Xây dựng pháp luật phòng ngừa, ứng phó với các đe dọa an ninh phi truyền thống theo Nghị quyết 147?
Nghị quyết 147: Xây dựng pháp luật phòng ngừa, ứng phó với các đe dọa an ninh phi truyền thống? Mục tiêu tổng quát trong Chiến lược tổng thể quốc gia?
Xây dựng pháp luật phòng ngừa, ứng phó với các đe dọa an ninh phi truyền thống theo Nghị quyết 147?
Căn cứ Tiểu mục 2 Mục 3 Nghị quyết 147/NQ-CP năm 2025 quy định hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến phòng ngừa, ứng phó với các đe dọa an ninh phi truyền thống như sau:
(1) Rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia tiệm cận với các nước phát triển. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật hình sự có tính tương thích quốc tế cao làm cơ sở trong hợp tác, đấu tranh phòng, chống tội phạm, hướng tới một khung pháp lý toàn diện, phù hợp thực tiễn phòng ngừa, ứng phó với các đe dọa an ninh phi truyền thống.
Chú trọng hoàn thiện các quy định pháp luật phù hợp bối cảnh mới, tập trung các lĩnh vực cơ bản như: tình trạng khẩn cấp; phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia; phòng, chống khủng bố; bảo đảm an ninh mạng, an ninh thông tin, phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; bảo vệ môi trường và ứng phó các thảm họa thiên nhiên, năng lượng, tài chính - tiền tệ, lương thực, y tế, nhất là các tình huống y tế khẩn cấp.
(2) Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho việc tổ chức các hoạt động của cơ quan điều hành ở từng cấp, bảo đảm vừa toàn diện, vừa chuyên sâu theo ngành, lĩnh vực, địa bàn.
Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền huy động và sử dụng nguồn lực phòng ngừa, ứng phó với các đe dọa an ninh phi truyền thống cho lực lượng của các bộ, ngành, địa phương được giao chủ trì phòng ngừa, ứng phó với các đe dọa an ninh phi truyền thống cụ thể.
Xây dựng, hoàn thiện quy định trách nhiệm phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ chung. Xây dựng quy định về chế độ, chính sách đãi ngộ đặc thù đối với các lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa, ứng phó với các đe dọa này.
(3) Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các chính sách xã hội góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động phòng ngừa, ứng phó với các đe dọa an ninh phi truyền thống, như: chính sách giải quyết việc làm; chính sách xóa đói, giảm nghèo; chính sách tôn giáo, dân tộc; chính sách phòng, chống tội phạm...
Ban hành quy định việc thẩm định về bảo đảm yêu cầu an ninh, trật tự đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm quốc gia.
(4) Tích cực tham gia, ký kết các điều ước, thỏa thuận quốc tế liên quan phòng ngừa, ứng phó với các đe dọa an ninh phi truyền thống. Đồng thời chủ động nội luật hóa các cam kết quốc tế, bảo đảm tính đồng bộ và tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong hợp tác thực thi pháp luật.
Chủ động thúc đẩy hình thành các cơ chế đối thoại, trao đổi quốc tế về vấn đề này; chú trọng xây dựng và thúc đẩy các cơ chế hợp tác quốc tế để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và công nghệ trong phòng ngừa, ứng phó.
(5) Triển khai các cơ chế mới trên cơ sở tuân thủ nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt; Nhà nước thống nhất quản lý; Chính phủ đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt; các lực lượng, cơ quan chuyên trách đóng vai trò nòng cốt; doanh nghiệp và Nhân dân giữ vai trò trung tâm và là chủ thể thực hiện.
Chú trọng củng cố thế trận an ninh nhân dân kết hợp với thế trận quốc phòng toàn dân, trên nền tảng thế trận lòng dân vững chắc trong phòng ngừa, ứng phó với các đe dọa an ninh phi truyền thống.
(6) Nghiên cứu xây dựng, ban hành các cơ chế đặc thù, tạo khuôn khổ pháp lý triển khai cơ chế thí điểm, thử nghiệm các mô hình, công nghệ mới phục vụ phòng ngừa, ứng phó với các đe dọa an ninh phi truyền thống dựa trên cơ sở thành tựu khoa học, công nghệ và đổi mới, sáng tạo.
(7) Phân định rõ ràng quyền hạn, trách nhiệm của tập thể, cá nhân, gắn với xử lý vi phạm, quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó.
Phân cấp, phân quyền gắn với đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; tập trung tháo gỡ các “điểm nghẽn” về cơ chế, chính sách trong huy động nguồn lực phòng ngừa, ứng phó với các đe dọa an ninh phi truyền thống; có cơ chế bảo vệ, khuyến khích người dám hành động vì lợi ích chung, thu hút, trọng dụng nhân tài.
(8) Ban hành các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đóng góp về khoa học, công nghệ trong phòng ngừa, ứng phó với các đe dọa an ninh phi truyền thống.
Chú trọng các chính sách ưu tiên phát triển và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực này. Xây dựng cơ chế liên kết các trường đại học, cơ sở nghiên cứu và doanh nghiệp để tiến hành các nghiên cứu chuyên sâu về các giải pháp công nghệ có tính khả thi và mang lại hiệu quả cao.
(9) Đổi mới cơ chế phân bổ kinh phí, ưu đãi trong phòng ngừa, ứng phó với các đe dọa an ninh phi truyền thống từ căn cứ dựa trên tổng số biên chế sang căn cứ vào tính hiệu quả của nhiệm vụ, từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”.
Đổi mới cơ chế quản lý tài chính theo hướng tăng tính tự chủ, gắn với cơ chế quản lý và giám sát công khai, minh bạch, bảo đảm trách nhiệm giải trình.
(10) Xây dựng cơ chế thông tin nhanh chóng, chính xác, bao phủ rộng rãi. Kết hợp cả kênh thông tin truyền thông truyền thống, trên không gian mạng, cơ chế người phát ngôn, bảo đảm dễ dàng trao đổi và phản hồi.
Công khai, minh bạch về các hoạt động phòng ngừa, ứng phó, bảo đảm thông tin truyền tải thống nhất, chính xác. Chủ động phòng ngừa, ứng phó với khủng hoảng truyền thông.
Trên là thông tin xây dựng pháp luật phòng ngừa, ứng phó với các đe dọa an ninh phi truyền thống theo Nghị quyết 147.
>> Đẩy mạnh sản xuất vật liệu xây dựng thân thiện môi trường từ chất thải công nghiệp đến năm 2030?
Xây dựng pháp luật phòng ngừa, ứng phó với các đe dọa an ninh phi truyền thống theo Nghị quyết 147? (Hình từ Internet)
Mục tiêu tổng quát trong Chiến lược tổng thể quốc gia ra sao?
Căn cứ Tiểu mục 1 Mục 2 Nghị quyết 147/NQ-CP năm 2025 quy định như sau:
- Tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong phòng ngừa, ứng phó với các đe dọa an ninh phi truyền thống.
- Từng bước xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia có khả năng quản trị hiệu quả các đe dọa này, bảo đảm an toàn cho người dân và xã hội; tích cực, chủ động đưa ra ý tưởng, mô hình...
- Để thúc đẩy hợp tác quốc tế và có đóng góp thiết thực, trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong giải quyết các đe dọa an ninh phi truyền thống;.
- Góp phần phát triển đất nước bền vững, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Từ khóa: Xây dựng pháp luật Phòng ngừa Ứng phó An ninh phi truyền thống Đe dọa an ninh Đe dọa an ninh phi truyền thống Nghị quyết 147 Chiến lược tổng thể quốc gia
- Nội dung nêu trên được NhanSu.vn biên soạn và chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho các tư vấn chuyên sâu từ chuyên gia.
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng.
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email hotrophaply@NhanSu.vn;