Mục đích của soạn thảo hợp đồng là gì? Hướng dẫn soạn thảo hợp đồng đúng chuẩn?

Mục đích của soạn thảo hợp đồng là gì? Hướng dẫn soạn thảo hợp đồng đúng chuẩn?

Mục đích của soạn thảo hợp đồng?

Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các chủ thể nhằm xác lập các quyền và nghĩa vụ đối với nhau trong các giao dịch cụ thể.

Mục đích chính của việc soạn thảo hợp đồng là làm rõ quyền và trách nhiệm của các bên liên quan, đồng thời thiết lập cơ sở pháp lý để giải quyết mọi tranh chấp trong tương lai.

Văn bản hợp đồng đóng vai trò rất quan trọng trong việc ghi nhận những cam kết của các bên, đồng thời là bằng chứng và là cơ sở pháp lý hiển nhiên và chắc chắn trong quá trình giải quyết mọi khác biệt hay bất đồng có thể phát sinh giữa các bên trong quá trình thực hiện giao dịch. 

Do vậy, việc soạn thảo một hợp đồng đầy đủ, chặt chẽ, đúng pháp luật và đáp ứng đúng ý chí và nguyện vọng của các bên luôn là một yêu cầu quan trọng đối với bất kỳ lĩnh vực kinh doanh nào.

Soạn thảo hợp đồng đòi hỏi sự hiểu biết về lĩnh vực, phạm vi và đối tượng cụ thể mà hợp đồng đang hướng tới. Đồng thời, cũng yêu cầu sự cẩn trọng trong việc sử dụng các từ ngữ để thể hiện các điều khoản.

  Mục đích của soạn thảo hợp đồng là gì? Hướng dẫn soạn thảo hợp đồng đúng chuẩn? (Hình từ internet)

Mục đích của soạn thảo hợp đồng là gì? Hướng dẫn soạn thảo hợp đồng đúng chuẩn? (Hình từ internet)

Hướng dẫn soạn thảo hợp đồng đúng chuẩn?

Để soạn thảo được một bản hợp đồng về cơ bản người soạn thảo cần tiến hành theo 04 bước như sau:

Bước 1: Thu thập thông tin về nội dung giao dịch

Trước khi tiến hành soạn thảo một hợp đồng, việc quan trọng cần phải làm là tìm hiểu thật kỹ về nội dung giao dịch của các bên. Bởi lẽ, hợp đồng chính là việc thuật lại thỏa thuận của các bên thành văn bản bằng ngôn ngữ pháp lý. Vì vậy, phải nắm rõ về nội dung giao dịch mới có thể soạn thảo hợp đồng đúng với ý chí của các bên khi tham gia giao dịch.

Ngoài ra, việc thu thập thông tin về nội dung giao dịch còn giúp người soạn thảo hợp đồng có cái nhìn tổng quan nhất để định hướng được sẽ tiến hành soạn thảo loại hợp đồng nào cho giao dịch.      

Bước 2: Tìm quy định pháp luật điều chỉnh từng nội dung

Sau khi đã nắm rõ nội dung giao dịch, người soạn thảo hợp đồng sẽ tiến hành xác định loại hợp đồng cần soạn là hợp đồng dân sự; kinh doanh - thương mại hay lao động. Từ đó, xác định được pháp luật điều chỉnh giao dịch đó. Bởi lẽ, hợp đồng là minh chứng pháp lý nên phải được lập dựa trên các cơ sở pháp lý xác thực hoặc các bên có quyền thỏa thuận nhưng không được vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội.

Người tiến hành soạn thảo hợp đồng phải lựa chọn quy định điều chỉnh cho từng nội dung của hợp đồng và đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định này trong quá trình soạn thảo. Vì đây là những quy tắc chung, là khung hành lang pháp lý và cũng là cơ sở làm phát sinh giá trị hiệu lực của thỏa thuận. Tuy nhiên, trong quá trình soạn thảo người soạn thảo không nhất thiết “copy” hoàn toàn điều luật mà phải biết chọn lọc và thiết kế lại các quy định này bằng ngôn ngữ hợp đồng miễn là không trái với quy định của pháp luật.

Bước 3: Soạn dự thảo hợp đồng

Người soạn hợp đồng có thể lựa chọn giải pháp nhanh chóng là tìm các mẫu hợp đồng có sẵn về giao dịch có liên quan. Đây là một giải pháp để tiết kiệm thời gian, tránh khỏi việc thiết kế lại từ đầu một bản hợp đồng mới. Tuy nhiên, người soạn thảo bắt buộc phải chỉnh sửa, bổ sung và kiểm tra lại từng điều khoản của hợp đồng. Đảm bảo rằng hợp đồng đầy đủ về nội dung, đúng với quy định của pháp luật hiện hành và đặc biệt là đúng với ý chí của các bên tham gia giao dịch.

Khi soạn thảo hợp đồng, người soạn thảo không chỉ ghi nhận lại thỏa thuận của các bên mà phải đảm bảo thỏa thuận này không trái với quy định của pháp luật và đạo đức xã hội, không rơi vào những trường hợp vô hiệu của hợp đồng.

Bước 4: Gửi dự thảo cho các bên liên quan kiểm tra và chỉnh sửa

Sau khi soạn xong dự thảo hợp đồng, người soạn thảo cần gửi cho các bên liên quan bản dự thảo để chính những chủ thể trong giao dịch – những người có quyền và nghĩa vụ liên quan trực tiếp xác nhận lại tính chính xác của hợp đồng. Bởi lẽ họ chính là những người hiểu rõ nhất về giao dịch và có trách nhiệm thực hiện đúng theo những gì mình đã thỏa thuận. Khi các bên đồng ý với bản thảo, người soạn thảo hợp đồng có thể tiến hành soạn bản hợp đồng chính thức.

Một số lưu ý trong việc soạn thảo hợp đồng?

- Bảo đảm về mặt hình thức của hợp đồng: Trong trường hợp nào mà pháp luật yêu cầu hợp đồng phải được lập thành văn bản, phải có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thi phải tuân theo các quy định đó.

Đối với một số loại hợp đồng mà pháp luật yêu cầu phải công chứng, chứng thực thì những loại hợp đồng đó phải được đem đi công chứng hoặc chứng thực thì mới có hiệu lực pháp.

- Bảo đảm về mặt nội dung của hợp đồng: Về nguyên tắc, nội dung của hợp đồng có các bên tự thoả thuận theo nguyên tắc tự do ý chí, bình đẳng và thiện chí với nhau. Tuy nhiên, pháp luật cũng yêu cầu nội dung của hợp đồng không được vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội.

- Đảm bảo đối tượng của hợp đồng là những hàng hoá mà pháp luật không cấm, không trái đạo đức xã hội.

- Đảm bảo  người tham gia giao dịch phải hoàn toàn tự nguyện

- Đảm bảo người tham gia hợp đồng có năng lực hành vi dân sự

Một số mẫu hợp đồng thông dụng?

Để tra cứu và xem đầy đủ các mẫu hợp đồng thông dụng hiện nay, bạn đọc có thể truy cập vào đường link dưới đây: https://thuvienphapluat.vn/hopdong

Theo Lê Nguyễn Anh Hào
2.163