Sự kiện pháp lý là gì? Phân loại sự kiện pháp lý? Cho ví dụ sự kiện pháp lý

Sự kiện pháp lý đóng vai trò quan trọng trong việc xác định quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ pháp luật và là căn cứ để áp dụng các quy định pháp luật tương ứng. Vậy sự kiện pháp lý là gì? Phân loại sự kiện pháp lý và một số ví dụ liên quan?

Sự kiện pháp lý là gì? Một số ví dụ về sự kiện pháp lý

Hiện tại không có định nghĩa quy định sự kiện pháp lý là gì nhưng thông thường có thể hiểu sự kiện pháp lý là những sự kiện xảy ra trong thực tế mà pháp luật dự liệu, quy định làm phát sinh các hậu quả pháp lý (có thể làm phát sinh, thay đổi hay chấm dứt quan hệ pháp luật dân sự). Một sự kiện xảy ra trong thực tế có thể làm phát sinh nhiều hậu quả pháp lý và ngoài ra có thể nhiều sự kiện pháp lý làm phát sinh một hậu quả pháp lý. Đồng thời cũng có trường hợp phải có nhiều sự kiện pháp lý mới làm phát sinh quan hệ pháp luật dân sự. Đa số quan hệ pháp luật dân sự được hình thành trên cơ sở sự kiện pháp lý. Tập hợp các sự kiện pháp lý làm phát sinh hậu quả pháp lý được gọi là thành phần các sự kiện pháp lý.

Ví dụ: 

+ Một sự kiện xảy ra làm phát sinh nhiều hậu quả pháp lý

Người A qua đời. Sự kiện này có thể dẫn đến nhiều hậu quả pháp lý khác nhau:

- Làm chấm dứt tư cách chủ thể của người A trong các giao dịch dân sự.

- Phát sinh quyền thừa kế cho những người thừa kế của A.

- Nếu A có tài sản hoặc nghĩa vụ với người khác, phát sinh quyền và nghĩa vụ cho những người thừa kế hoặc những người liên quan (ví dụ: xử lý nợ, phân chia tài sản).

- Nếu A qua đời do hành vi bất hợp pháp của người khác (ví dụ: tai nạn giao thông do lỗi của B), sẽ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại từ B.

+ Nhiều sự kiện pháp lý làm phát sinh một hậu quả pháp lý:

Để hợp đồng mua bán tài sản được hoàn tất, có thể cần đến nhiều sự kiện pháp lý như:

- Hai bên ký hợp đồng thỏa thuận về việc mua bán.

- Thanh toán tiền: Bên mua thực hiện việc thanh toán đúng hạn.

- Chuyển giao tài sản: Bên bán chuyển giao tài sản theo thỏa thuận.

- Đăng ký quyền sở hữu (nếu tài sản cần đăng ký, như nhà đất).

Khi tất cả các sự kiện trên được hoàn tất, quyền sở hữu tài sản mới chính thức chuyển từ bên bán sang bên mua.

Sự kiện pháp lý là gì? Phân loại sự kiện pháp lý? Cho ví dụ sự kiện pháp lý

Sự kiện pháp lý là gì? Phân loại sự kiện pháp lý? Cho ví dụ sự kiện pháp lý (Hình từ Internet)

Phân loại sự kiện pháp lý

Có nhiều cách phân chia sự kiện pháp lý, dựa vào hậu quả pháp lý và các giai đoạn biến động của quan hệ pháp lý dân sự sẽ phân chia các sự kiện pháp lý thành các sự kiện làm phát sinh, sự kiện làm thay đổi, hay sự kiện làm chấm dứt quan hệ pháp luật dân sự. Nhưng dựa vào đặc điểm khách quan, sự kiện pháp lý được phân loại theo nguyên nhân phát sinh.

+ Hành vi pháp lý

Là hành vi có mục đích của các chủ thể nhằm làm phát sinh hậu quả pháp lý (phát sinh, thay đổi, chấm dứt quan hệ pháp luật dân sự). Đây là những sự kiện pháp lý xảy ra do hành động có ý chí của con người, tức là các chủ thể có chủ đích thực hiện hành vi nhằm tạo ra hậu quả pháp lý. Hành vi pháp lý được chia thành hai loại:

- Hành vi hợp pháp là những hành vi có chủ đích của các chủ thể được tiến hành phù hợp với các quy định của pháp luật, không trái với đạo đức xã hội nhằm làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quan hệ pháp luật dân sự (như sự giao kết hợp đồng mua bán tài sản làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của các bên mua bán).

- Hành vi bất hợp pháp là những hành vi được thực hiện trái với quy định của pháp luật, các nguyên tắc chung của pháp luật và đạo đức xã hội. Khi có hành vi bất hợp pháp sẽ bị áp dụng các chế tài của pháp luật làm phát sinh hậu quả pháp lý (không thực hiện hợp đồng, gây thiệt hại cho người khác).

- Ngoài ra, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm phát sinh hậu quả pháp lý cũng thuộc hành vi pháp lý (quyết định cấp đất, phân quyết của tòa án về bồi thường thiệt hại).

+ Sự biến pháp lý

Đây là những sự kiện xảy ra khách quan, không phụ thuộc vào ý chí con người nhưng vẫn tạo ra hậu quả pháp lý. Sự biến pháp lý gồm hai loại:

- Sự biến tuyệt đối: Là những sự kiện hoàn toàn không liên quan đến hành vi của con người, xảy ra trong tự nhiên. Ví dụ: Động đất, lũ lụt, thiên tai: có thể làm phát sinh các trách nhiệm bảo hiểm hoặc xử lý hậu quả thiệt hại.

- Sự biến tương đối: Là những sự kiện liên quan đến hành vi của con người nhưng không phụ thuộc vào ý chí của các chủ thể trong quan hệ pháp luật đó. Ví dụ:

Cái chết của một người (không phải do hành vi tự ý của người đó): làm phát sinh quyền thừa kế cho những người thừa kế hợp pháp.

+ Thời hạn (Một loại sự kiện pháp lý đặc biệt)

Thời hạn là một sự kiện pháp lý đặc biệt có thể làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ mà không cần có hành vi của con người. Ví dụ:

- Thời hạn khởi kiện: sau khi hết thời hạn này, quyền khởi kiện không còn.

- Thời hiệu thừa kế: sau khi hết thời gian thừa kế, quyền yêu cầu chia thừa kế có thể mất hiệu lực.

Lê Anh Tú
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.085 
Click vào đây để xem danh sách Việc làm Chuyên viên pháp lý hoặc nhận thông báo thường xuyên về Việc làm Chuyên viên pháp lý
Click vào đây để xem danh sách Việc làm Chuyên viên pháp lý hoặc nhận thông báo thường xuyên về Việc làm Chuyên viên pháp lý
Việc làm mới nhất