Hướng dẫn kiểm tra tính pháp lý của hợp đồng

(có 1 đánh giá)

Việc kiểm tra tính pháp lý của một hợp đồng là vô cùng quan trọng nhằm có thể đảm bảo quyền lợi của các bên tham gia, tránh được những rủi ro pháp lý không đáng có.

1. Hợp đồng là gì? Có bao nhiêu loại hợp đồng theo Bộ luật Dân sự?

Theo Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

Trong đó, hợp đồng gồm các loại chủ yếu sau đây:

- Hợp đồng song vụ là hợp đồng mà mỗi bên đều có nghĩa vụ đối với nhau.

- Hợp đồng đơn vụ là hợp đồng mà chỉ một bên có nghĩa vụ.

- Hợp đồng chính là hợp đồng mà hiệu lực không phụ thuộc vào hợp đồng phụ.

- Hợp đồng phụ là hợp đồng mà hiệu lực phụ thuộc vào hợp đồng chính.

- Hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba là hợp đồng mà các bên giao kết hợp đồng đều phải thực hiện nghĩa vụ và người thứ ba được hưởng lợi ích từ việc thực hiện nghĩa vụ đó.

- Hợp đồng có điều kiện là hợp đồng mà việc thực hiện phụ thuộc vào việc phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt một sự kiện nhất định.

(Điều 385 và Điều 402 Bộ luật Dân sự 2015).

Hướng dẫn kiểm tra tính pháp lý của hợp đồng

Hướng dẫn kiểm tra tính pháp lý của hợp đồng (Hình từ Internet)

2. Hướng dẫn kiểm tra tính pháp lý của hợp đồng

Việc kiểm tra tính pháp lý của một hợp đồng là vô cùng quan trọng nhằm có thể đảm bảo quyền lợi của các bên tham gia. Theo đó, cá nhân, tổ chức có thể kiểm tính pháp lý của hợp đồng của mình bằng những cách sau đây:

2.1. Tự kiểm tra dựa trên các quy định pháp luật hiện hành

Đầu tiên, cá nhân, tổ chức tự mình đọc kỹ các nội dung trong từng điều khoản trong hợp đồng, đặc biệt chú ý đến các điều khoản về: đối tượng, quyền và nghĩa vụ của các bên, thời hạn hợp đồng, điều kiện chấm dứt hợp đồng, phương thức giải quyết tranh chấp.

Từ các nội dung điều khoản nêu trên, chủ thể tham gia hợp đồng tiến hành so sánh, đối chiếu với các quy định chung về hợp đồng theo Bộ luật Dân sự 2015 và các luật chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực của hợp đồng (ví dụ: Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Doanh nghiệp...) để đánh giá tính hợp pháp của các điều khoản trong hợp đồng.

Ví dụ điều luật quy định về hợp đồng theo Bộ luật Dân sự 2015 mà cá nhân, tổ chức có thể tham khảo như sau:

- Điều 388. Thời điểm đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực

- Điều 398. Nội dung của hợp đồng

- Điều 401. Hiệu lực của hợp đồng

- Điều 406. Điều kiện giao dịch chung trong giao kết hợp đồng

- Điều 407. Hợp đồng vô hiệu

....

Trường hợp hợp đồng giao kết là hợp đồng kinh doanh bất động sản thì phải tuân thủ thêm theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản 2023, đơn cử như sau:

- Hợp đồng kinh doanh bất động sản được ký kết khi bất động sản đã có đủ điều kiện đưa vào kinh doanh, dự án bất động sản đã có đủ điều kiện chuyển nhượng theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản 2023.

- Hợp đồng kinh doanh bất động sản, hợp đồng kinh doanh dịch vụ bất động sản mà ít nhất một bên tham gia giao dịch là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên.

2.2. Dịch vụ tư vấn pháp lý

Trong trường hợp kiến thức chuyên môn và pháp luật còn hạn chế, cá nhân, tổ chức có thể sử dụng các dịch vụ tư vấn pháp lý như luật sư hay các tổ chức tư vấn pháp luật.

Đây là những đối tượng có kiến thức chuyên sâu về pháp luật và kinh nghiệm thực tế, thông qua đó có thể đưa ra cho khách hàng của mình những lời tư vấn khách quan và toàn diện; hạn chế những rủi ro có thể gặp phải nếu tự mình kiểm tra tính pháp lý; tiết kiệm được thời gian, công sức mang hiệu quả mang lại được tối ưu.

Nếu phát hiện được điều bất hợp lý của hợp đồng, họ có thể đưa ra những phương hướng phòng ngừa hoặc đưa ra các hướng giải quyết trong việc sửa đổi nội dung hợp đồng hiện tại vừa có tránh được rủi ro pháp lý vừa vẫn đảm bảo được quyền lợi của bên còn lại trong hợp đồng.

Đồng thời khi sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý, cá nhân, tổ chức có thể am tâm về việc bảo mật tất cả thông tin mà bạn cung cấp.

(có 1 đánh giá)
Theo Trần Thanh Rin
2.169