Nhấn vào mũi tên để hiển thị chuyên mục con hoặc nhấn vào tiêu đề để lọc theo chuyên mục cha
Những lỗi mà người lao động sẽ bị phạt tiền và mức phạt cụ thể
Xin cho tôi hỏi những lỗi mà người lao động sẽ bị phạt tiền là gì và mức phạt cụ thể ra sao? - Hiếu Hiền (Bình Thuận)
Dưới đây là một số lỗi mà người lao động thường mắc phải và mức phạt tiền cụ thể.
Những lỗi mà người lao động sẽ bị phạt tiền và mức phạt cụ thể (Hình từ Internet)
1. Những lỗi mà người lao động sẽ bị phạt tiền từ người sử dụng lao động
* Cụ thể tại Điều 127 Bộ luật Lao động 2019 quy định các hành vi bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động bao gồm:
- Xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín, nhân phẩm của người lao động.
- Phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.
- Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động hoặc không thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã giao kết hoặc pháp luật về lao động không có quy định.
Như vậy, người sử dụng lao động không được phép phạt tiền người lao động thay việc xử lý kỷ luật lao động.
* Nếu người sử dụng lao động có hành vi phạt tiền người lao động thay việc xử lý kỷ luật lao động sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng (Khoản 3 Điều 19 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Lưu ý: Mức phạt nêu trên là mức phạt đối với cá nhân, mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (Khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
2. Những lỗi mà người lao động sẽ bị phạt tiền từ cơ quan Nhà nước
Theo đó, người lao động sẽ bị phạt tiền từ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi mắc phải những lỗi sau:
* Vi phạm quy định về báo cáo công tác an toàn, vệ sinh lao động
Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi không báo cáo kịp thời với người có trách nhiệm khi phát hiện nguy cơ xảy ra sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động, tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp.
(Khoản 1 Điều 20 Nghị định 12/2022/NĐ-CP)
* Vi phạm quy định về phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người lao động có một trong các hành vi sau đây:
- Không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân đã được trang cấp;
- Không tham gia cấp cứu và khắc phục sự cố, tai nạn lao động khi có lệnh của người sử dụng lao động hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
(Khoản 1 Điều 22 Nghị định 12/2022/NĐ-CP)
* Vi phạm quy định về người lao động cao tuổi, người khuyết tật
Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam có một trong các hành vi sau đây:
- Làm việc nhưng không có giấy phép lao động hoặc không có văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định của pháp luật;
- Sử dụng giấy phép lao động hoặc văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động đã hết hiệu lực.
(Khoản 3 Điều 32 Nghị định 12/2022/NĐ-CP)
* Vi phạm quy định về giải quyết tranh chấp lao động
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người lao động có một trong các hành vi sau đây:
- Cản trở việc thực hiện quyền đình công, kích động, lôi kéo hoặc ép buộc người lao động đình công;
- Cản trở người lao động không tham gia đình công đi làm việc;
- Dùng bạo lực; hủy hoại máy, thiết bị hoặc tài sản của người sử dụng lao động nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
(Khoản 2 Điều 34 Nghị định 12/2022/NĐ-CP)
* Vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp
Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, tham gia không đúng đối tượng hoặc tham gia không đúng mức quy định.
(Khoản 1 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP)
* Vi phạm quy định về lập hồ sơ để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người lao động có một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa làm sai sự thật những nội dung có liên quan đến việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
- Không thông báo với Trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định khi người lao động có việc làm trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.
(Khoản 1 Điều 40 Nghị định 12/2022/NĐ-CP)
*Vi phạm của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và một số đối tượng liên quan khác
Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi tự ý ở lại nước ngoài trái pháp luật sau khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng đào tạo nghề mà không phải do bị đe dọa, ép buộc dưới bất kỳ hình thức nào và không thuộc trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
(Khoản 1 Điều 46 Nghị định 12/2022/NĐ-CP)
- Nội dung nêu trên được NhanSu.vn biên soạn và chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho các tư vấn chuyên sâu từ chuyên gia.
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng.
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email [email protected];
Cùng khám phá các ngành nghề hot hiện nay và lý do tại sao chúng trở nên phổ biến. Đâu là những lĩnh vực có tiềm năng phát triển và thu nhập cao trong tương lai?
Kinh tế có vai trò quyết định đối với xu hướng tiêu dùng tết của người lao động. Kinh tế ảnh hưởng như thế nào đến xu hướng tiêu dùng Tết của lao động?
Đào tạo nghề nghiệp liệu có phải chìa khóa cho sự phát triển cá nhân và nghề nghiệp?
Quản trị nhân sự là gì? Tại sao quản trị nhân sự lại đóng vai trò quan trọng đến thành công của doanh nghiệp?