NSDLĐ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động do dịch COVID-19

Đại dịch Covid đã ảnh hưởng rất nhiều đến nền kinh tế của nước ta nói riêng và trên thế giới nói chung. Các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch,… trở nên khó khăn. Nặng thì phá sản nhẹ thì buộc phải chọn giải pháp cắt giảm nhân lực một cách tối đa để cầm cự qua mùa dịch. Dưới đây là những trường hợp doanh nghiệp có thể chấm dứt hợp đồng lao động cho dịch Covid-19

NSDLĐ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động do dịch COVID-19

Do ảnh hưởng của COVID-19, NSDLĐ có thể áp dụng điểm c khoản 1 Điều 36 BLLĐ 2019 để đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) với NLĐ do “dịch bệnh nguy hiểm”

Lưu ý rằng, khi áp dụng lý do "do dịch bệnh nguy hiểm" để cho NLĐ nghỉ việc thì phải kèm thêm điều kiện là "NSDLĐ đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc".

Khi cho nghỉ việc trong trường hợp này, NSDLĐ phải báo trước cho NLĐ ít nhất là 03- 30- 45 ngày tùy thuộc vào loại HĐLĐ  theo quy định tại khoản 2 Điều 36 BLLĐ và tuân thủ quy định về tạm hoãn đơn phương chấm dứt HĐLĐ quy định tại Điều 37 BLLĐ.

Doanh nghiệp cũng có thể thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ. Trong trường hợp gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tuy nhiên doanh nghiệp chưa đủ điều kiện để đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ thì đây là giải pháp an toàn và nhanh nhất cho doanh nghiệp, nhưng phải được sự đồng ý của NLĐ.

Các khoản trợ cấp cho NLĐ khi chấm dứt HĐLĐ

Khi bị chấm dứt HĐLĐ trong các trường hợp do ảnh hưởng bởi COVID-19 nói trên, NLĐ có thể được hưởng các khoản trợ cấp sau:

- Trợ cấp thôi việc:  NLĐ có thời gian làm việc đủ 12 tháng trở lên bị chấm dứt HĐLĐ trong trường hợp đã thỏa thuận hoặc NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ thì được hưởng trợ cấp thôi việc.

Mức trợ cấp thôi việc được tính dựa trên thâm niên làm việc của NLĐ cho NSDLĐ. Tính đơn giản như sau: Cứ 1 năm làm việc thì được hưởng trợ cấp ½ tháng tiền lương.

- Trợ cấp mất việc làm: được áp dụng đối với NLĐ có đủ 12 tháng làm việc trở lên bị chấm dứt HĐLĐ trong trường hợp doanh nghiệp thay đổi tổ chức, tổ chức lại lao động.

Mức trợ cấp mất việc làm được tính dựa vào thâm niên làm việc của NLĐ cho NSDLĐ, cứ 1 năm làm việc thì được trợ cấp 1 tháng lương nhưng mức thấp nhất cũng bằng 2 tháng lương (căn cứ vào tiền lương bình quân 6 tháng cuối trước khi chấm dứt HĐLĐ).

- Trợ cấp thất nghiệp: khoản trợ cấp này do quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trả cho NLĐ khi NLĐ bị chấm dứt HĐLĐ (trừ trường hợp NLĐ đơn phương trái pháp luật; nghỉ việc để hưởng chế độ hưu trí hàng tháng hoặc chế độ mất sức lao động hàng tháng); đã đóng BHTN đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng trước khi thất nghiệp.

Trường hợp NLĐ làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng thì đóng đủ 12 tháng trở lên trong vòng 36 tháng trước khi thất nghiệp. Đồng thời, NLĐ đã nộp hồ sơ đăng ký thất nghiệp trong vòng 3 tháng kể từ khi chấm dứt HĐLĐ và không tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ khi nộp hồ sơ đăng ký BHTN.

Mức trợ cấp thất nghiệp bằng 60 % tiền lương đóng BHTN bình quân của 6 tháng cuối trước khi nghỉ việc. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tương ứng với thời gian đóng BHTN, cứ 12 tháng đóng BHTN thì được hưởng một tháng trợ cấp nhưng thời gian hưởng tối thiểu là 3 tháng và tối đa là 12 tháng.

Quỳnh Ny
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.536 
Việc làm mới nhất