Từ khóa gợi ý:
Không tìm thấy từ khóa phù hợp
Việc làm có thể bạn quan tâm
Không tìm thấy việc làm phù hợp

Báo cáo 62/BC-BTP về Công tác bồi thường Nhà nước năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp năm 2025 do Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 62/BC-BTP
Ngày ban hành 14/02/2025
Ngày có hiệu lực 14/02/2025
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Đặng Hoàng Oanh
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 62/BC-BTP

Hà Nội, ngày 14 tháng 02 năm 2025

 

BÁO CÁO

CÔNG TÁC BỒI THƯỜNG NHÀ NƯỚC NĂM 2024, NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM, GIẢI PHÁP NĂM 2025

Kính gửi: Chính phủ

Thực hiện quy định tại các Điều 73, 74 và 75 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (Luật TNBTCNN), Điều 35 của Nghị định số 68/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật TNBTCNN, trên cơ sở tổng hợp báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC), Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC), các Bộ, ngành và 63 Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh[1], Bộ Tư pháp báo cáo kết quả công tác bồi thường nhà nước năm 2024 với những nội dung sau:

I. KẾT QUẢ CÔNG TÁC BỒI THƯỜNG NHÀ NƯỚC NĂM 2024

1. Tình hình thụ lý yêu cầu bồi thường, kết quả giải quyết bồi thường, thực hiện trách nhiệm hoàn trả

1.1. Tình hình thụ lý yêu cầu bồi thường, kết quả giải quyết bồi thường

Tính từ ngày 01/01/2024 đến ngày 31/12/2024, các cơ quan giải quyết bồi thường trên cả nước đã thụ lý giải quyết tổng số 65 vụ việc[2] (giảm 27 vụ việc so với năm 2023), trong đó thụ lý mới 24 vụ việc, từ kỳ trước chuyển sang 41 vụ việc.

Số vụ việc có văn bản giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật và đình chỉ là 32/65 vụ việc đạt tỷ lệ 49,2% (giảm 4,8% so với năm 2023); tổng số tiền Nhà nước phải bồi thường là 14 tỷ 901 triệu 328 nghìn đồng theo các văn bản giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật, đã chi trả số tiền bồi thường là 9 tỷ 338 triệu 783 nghìn đồng. Còn 33 vụ việc đang được tiếp tục giải quyết (chiếm tỷ lệ 50,8%). Kết quả giải quyết bồi thường trong từng lĩnh vực cụ thể như sau:

- Trong hoạt động quản lý hành chính, các cơ quan giải quyết bồi thường thụ lý, giải quyết 27 vụ việc[3] (thụ lý mới 13 vụ việc), số vụ việc có văn bản giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật và đình chỉ là 14/27 vụ việc, đạt tỷ lệ 51,9% (giảm 8,1% so với năm 2023) với số tiền Nhà nước phải bồi thường theo các văn bản giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật là 6 tỷ 262 triệu 360 nghìn đồng, còn 13 vụ việc đang được tiếp tục giải quyết.

- Trong hoạt động tố tụng, các cơ quan tố tụng thụ lý, giải quyết 18 vụ việc[4] (thụ lý mới 06 vụ việc), số vụ việc có văn bản giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật và đình chỉ là 09/18 vụ việc, đạt tỷ lệ 50% (giảm 2% so với năm 2023) với tổng số tiền bồi thường trên văn bản giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật là 8 tỷ 096 triệu 405 nghìn đồng, còn 09 vụ việc đang được giải quyết. Cụ thể:

+ Trong hoạt động tố tụng hình sự: Tòa án nhân dân (TAND) các cấp thụ lý, giải quyết 03 vụ việc (không có vụ việc phát sinh mới), trong đó 02/03 vụ việc đã có văn bản giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật với số tiền bồi thường là 3 tỷ 698 triệu 110 nghìn đồng, còn 01/03 vụ việc đang giải quyết[5]; Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) các cấp thụ lý giải quyết 08 vụ việc (thụ lý mới 04 vụ việc), vụ việc đã có văn bản giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật là 06/08 vụ việc với tổng số tiền phải bồi thường là 4 tỷ 398 triệu 295 nghìn đồng, còn 02/08 vụ việc đang được giải quyết[6]; cơ quan Công an các cấp thụ lý, giải quyết 05 vụ việc (không có vụ việc phát sinh mới), đang giải quyết 05/05 vụ việc[7].

+ Trong hoạt động tố tụng dân sự: các cơ quan giải quyết bồi thường thụ lý, giải quyết mới 01 vụ việc, trong đó đình chỉ 01/01 vụ việc.

+ Trong hoạt động tố tụng hành chính: các cơ quan giải quyết bồi thường thụ lý, giải quyết mới 01 vụ việc, trong đó đang giải quyết 01/01 vụ việc.

- Trong hoạt động thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự các cấp thụ lý giải quyết 20 vụ việc[8] (thụ lý mới 05 vụ việc), vụ việc đã có văn bản giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật và đình chỉ là 09/20 vụ việc, đạt tỷ lệ 45% (giảm 5% so với năm 2023) với tổng số tiền phải bồi thường là 493 triệu 733 nghìn đồng, số tiền đã chi trả là 129 triệu 480 nghìn đồng, còn 11 vụ việc đang được giải quyết. Trong hoạt động thi hành án hình sự không phát sinh vụ việc yêu cầu bồi thường.

1.2. Cấp phát kinh phí và chi trả tiền bồi thường

Trong năm 2024, việc cấp phát kinh phí được Bộ Tài chính, Sở Tài chính thực hiện cấp phát kinh phí cho các cơ quan giải quyết bồi thường đối với các vụ việc có đầy đủ hồ sơ đề nghị cấp phát kinh phí theo quy định.

Bộ Tài chính đã bố trí trong dự toán của TANDTC, Bộ Tư pháp mỗi đơn vị là 10 tỷ đồng và VKSNDTC là 12 tỷ 800 triệu[9] để chủ động thực hiện bồi thường năm 2024.

Trên cơ sở cấp phát kinh phí của Bộ Tài chính và Sở Tài chính, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại đã chi trả 9 tỷ 338 triệu 783 nghìn đồng trên tổng số tiền bồi thường trên các văn bản giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật là 11 tỷ 506 triệu 967 nghìn đồng.

1.3. Xác định trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại

Việc xem xét trách nhiệm hoàn trả đang thực hiện đối với 29 vụ việc (16 việc trong hoạt động quản lý hành chính, 09 việc trong hoạt động tố tụng hình sự, 01 việc trong hoạt động tố tụng dân sự, 03 việc trong hoạt động thi hành án dân sự). Trong đó, 08 vụ việc đã xem xét trách nhiệm hoàn trả với tổng số tiền người thi hành công vụ gây thiệt hại phải hoàn trả là 694 triệu 716 nghìn đồng (giảm 316 triệu 413 nghìn đồng so với năm 2023), đã thực hiện hoàn trả 204 triệu 308 nghìn đồng (đều trong hoạt động quản lý hành chính); 01 vụ việc không xem xét trách nhiệm hoàn trả do người thi hành công vụ chết trước khi ra quyết định hoàn trả và 20 vụ việc đang xem xét trách nhiệm hoàn trả.

2. Kết quả thực hiện công tác bồi thường nhà nước

2.1. Về xây dựng và thực hiện kế hoạch công tác bồi thường nhà nước

Tiếp tục thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng của Bộ Tư pháp[10], Chương trình hành động của ngành Tư pháp thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024[11] và nhiệm vụ cụ thể tại Báo cáo số 01/BC-BTP ngày 01/01/2024 của Bộ Tư pháp tổng kết công tác tư pháp năm 2023 và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu công tác năm 2024, ngày 29/12/2023, Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 3121/QĐ-BTP về kế hoạch thực hiện công tác bồi thường nhà nước năm 2024. Kế hoạch đã bảo đảm thống nhất thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước, phát huy vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong việc tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, cũng như bảo đảm sự chủ động đánh giá tổng kết, nghiên cứu giải pháp hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành hiệu quả pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã có văn bản đề nghị TANDTC, VKSNDTC và các Bộ, ngành và UBND cấp tỉnh tiếp tục quan tâm, phối hợp chỉ đạo thực hiện công tác bồi thường nhà nước, tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm công tác bồi thường nhà nước năm 2024 của cơ quan, ngành, địa phương mình[12].

Thực hiện văn bản của Bộ Tư pháp về triển khai các nhiệm vụ trọng tâm công tác bồi thường nhà nước năm 2024, một số bộ và 63/63 địa phương đã chủ động ban hành Kế hoạch riêng để thực hiện công tác bồi thường nhà nước và ban hành văn bản triển khai nhiệm vụ trọng tâm về công tác bồi thường nhà nước trong lĩnh vực ngành, địa phương mình quản lý. Tại địa phương, trên cơ sở Kế hoạch của UBND tỉnh, các sở, ngành, UBND các huyện đã ban hành kế hoạch tổ chức triển khai công tác bồi thường nhà nước bảo đảm toàn diện, đúng tiến độ.

2.2. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

Trên cơ sở kết quả Báo cáo đánh giá kết quả 05 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, để hoàn thiện hệ thống pháp luật về TNBTCNN, Bộ đã tổ chức “Tọa đàm lấy ý kiến góp ý đề xuất hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước” tại 03 tỉnh, thành phố[13] và xây dựng sách Pháp luật về TNBTCNN ở Việt Nam. Bộ đã ban hành Kế hoạch xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 68/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật TNBTCNN kèm theo Quyết định số 1821/QĐ-BTP ngày 02/10/2024 và Quyết định số 2113/QĐ-BTP ngày 08/11/2024 thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 68/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018. Hiện nay, việc xây dựng dự thảo Nghị định đang được thực hiện theo đúng quy trình của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đối với, 03 Thông tư[14], Bộ đang dự kiến các nội dung cần sửa đổi, bổ sung đối với các văn bản này.

[...]
0

CHỦ QUẢN: Công ty TNHH THƯ VIỆN PHÁP LUẬT

Mã số thuế: 0315459414, cấp ngày: 04/01/2019, nơi cấp: Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM.

Đại diện theo pháp luật: Ông Bùi Tường Vũ

GP thiết lập trang TTĐTTH số 30/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP.HCM cấp ngày 15/06/2022.

Giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm số: 4639/2025/10/SLĐTBXH-VLATLĐ cấp ngày 25/02/2025.

Địa chỉ trụ sở: P.702A, Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, phường Phú Nhuận, TP. HCM

THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
...loại rủi ro pháp lý, nắm cơ hội làm giàu...
Thư Viện Nhà Đất
Thư Viện Nhà Đất
...hiểu pháp lý, rõ quy hoạch, giao dịch nhanh...