03 Hành vi quấy rối tình dục cụ thể tại nơi làm việc có thể bị sa thải từ năm 2021

Theo quy định của BLLĐ 2019 thì từ năm 2021 NLĐ có hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm có thể bị sa thải. Mới đây Nghị định 145/2020/NĐ-CP về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động đã có hướng dẫn cụ thể về các hành vi được cho là quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là gì?

Tại khoản 9 điều 3 BLLĐ 2019 quy định rõ:

“Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận.”

Nếu bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc NLĐ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao được. Đây là một trong những điểm mới của BLLĐ 2019 được quy định cụ thể tại điểm d, khoản 2, điều 7 luật này.

Ngoài ra việc chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc cũng được nêu bắt buộc trong các nội quy lao động.

Nơi làm việc được xác nhận như thế nào?

Khoản 9 điều 3 BLLĐ 2019 cũng quy định về nơi làm việc cụ thể như sau:

“Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động.”

Ta có thể hiểu rộng hơn nơi làm việc là địa điểm, không gian mà người lao động phải có mặt để thực hiện nghĩa vụ lao động, theo thỏa thuận giữa các bên hoặc theo yêu cầu của người sử dụng lao động. Hay Nơi làm việc là một phần diện tích và không gian được trang bị thiết bị các phương tiện vật chất kỹ thuật cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ, công việc đã được xác định.

Những hành vi cụ thể được xác định là quấy rối tình dục tại nơi làm việc

Căn cứ theo quy định của BLLĐ quy định về hành động quấy rối tình dục có thể bị sa thải thì Nghị định 145/2020/NĐ-CP đã quy định rõ hơn về các hành vi cụ thể của quấy rối tình dục cụ thể như sau:

Hành vi mang tính thể chất gồm hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục;

Quấy rối tình dục bằng lời nói gồm lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc có ngụ ý tình dục;

Quấy rối tình dục phi lời nói gồm ngôn ngữ cơ thể; trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan đến hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử.

Như vậy nếu có hành vi thuộc các hành vi trên thì được xác định là quấy rối tình dục nơi làm việc và có thể bị sa thải theo luật định.

Nghị định 145/2020/NĐ-CP sẽ chính thức có hiệu lực từ 01/02/2021.

Theo Quỳnh Ny
3.272