Những cách bẫy của nhà tuyển dụng ứng viên cần lưu ý

Cuộc phỏng vấn tuyển dụng có thể được xem là một cuộc trò chuyện, một cuộc trao đổi, và cũng có thể được xem là một cuộc đấu trí giữa nhà tuyển dụng và ứng viên. Ở đó những câu hỏi và trả lời giữa hai phía đôi khi không chỉ là hỏi và đáp đơn thuần. Mà ở đó, thông qua những lời hỏi đáp hai bên có thể đánh giá lẫn nhau về sự phù hợp, về năng lực về tính cánh… Và những câu hỏi bẫy chính là thứ “vũ khí” lợi hại được nhà tuyển dụng sử dụng để kiểm tra năng lực, phản xạ của ứng viên trong cuộc đấu trí này.

Chính vì vậy, ứng viên phải chuẩn bị cho mình một tâm thế sẵn sàng đối mặt với những câu hỏi bẫy đó để tránh khỏi sự bỡ ngỡ, và bối rối khi đang trong cuộc phỏng vấn. Để vượt ải thành công ứng viên nên lường trước những cái “thòng lọng” mà nhà tuyển dụng có thể sẽ đưa ra để “dụ bạn vào tròng”.

Xã hội vận động không ngừng, chính vì vậy việc phỏng vân tuyển dụng cũng thay đổi, vượt ra khỏi giới hạn, khuôn khổ hỏi và đáp theo truyền thống. Ở đó, nhà tuyển dụng có thể “test” ứng viên ngay từ khi ứng viên bước vào phòng chờ, hoặc ngay từ khi ứng viên bước vào công ty, ngay từ những cử chỉ tình huống nhỏ nhất như hành động kéo kế, ngôn ngữ cơ thể… cho nên những cái “bẫy” mà bạn có thể gặp cũng rất đa dạng và “khó lường”.

Với kinh nghiệm nhiều năm làm HR, tôi có thể chia sẻ cho các bạn một số cách mà nhà tuyển dụng có thể bẫy bạn trong một buổi phỏng  vấn ứng viên.

- Sử dụng cách hỏi dồn ứng viên, khiến ứng viên không  kịp suy nghĩ, buộc ứng viên phải trả lời theo quán tính, và bản năng thật của mình.

Trong một cuộc phỏng vấn, ứng viên đôi khi sẽ có những câu trả lời phóng đại, hoặc không đúng sự thật. Bằng kinh nghiệm của mình, nhà tuyển dụng sẽ sử dụng cách hỏi dồn để kiểm chứng xác thật vì khi đó ứng viên sẽ không có thời gian để suy nghĩ và đưa ra câu trả lời mang tính “lấp liếm”.

Cách để tránh khỏi sự ngập ngừng và tránh khỏi cái bẫy này chỉ có một, đó chính là ứng viên phải trả lời những gì mình có thật, biết thật và trải nghiệm thật. Trong một cuộc phỏng vấn, không yêu cầu một ứng viên phải quá thật thà một cách tuyệt đối, tuy nhiên việc đưa ra những câu trả lời hoàn toàn không có thật thì chắc chắn ra ứng viên sẽ bị “bắt thóp” và sẽ bị mất điểm trong mắt nhà tuyển dụng.

- Sử dụng những câu hỏi đánh vào tâm lý cá nhân như: “Trông em có vẻ lo lắng”, “Sao em lại run bần bật thế kia”, “Hình như em không tự tin cho lắm”… những câu hỏi này nhà tuyển dụng không mong đợi một câu trả lời. Một phần trong những câu hỏi này giúp ứng viên định thần lại trước khi bước vào cuộc phỏng vấn, một phần nhà tuyển dụng xem cách ứng xử của ứng viên trước những “đòn đánh tâm lý”kể trên.

Một số câu trả lời trong tình huống này bạn có thể dung như: “Dạ đúng là em hơi hồi hộp một tí nhưng em đã sẵn sàng rồi ạ”, “Dạ, em có hơi lo lắng vì em thật sự mong muốn được làm việc với công ty mình. Giờ thì mình có thể bắt đầu rồi ạ”. Khi đưa ra những câu trả lời này, tâm thế của bạn phải thật sự bình tính và tự tin thật nhé.

- Sử dụng những câu hỏi tình huống “tiến thoái lưỡng nan” để thử xem ý thức, hành vi và quyết định của bạn như thế nào.

Ví dụ như với một vị trí pháp chế, nhà tuyển dụng có thể đưa ra một câu hỏi như “Sếp giao cho em đi 100 triệu để “gửi” cho chi cục Hải quan để lô hang của công ty thông quan thuận tiện”. Em có làm không? Thật sự với một người học Luật thì đây là một câu hỏi khó. Ở đó khi đưa ra câu trả lời ứng viên phải cân nhắc thật kỹ. Đặc biệt với một người chuyên về ngành Luật, bạn cần phải khai thác thêm thông tin trong trường hợp này. Đương nhiên đây là một tình huống giả định, nhưng việc khai thác thêm thông tin cho thấy rằng bạn là một tay “lão làng”, không vội vàng kết luận và quyết định. Ngoài ra, cụ thể trong trường hợp này, nếu biết cách khai thác thông tin bạn có thể đưa ra phương án hành động đúng luật mà lại hợp ý sếp nữa đấy.

 

Trương Nguyễn Thạch
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
3.085 
Việc làm mới nhất