Quy định hiến tặng tinh trùng, noãn, làm sao để tránh kêt hôn cận huyết?

(có 1 đánh giá)

Tình trạng vô sinh, hiếm muộn là nỗi lo của nhiều đôi vợ chồng. Để giải quyết những tình trạng đó, pháp luật quy định về việc mang thai hộ, cho tặng tinh trùng, noãn… để giải quyết phần nào tình trạng vô sinh, hiếm muộn. Tuy nhiên với những quy định hiện nay, lại tồn tại một kẻ hở dẫn đến rủi ro cho xã hội. Đó là quy định về việc hiến tặng tinh trùng, noãn.

Quy định về việc hiến tặng tinh trùng, noãn được quy định tại Điều 4 Nghị định 10/2015/NĐ-CP, cụ thể như sau:

  • Người cho tinh trùng, cho noãn được khám và làm các xét nghiệm để xác định: Không bị bệnh di truyền ảnh hưởng đến thế hệ sau; không bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình; không bị nhiễm HIV.
  • Tự nguyện cho tinh trùng, cho noãn và chỉ cho tại một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được Bộ Y tế công nhận được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.
  • Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không được cung cấp tên, tuổi, địa chỉ và hình ảnh của người cho tinh trùng.
  • Tinh trùng, noãn của người cho chỉ được sử dụng cho một người, nếu không sinh con thành công mới sử dụng cho người khác. Trường hợp sinh con thành công thì tinh trùng, noãn chưa sử dụng hết phải được hủy hoặc hiến tặng cho cơ sở làm nghiên cứu khoa học.

Quy định trên cho thấy, pháp luật đã lường trước và loại trừ một số trường hợp:

  • Rủi ro về bệnh xã hội, dị tật thai nhi....
  • Bí mật thông tin người hiến tặng tinh trùng, noãn. Chỉ được hiến tặng tại 01 cơ sở y tế để dễ quản lý.
  • Hạn chế việc nhiều trẻ em sinh ra do cùng một người, bằng quy định tinh trình, noãn chỉ được sử dụng 01 lần, nếu thụ thai không thành công thì mới sử dụng tiếp cho lần sau.

Tuy nhiên cũng từ quy định trên, ta nhận thấy một rủi ro vẫn có thể tồn tại trong thực trạng việc hiến tặng tinh trùng, noãn. Quy định về người hiến tặng không có cơ chế kiểm soát. Giả sử một người đã có gia đình, đã có con đi hiến tặng tinh trùng/noãn. Nếu việc hiến tặng đó thụ thai thành công cho một người, khi đứa trẻ đó sinh ra về bản chất sinh học là con đẻ của người đã hiến tặng tinh trùng/noãn.

Kết hợp với quy định bí mật thông tin người hiến tặng tình trùng/noãn sẽ dẫn đến có một rủi ro. Nếu như con của người đi hiến tặng tinh trùng/noãn trưởng thành và gặp gỡ, kêt hôn với đứa trẻ sinh ra do được hiến tặng tinh trùng/noãn thì về bản chất sinh học đó là kết hôn cận huyết và dẫn đến nhiều rủi ro về y tế sau này.

Dù biết, xác suất để trường hợp kể trên xảy ra là rất thấp, tuy nhiên nó vẫn có thể xảy ra và các nhà làm Luật trong trường hợp nàychưa (hoặc không) có giải pháp nào tốt hơn để đưa ra quy định điều chỉnh cho phù hợp để tránh rủi ro cho xã hội.

 

(có 1 đánh giá)
Theo Trương Nguyễn Thạch
3.030