Văn bản công chứng điện tử có hiệu lực khi nào? Quy trình công chứng điện tử như thế nào?
Theo Luật Công chứng 2024, văn bản công chứng điện tử có hiệu lực khi nào? Quy trình, thủ tục hồ sơ công chứng điện tử như thế nào?
Văn bản công chứng điện tử có hiệu lực khi nào?
Công chứng điện tử là việc công chứng được thực hiện bằng phương tiện điện tử để tạo lập văn bản công chứng điện tử (theo Điều 62 Luật Công chứng 2024).
Căn cứ Điều 5 Luật Công chứng 2024 việc công chứng điện tử phải tuân thủ nguyên tắc hành nghề công chứng và các nguyên tắc khác, cụ thể:
+Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.
+ Khách quan, trung thực.
+ Tuân thủ Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng.
+ Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc hành nghề công chứng.
+ Bảo đảm an ninh, an toàn, bảo vệ thông điệp dữ liệu và bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật; thông tin trong thông điệp dữ liệu đó có thể truy cập và sử dụng được để tham chiếu;
+ Công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng được cung cấp dịch vụ công chứng điện tử khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 63 Luật Công chứng 2024.
Căn cứ Điều 64 Luật Công chứng 2024 quy định về văn bản công chứng điện tử như sau:
Văn bản công chứng điện tử
1. Văn bản công chứng điện tử là chứng thư điện tử được tạo lập theo nguyên tắc và phạm vi quy định tại Điều 62 của Luật này.
2. Văn bản công chứng điện tử có hiệu lực kể từ thời điểm được ký bằng chữ ký số của công chứng viên và chữ ký số của tổ chức hành nghề công chứng.
3. Văn bản công chứng điện tử có giá trị pháp lý theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 6 của Luật này.
4. Việc chuyển đổi hình thức giữa văn bản công chứng điện tử và văn bản công chứng giấy được thực hiện theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
Văn bản công chứng được chuyển đổi có giá trị như bản gốc khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, trừ trường hợp pháp luật quy định loại văn bản đó được chuyển giao quyền sở hữu và chỉ được tồn tại dưới một hình thức duy nhất.
Như vậy, văn bản công chứng điện tử là chứng thư điện tử được tạo lập theo nguyên tắc và phạm vi quy định tại Điều 62 Luật Công chứng 2024 và có hiệu lực kể từ thời điểm được ký bằng chữ ký số của công chứng viên và chữ ký số của tổ chức hành nghề công chứng.
Văn bản công chứng điện tử có hiệu lực khi nào? Quy trình, thủ tục hồ sơ công chứng điện tử như thế nào? (Hình internet)
Quy trình công chứng điện tử như thế nào?
Căn cứ Điều 65 Luật Công chứng 2024 quy định về quy trình, thủ tục, hồ sơ công chứng điện tử như sau:
Quy trình, thủ tục, hồ sơ công chứng điện tử
1. Việc công chứng điện tử được thực hiện theo quy trình công chứng điện tử trực tiếp hoặc công chứng điện tử trực tuyến và được quy định như sau:
a) Công chứng điện tử trực tiếp là việc người yêu cầu công chứng giao kết giao dịch trước sự chứng kiến trực tiếp của công chứng viên; công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận giao dịch bằng chữ ký số để tạo ra văn bản công chứng điện tử;
b) Công chứng điện tử trực tuyến là việc các bên tham gia giao dịch có yêu cầu công chứng không có mặt tại cùng một địa điểm và giao kết giao dịch thông qua phương tiện trực tuyến trước sự chứng kiến trực tiếp của công chứng viên; công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận giao dịch bằng chữ ký số để tạo ra văn bản công chứng điện tử.
2. Thủ tục công chứng điện tử thực hiện theo quy định tại Mục 1 và Mục 2 Chương này.
3. Chính phủ quy định chi tiết về quy trình, thủ tục công chứng điện tử; quy định về hồ sơ công chứng điện tử.
Như vậy, theo Luật Công chứng 2024 việc thực hiện công chứng điện tử sẽ thực hiện theo quy trình công chứng điện tử trực tiếp hoặc công chứng điện tử trực tuyến như sau:
- Công chứng điện tử trực tiếp là việc người yêu cầu công chứng giao kết giao dịch trước sự chứng kiến trực tiếp của công chứng viên; công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận giao dịch bằng chữ ký số để tạo ra văn bản công chứng điện tử;
- Công chứng điện tử trực tuyến là việc các bên tham gia giao dịch có yêu cầu công chứng không có mặt tại cùng một địa điểm và giao kết giao dịch thông qua phương tiện trực tuyến trước sự chứng kiến trực tiếp của công chứng viên; công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận giao dịch bằng chữ ký số để tạo ra văn bản công chứng điện tử.
Lưu ý: Luật Công chứng 2024 có hiệu lực ngày 01/07/2025.
Xem thêm:
Từ khóa: công chứng điện tử công chứng công chứng viên văn bản công chứng điện tử Luật Công chứng 2024 Công chứng điện tử trực tuyến Công chứng điện tử trực tiếp Quy trình công chứng điện tử
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email hotrophaply@NhanSu.vn;