Người lao động lấy hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động có vi phạm pháp luật lao động?

(có 3 đánh giá)

Cho tôi hỏi hiện nay khi giao kết hợp đồng lao động thì có những thông tin gì người lao động phải cung cấp cho doanh nghiệp? Trường hợp người lao động lấy hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động có vi phạm pháp luật hay không? Trường hợp này nếu vi phạm thì có bị xử phạt hay không và phạt bao nhiêu? (Hồng Thịnh - Quảng Nam)

Khi giao kết hợp đồng lao động thì người lao động phải cung cấp các thông tin gì cho doanh nghiệp?

Căn cứ theo Điều 16 Bộ luật Lao động 2019 có quy định:

Nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng lao động

1. Người sử dụng lao động phải cung cấp thông tin trung thực cho người lao động về công việc, địa điểm làm việc, điều kiện làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn, vệ sinh lao động, tiền lương, hình thức trả lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, quy định về bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà người lao động yêu cầu.

 2. Người lao động phải cung cấp thông tin trung thực cho người sử dụng lao động về họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, trình độ học vấn, trình độ kỹ năng nghề, xác nhận tình trạng sức khỏe và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà người sử dụng lao động yêu cầu.

Theo đó thì khi giao kết hợp đồng lao động thì người lao động phải cung cấp thông tin trung thực cho người sử dụng lao động về họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, trình độ học vấn, trình độ kỹ năng nghề, xác nhận tình trạng sức khỏe và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng mà người sử dụng lao động yêu cầu.

Người lao động lấy hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động có vi phạm pháp luật hay không?

Lấy hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động có vi phạm pháp luật?

Lấy hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động có vi phạm pháp luật? (Hình từ internet)

Về nội dung này Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có ban hành Công văn 1767/LĐTBXH-BHXH năm 2022 để trả lời như sau:

“Trong thời gian vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận được phản ánh của một số địa phương về việc người lao động mượn hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động và tham gia bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau:

1. Trường hợp người lao động mượn hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động là hành vi vi phạm nguyên tắc “trung thực” theo quy định tại khoản 1 Điều 15 của Bộ luật Lao động và vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Bộ luật Lao động. Căn cứ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 49 của Bộ luật Lao động đây là trường hợp hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ.”

Theo đó việc người lao động lấy hồ sơ của người khác để ký hợp đồng lao động là đã vi phạm pháp luật về nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động. Trường hợp này thì hợp đồng đã ký sẽ bị vô hiệu toàn bộ.

Về hợp đồng lao động bị vô hiệu sẽ được xử lý theo Điều 51 Bộ luật Lao động 2019 như sau:

Xử lý hợp đồng lao động vô hiệu

1. Khi hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu từng phần thì xử lý như sau:

a) Quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên được giải quyết theo thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng; trường hợp không có thỏa ước lao động tập thể thì thực hiện theo quy định của pháp luật;

b) Hai bên tiến hành sửa đổi, bổ sung phần của hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu để phù hợp với thỏa ước lao động tập thể hoặc pháp luật về lao động.

2. Khi hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động được giải quyết theo quy định của pháp luật; trường hợp do ký sai thẩm quyền thì hai bên ký lại.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Như vậy đối với hợp đồng lao động bị vô hiệu toàn bộ thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động được giải quyết theo quy định của pháp luật.

Và theo khoản 4 Điều 10 của Nghị định số 145/2020/NĐ-CP quy định các vấn đề khác liên quan đến việc xử lý hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ do người giao kết không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành.

Lấy hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động có bị xử phạt hay không?

Hiện nay theo quy định tại Nghị định 12/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động thì không có quy định về xử phạt đối với hành vi người lao động lấy hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động.

Tuy nhiên trường hợp trong hồ sơ dùng để ký kết hợp đồng lao động này có mượn chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân của người khác thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo điểm đ khoản 4 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:

Vi phạm quy định về cấp, quản lý, sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân

4. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

đ) Mượn, cho mượn Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc nộp lại Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 2 và điểm đ khoản 4 Điều này;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại các điểm a, c, d và đ khoản 4 Điều này.

Theo đó thì người thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị phạt từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng, đồng thời phải nộp lại Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân và nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Lưu ý: Theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì mức phạt trên chỉ áp dụng đối với cá nhân vi phạm. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

(có 3 đánh giá)
Theo Diễm Quỳnh
2.540