Từ khóa gợi ý:
Không tìm thấy từ khóa phù hợp
Việc làm có thể bạn quan tâm
Không tìm thấy việc làm phù hợp

Kế hoạch 62/KH-UBND bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2025

Số hiệu 62/KH-UBND
Ngày ban hành 06/04/2025
Ngày có hiệu lực 06/04/2025
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Mai Xuân Liêm
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 62/KH-UBND

Thanh Hóa, ngày 06 tháng 4 năm 2025

 

KẾ HOẠCH

BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA NĂM 2025

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 227/TTg-CN ngày 27/02/2025 về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2025; căn cứ quy định của Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ , các Chỉ thị của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; trên cơ sở báo cáo của các ngành, đơn vị và Văn phòng Ban ATGT tỉnh tại Tờ trình số 33/TTr-BATGT ngày 12/3/2025, Công an tỉnh tại Công văn số 902/CAT-PC08 ngày 24/3/2025, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2025 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong thực hiện công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT). Tăng cường hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện các giải pháp đảm bảo TTATGT; tiếp tục kiềm chế, làm giảm tai nạn giao thông, phấn đấu năm 2025 tai nạn giao thông (TNGT) giảm 05% trên cả 03 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương) so với năm 2024; phòng ngừa, giải quyết kịp thời ùn tắc giao thông, không để xảy ra tình trạng đua xe trái phép hoặc tình hình phức tạp về TTATGT trên địa bàn tỉnh.

2. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương với kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị trong thực thi công vụ. Nâng cao tinh thần trách nhiệm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương của lực lượng thực thi pháp luật về TTATGT trong đó công chức, viên chức và cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang trong các cơ quan, ban, ngành của tỉnh Thanh Hóa phải thật sự gương mẫu, đi đầu trong việc chấp hành các quy định về TTATGT.

3. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về TTATGT; thiết lập trật tự, kỷ cương trong chấp hành pháp luật về giao thông của người tham gia giao thông; nâng cao ý thức tự giác, ứng xử văn minh, chuẩn mực của người dân khi tham gia giao thông.

4. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác bảo đảm TTATGT, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin và khoa học dữ liệu trong quản lý điều hành vận tải, chỉ huy, điều khiển giao thông, tuyên truyền an toàn giao thông; nâng cao hiệu quả công tác phát hiện và xử lý vi phạm về TTATGT qua hệ thống giám sát bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông đường bộ, hệ thống quản lý dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và ghi nhận hình ảnh người lái xe.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Đường bộ và các Nghị định của Chính phủ và Thông tư của các Bộ, ngành hướng dẫn chi tiết, thi hành Luật gắn với thực hiện các Chỉ thị của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác bảo đảm TTATGT[1].

2. Tiếp tục triển khai Quyết định số 2234/QĐ-UBND ngày 11/6/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc Phê duyệt Đề án chống ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, bên cạnh đó nghiên cứu đề xuất thực hiện các giải pháp kéo giảm ùn tắc giao thông bền vững tại các khu vực thành phố và các đô thị của tỉnh, chủ động rà soát và kiến nghị sửa đổi những bất cập trong quy định pháp luật là nguyên nhân dẫn đến mật độ dân cư tập trung quá lớn trên khu vực hẹp, gây áp lực lớn so với khả năng đáp ứng của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; quy hoạch đô thị treo, mật độ xây dựng lớn; mật độ đường và giao thông tĩnh thấp, giao thông công cộng và phi cơ giới, kết nối vận tải đa phương thức còn nhiều hạn chế.

3. Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT, trong đó tập trung đổi mới nội dung, phương pháp, cách thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, lĩnh vực, địa bàn, gắn với đặc điểm kinh tế - xã hội, văn hóa của từng địa phương trên cơ sở ứng dụng hiệu quả mạng xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng để tiếp cận tới đông đảo quần chúng nhân dân; tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho đối tượng là trẻ em, học sinh, sinh viên; phát huy tính gương mẫu, chấp hành của cán bộ, công chức, viên chức và vận động người thân, gia đình chấp hành các quy định pháp luật về TTATGT, xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng.

4. Bố trí tối đa lực lượng, phương tiện, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, tập trung tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm về TTATGT, các vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT. Chú trọng thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông cho trẻ em học sinh, trong đó có các chuyên đề về phát hiện, xử lý các vi phạm về TTATGT cho trẻ em, học sinh; không giao xe cho người chưa đủ điều kiện; các quy định, hướng dẫn quy trình đưa, đón trẻ và quy trình quản lý học sinh các cấp nhằm nâng cao an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh. Tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi pháp luật về bảo đảm TTATGT, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm bảo đảm an toàn giao thông.

5. Tăng cường các giải pháp quản lý an toàn giao thông, quản lý lái xe tại các đơn vị kinh doanh vận tải, trong đó đẩy mạnh việc khai thác, sử dụng hệ thống xử lý dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để phục vụ công tác quản lý vận tải; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm khả năng kết nối, sử d ụ n g chung các cơ sở dữ liệu giữa ngành Xây dựng, Công an, Y tế đảm bảo việc chia sẻ thông tin trong quản lý khám sức khỏe lái xe, quản lý tình trạng lái xe sử dụng ma túy, làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp vận tải trong thực hiện các quy định về bảo đảm TTATGT và trách nhiệm của doanh nghiệp khi xảy ra TNGT.

6. Tổ chức rà soát, hoàn thiện yêu cầu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo thẩm quyền, trong đó thực hiện việc đặt biển báo tốc độ khai thác tối đa đối với phương tiện giao thông đường bộ trên địa bàn để bảo đảm xe bốn bánh có gắn động cơ hoạt động thuận lợi, giữ gìn an ninh trật tự và an toàn giao thông theo đúng quy định của pháp luật; khẩn trương rà soát, kiến nghị, khắc phục, xử lý dứt điểm các điểm hay xảy ra TNGT, điểm tiềm ẩn TNGT, các bất hợp lý trong tổ chức giao thông, đồng thời tổ chức các hệ thống báo hiệu đường bộ hợp lý, cắm bổ sung biển báo hướng dẫn, kẻ vạch phân chia làn đường, phần đường..., sửa chữa, khắc phục hệ thống đèn tín hiệu giao thông, khôi phục hoặc mở rộng hệ thống tổng thể thành phố, đô thị lớn không để tình trạng “xử lý chỗ này, phát sinh chỗ khác”; bảo đảm trật tự đô thị, xử lý tình trạng lấn chiếm lòng đường, lề đường, trông giữ xe trái phép gây cản trở, ùn tắc giao thông.

7. Tiếp tục siết chặt và nâng cao chất lượng đăng kiểm và kiểm soát chặt điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của các phương tiện cơ giới đường bộ; công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe.

8. Trên cơ sở thực hiện Kế hoạch số 118/KH-UBND ngày 02/6/2020 của UBND tỉnh về việc thực hiện Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2020 - 2025, tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm về hành lang an toàn đường sắt, lấn chiếm trái phép, mở lối đi tự phát.

9. Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong hoạt động đường thủy nội địa, trong đó tập trung siết chặt quản lý phương tiện thủy, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về TTATGT đường thủy, xóa bỏ bến đò ngang trái phép, bảo đảm an toàn tại các bến tàu khách, đặc biệt là trong mùa mưa bão, thiên tai; bên cạnh đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT đường thuỷ và chỉ đạo thực hiện các giải pháp phòng chống đuối nước cho trẻ em.

10. Phối hợp, trao đổi, xử lý thông tin liên quan để nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo an ninh, an toàn hàng không, ngăn chặn và ứng phó kịp thời các tình huống khẩn nguy có thể xảy ra. Phối hợp tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật; tiếp tục xây dựng văn hoá giao thông hàng không cho mọi tầng lớp nhân dân.

11. Nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn, cứu chữa nạn nhân và khắc phục hậu quả TNGT; bảo đảm khả năng tiếp cận hiện trường và cứu chữa thương tích cho nạn nhân TNGT.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao và các nhiệm vụ trọng tâm tại phần II Kế hoạch này, các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc, trong đó phân công một số nhiệm vụ cụ thể như sau:

1. Ban An toàn giao thông tỉnh

Trong thời gian chưa kiện toàn tổ chức và hoạt động của Uỷ ban ATGT Quốc gia theo quy định mới, Ban ATGT tỉnh tiếp tục hoạt động theo quy định hiện hành, tập trung tham mưu, chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau:

- Trên cơ sở các chỉ thị, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Uỷ ban ATGT Quốc gia và UBND tỉnh; ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả nhiệm vụ bảo đảm TTATGT năm 2025.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức các hoạt động tập huấn, tuyên truyền pháp luật về TTATGT bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Tiếp nhận, xây dựng, in ấn và cung cấp các tài liệu truyền thông về TTATGT.

- Tham mưu cho UBND tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra, hướng dẫn liên ngành hoặc chủ trì, phối hợp với các sở, ngành là thành viên Ban ATGT tỉnh, tổ chức kiểm tra đột xuất, định kỳ công tác bảo đảm TTATGT để đánh giá tình hình thực tế việc triển khai thực hiện tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, từ đó tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, chấn chỉnh kịp thời những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc.

- Tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về TTATGT trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông” và các chuyên đề khác theo hướng dẫn của Ủy ban ATGT Quốc gia.

[...]
0

CHỦ QUẢN: Công ty TNHH THƯ VIỆN PHÁP LUẬT

Mã số thuế: 0315459414, cấp ngày: 04/01/2019, nơi cấp: Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM.

Đại diện theo pháp luật: Ông Bùi Tường Vũ

GP thiết lập trang TTĐTTH số 30/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP.HCM cấp ngày 15/06/2022.

Giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm số: 4639/2025/10/SLĐTBXH-VLATLĐ cấp ngày 25/02/2025.

Địa chỉ trụ sở: P.702A, Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, phường Phú Nhuận, TP. HCM

THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
...loại rủi ro pháp lý, nắm cơ hội làm giàu...
Thư Viện Nhà Đất
Thư Viện Nhà Đất
...hiểu pháp lý, rõ quy hoạch, giao dịch nhanh...