HĐLĐ ‘bắt cam kết’ không có thai có vi phạm pháp luật không?

Trong thực tế khi các doanh nghiệp và người lao động (NLĐ) ký kết hợp đồng lao động (HĐLĐ), đôi khi vì tính chất của vị trí công việc đó mà doanh nghiệp đưa ra một số điều khoản rang buộc “oái oăm”. Trong đó có điều khoản buộc NLĐ trong một khoảng thời gian nào đó theo thỏa thuận, NLĐ không được mang thai và sinh con. Câu hỏi đặt ra là cam kết này trong hợp đồng có trái với quy định của pháp luật hay không?

Theo quy định hiện hành của Bộ Luật dân sự 2015, Bộ Luật lao động 2012 và sắp tới là Bộ luật Lao động 2019 thì nội quy lao động, các văn bản pháp lý nội bộ của doanh nghiệp không được trái với quy định của BLLĐ và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Khoản 2 Điều 15 BLLĐ 2019 có quy định:

Điều 15. Nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động

1. Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực.

2. Tự do giao kết hợp đồng lao động nhưng không được trái pháp luật, thỏa ước lao động tập thể và đạo đức xã hội.

 

Theo quy định tại Điều 10 của Pháp lệnh dân số 2003 thì mỗi cặp vợ chồng có quyền quyết định thời gian và khoảng cách sinh con vì vậy không ai có quyền tác động, cản trở, cưỡng bức thực hiện kế hoạch hóa của các gia đình.

Điều 10. Quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện kế hoạch hoá gia đình

1. Mỗi cặp vợ chồng và cá nhân có quyền:

a) Quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khoẻ, điều kiện học tập, lao động, công tác, thu nhập và nuôi dạy con của cá nhân, cặp vợ chồng trên cơ sở bình đẳng;

b) Lựa chọn, sử dụng các biện pháp kế hoạch hoá gia đình.

2. Mỗi cặp vợ chồng và cá nhân có nghĩa vụ:

a) Sử dụng các biện pháp tránh thai;

b) Bảo vệ sức khoẻ và thực hiện các biện pháp phòng, tránh các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản và các bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS;

c) Thực hiện các nghĩa vụ khác liên quan đến chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình.

Hợp đồng được ký kết dựa trên cơ sở tự nguyện, tự do thỏa thuận giữa các bên. Tuy nhiên trong thực tế mối quan hệ lao động thì người lao động thường bị rơi vào những trường hợp yếu thế. Khi người lao động kí kết vào thỏa thuận, “không mang thai trong thời hạn …”, về mặt nguyên tắc cũng như thực tiễn, doanh nghiệp không cưỡng ép NLĐ phải ký vào thỏa thuận này. Tuy nhiên thực tế khi nhu cầu việc làm của người lao động quá lớn, họ buộc phải “tự nguyện” kí vào những thỏa thuận này trên tinh thần tự do, tự nguyên.

Lường trước những trường hợp đó, như đã đề cập, pháp luật đã quy định về những trường hợp vô hiệu, vô hiệu một phần của hợp đồng. Cụ thể, những thỏa thuận được ký kết trong hợp đồng dù là tự do thỏa thuận dựa trên ý chí của các bên, tuy nhiên nếu những thỏa thuận đó trái với Luật định, trái với đạo đức xã hội thì bị xem là vô hiệu.

Chính vì vậy, có thể kết luận việc ký kết những thỏa thuận về thời hạn mang thai, kết hôn… trong hợp đồng lao động như kể trên là trái với quy định pháp luật lao động hiện hành.

Theo Trương Nguyễn Thạch
2.994