỏ, thiếu tính bền vững. Tình trạng lãng phí trong quản lý và sử dụng các nguồn lực nhìn chung còn phổ biến... Những hạn chế này đã và đang tạo ra những rào cản, nút thắt cho phát triển, khiến cho năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và tính cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, nhiều thời cơ phát triển của đất nước bị bỏ lỡ, nguy cơ tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình ngày càng hiện hữu.

Đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đòi hỏi phải phát huy cao độ và quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đang có và các nguồn lực mới để tạo cơ sở thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bứt phá, hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng giai đoạn 2026 - 2030 của đại hội đảng các cấp, tạo tiền đề vững chắc đạt mục tiêu chiến lược kỷ niệm 100 năm thành lập Nước. Để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 39-NQ/TW và các nghị quyết của Đảng về quản lý, sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế; đồng thời, tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp vừa có tính cấp bách, vừa tạo nền tảng cho phát triển bền vững, lâu dài của đất nước như sau:

1. Tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách quản lý và sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế phù hợp với đường lối phát triển nhanh, bền vững đất nước và thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng bộ cả tháo gỡ các điểm nghẽn và kiến tạo phát triển, huy động cao nhất mọi nguồn lực cho phát triển. Tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các luật, pháp lệnh đã được ban hành. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các luật, pháp lệnh trong các lĩnh vực, trước mắt là các luật, pháp lệnh theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 đã được điều chỉnh của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hướng dứt khoát bỏ tư duy "không quản được thì cấm"; một vấn đề, một nội dung chỉ quy định tại một luật; cải cách tối đa thủ tục hành chính, triệt để phân cấp, phân quyền, gắn với chuyển mạnh từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm"; bảo đảm tính minh bạch, nhất quán, có tầm nhìn của pháp luật.

Tinh gọn, nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy quản lý; tăng cường phân cấp, phân quyền, gắn với kiểm tra, giám sát và trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý và sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế. Rà soát, tổng kết các cơ chế, chính sách đặc thù, mô hình thí điểm để luật hoá, mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng. Tiếp tục đổi mới công tác xây dựng, quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch, lấy quy hoạch làm công cụ chủ yếu để huy động và phân bổ nguồn lực hiệu quả theo các tín hiệu của thị trường.

2. Khẩn trương thực hiện công tác kiểm kê, đánh giá, cập nhật đầy đủ, thực chất các nguồn lực của nền kinh tế; xây dựng cơ sở dữ liệu về các nguồn lực, bao gồm cả nguồn lực vật chất và phi vật chất, nguồn lực truyền thống và hiện đại, liên thông, số hoá làm cơ sở tin cậy cho hoạch định chiến lược, chính sách quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Giải quyết dứt điểm các vấn đề như quy hoạch treo, dự án vướng mắc thủ tục, đất công không sử dụng, tài sản tranh chấp và các vụ án, vụ việc tồn đọng dẫn đến các nguồn lực chậm đưa vào sử dụng, bị lãng phí.

3. Hiện đại hoá và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực truyền thống

3.1. Đối với nguồn nhân lực

a) Tập trung thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đẩy nhanh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ theo Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị; tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, liên thông, công bằng, bình đẳng, thúc đẩy xã hội học tập và học tập suốt đời; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; phát triển đại học số, các phương thức đào tạo mở, các nền tảng dạy và học trực tuyến mở.

Có chính sách hỗ trợ đào tạo trong các ngành Nhà nước ưu tiên phát triển, các ngành khoa học cơ bản, các ngành công nghệ nền tảng. Tập trung phát triển nguồn nhân lực cho những ngành, lĩnh vực ưu tiên, mới nổi như trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, chip bán dẫn, xây dựng, vận hành đường sắt tốc độ cao, chuyển đổi năng lượng, hydrogen xanh, điện hạt nhân... Nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

Xây dựng cơ chế, chính sách đột phá và đầu tư nguồn lực để phát triển các đại học quốc gia, đại học vùng; phát triển một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp, ngành nghề đào tạo đạt trình độ tương đương với khu vực và thế giới. Hoàn thiện cơ chế tự chủ đối với các cơ sở giáo dục, đào tạo phù hợp với xu thế chung của thế giới.

b) Chính sách dân số từ kế hoạch hoá gia đình sang dân số và phát triển. Có chính sách hữu hiệu để nâng tỷ lệ sinh thay thế lên mức thay thế bền vững; chú trọng nâng cao chất lượng dân số, sức khoẻ người dân cả về tầm vóc, tuổi thọ, thể chất và tinh thần. Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu an sinh xã hội trên cơ sở kết nối với hệ thống dữ liệu quốc gia; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ xã hội trên nền tảng số.

c) Áp dụng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo vào hoạt động của các sàn giao dịch việc làm và phát triển thị trường lao động. Hoàn thiện tiêu chuẩn kỹ năng nghề nghiệp cho các ngành nghề trong xã hội. Xây dựng chính sách lao động, việc làm để chủ động thích ứng với tình trạng già hoá dân số nhanh. Quản lý tốt di cư lao động.

d) Có chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút, đãi ngộ, sử dụng chuyên gia, nguồn nhân lực chất lượng cao trong một số ngành quan trọng như đường sắt tốc độ cao, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện hạt nhân, khoa học vũ trụ... Sớm thực hiện việc trả lương gắn với năng suất và hiệu quả công việc.

3.2. Đối với nguồn vật lực

a) Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để áp dụng các công cụ theo nguyên tắc kinh tế thị trường trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Nâng cao công tác quản lý nhà nước về hoạt động khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, xây dựng cơ sở dữ liệu về địa chất, khoáng sản. Đẩy mạnh thăm dò, kiểm kê và đánh giá toàn diện về trữ lượng, khả năng tái tạo của các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhất là các tài nguyên, khoáng sản quan trọng như tài nguyên biển, đất hiếm. Hoàn chỉnh hệ thống chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; thiết lập các quy định, tiêu chuẩn khai thác các loại tài nguyên. Xây dựng chiến lược nuôi dưỡng, làm giàu, kết hợp với mở rộng khai thác quốc tế đối với nguồn vật lực.

b) Có cơ chế, chính sách vượt trội để nhanh chóng hình thành, làm chủ một số chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất quan trọng. Trước mắt, tập trung khai thác gắn với chế biến và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất hiếm để hình thành, làm chủ các ngành công nghiệp và chuỗi sản xuất như điện tử, chip bán dẫn, pin mặt trời, xe điện, thiết bị y tế, ra-đa, thiết bị quốc phòng và thiết bị an ninh; phát triển chuỗi công nghiệp bô - xít - alumin - nhôm đồng bộ, hiện đại gắn với phát huy nguồn tài nguyên bô - xít ở Tây Nguyên. Rà soát, đánh giá, xử lý dứt điểm vướng mắc tại các dự án khoáng sản lớn, có giá trị cao để sớm đưa vào đầu tư, khai thác, tạo nguồn lực cho phát triển. Ưu tiên phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, tạo nền tảng thúc đẩy đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

c) Khẩn trương rà soát lại các quy hoạch về năng lượng. Có cơ chế cho phát triển điện gió ngoài khơi, điện hạt nhân, chú trọng đến công nghệ tiên tiến, có tính an toàn cao, có hiệu quả kinh tế và đã được kiểm chứng. Sửa đổi, hoàn thiện quy định pháp luật để tháo gỡ vướng mắc cho các dự án hạ tầng năng lượng; xây dựng hệ thống lưới điện thông minh; khởi công và đưa vào vận hành các dự án điện lớn, quan trọng. Tăng cường các biện pháp tiết kiệm năng lượng và quản lý nhu cầu điện. Tập trung thực hiện hiệu quả Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII, đồng thời tiếp tục rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu phát triển.

d) Tập trung đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, đi trước một bước. Xây dựng các tuyến cao tốc kết nối liên vùng, kết nối các cảng biển cửa ngõ quốc tế, các cửa khẩu quốc tế; hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 cả nước có 5.000 km đường bộ cao tốc. Đầu tư tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam, một số tuyến đường sắt kết nối quốc tế. Triển khai giai đoạn 2 Cảng hàng không quốc tế Long Thành; nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Xây dựng các trung tâm logistics, cảng trung chuyển quốc tế lớn; hình thành các cụm kinh tế biển đa ngành; phát triển hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; chú trọng phát triển hạ tầng thủy lợi đa mục tiêu.

Phát triển hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, thông minh; chú trọng quy hoạch để tăng cường khai thác, sử dụng hiệu quả không gian ngầm tại các đô thị lớn; tập trung đầu tư và đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Rà soát, đánh giá lại tổng thể hoạt động của các khu công nghiệp, khu chế xuất trong cả nước để có cơ chế, chính sách phát triển cho giai đoạn tới theo hướng lấy khu công nghiệp, khu chế xuất, khu thương mại tự do thế hệ mới làm cứ điểm chiến lược để tạo động lực phát triển cho các vùng và cả nước. Phát triển hạ tầng và các ngành công nghiệp quốc phòng, an ninh lưỡng dụng, hiện đại, liên kết chặt chẽ với công nghiệp dân sinh.

đ) Nghiên cứu hình thành và khai thác hiệu quả Quỹ phát triển hạ tầng. Tổng kết các mô hình hợp tác công tư để sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách nhằm tạo đột phá trong thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân vào đầu tư, xây dựng và vận hành hạ tầng kinh tế - xã hội. Khẩn trương rà soát để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, xử lý dứt điểm vướng mắc, tồn tại ở các dự án đầu tư đang tồn đọng, chậm triển khai; các dự án đã hoàn thành nhưng chưa đưa vào sử dụng.

e) Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ các doanh nghiệp nhà nước; nâng cao hiệu quả đầu tư, hoạt động của doanh nghiệp nhà nước một cách toàn diện, minh bạch, hiệu quả, bền vững, bảo đảm tương xứng với nguồn lực nắm giữ thông qua đổi mới quản trị, tối ưu hoá các phương thức sản xuất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với nâng cao năng lực vốn, quản trị rủi ro, xử lý nợ xấu. Rà soát, hoàn thiện các quy định về cơ chế tự chủ tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự của các đơn vị sự nghiệp công lập; đẩy mạnh xã hội hoá cung cấp các dịch vụ công. Đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Có cơ chế, chính sách, biện pháp cụ thể để khuyến khích phong trào khởi nghiệp, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, bảo đảm để khu vực kinh tế tư nhân tiếp cận bình đẳng mọi cơ hội, các nguồn lực, nhất là về vốn, đất đai, tài nguyên.

3.3. Đối với nguồn tài lực

a) Cải thiện hệ thống thuế; hoàn thiện quy định về thuế đối với các hoạt động kinh doanh mới, đặc biệt là kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử, kinh tế chia sẻ; nghiên cứu, xây dựng, ban hành thuế tài sản...; rà soát lại các chính sách ưu đãi, miễn, giảm thuế không còn phù hợp, bảo đảm công bằng, minh bạch, thúc đẩy cạnh tranh, khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn. Cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng giảm mạnh chi thường xuyên, tăng đầu tư phát triển. Đổi mới cơ chế phân cấp ngân sách theo hướng củng cố vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, mở rộng quyền tự chủ cho các địa phương theo nguyên tắc địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.

[...]
0

CHỦ QUẢN: Công ty TNHH THƯ VIỆN PHÁP LUẬT

Mã số thuế: 0315459414, cấp ngày: 04/01/2019, nơi cấp: Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM.

Đại diện theo pháp luật: Ông Bùi Tường Vũ

GP thiết lập trang TTĐTTH số 30/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP.HCM cấp ngày 15/06/2022.

Giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm số: 4639/2025/10/SLĐTBXH-VLATLĐ cấp ngày 25/02/2025.

Địa chỉ trụ sở: P.702A, Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, phường Phú Nhuận, TP. HCM

THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
...loại rủi ro pháp lý, nắm cơ hội làm giàu...
Thư Viện Nhà Đất
Thư Viện Nhà Đất
...hiểu pháp lý, rõ quy hoạch, giao dịch nhanh...