Nhấn vào mũi tên để hiển thị chuyên mục con hoặc nhấn vào tiêu đề để lọc theo chuyên mục cha
Tự do ngôn luận trên mạng xã hội có bị phạt không?
Tự do ngôn luận là gì? Tự do ngôn luận trên mạng xã hội có bị phạt không? Lợi dụng quyền tự do ngôn luận xâm phạm lợi ích của người khác sẽ bị xử lý hình sự thế nào?
Tự do ngôn luận là gì?
Theo Điều 25 Hiến pháp 2013 quy định như sau:
Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.
Như vây, có thể hiểu tự do ngôn luận là quyền của mỗi cá nhân hoặc cộng đồng được phát biểu ý kiến, quan điểm và bàn bạc các vấn đề công cộng mà không bị hạn chế, kiểm duyệt hay trừng phạt.
Đây là một nguyên tắc cơ bản của quyền con người, đảm bảo rằng mỗi người có thể tự do thể hiện suy nghĩ, quan điểm mà không lo sợ bị trả thù hoặc xử lý pháp lý.
Tự do ngôn luận đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì một xã hội dân chủ, nơi các cuộc tranh luận, ý kiến đa chiều được tôn trọng và có cơ hội phát triển. Tuy nhiên, quyền này cũng phải được thực hiện trong khuôn khổ luật pháp, tránh vi phạm các quyền lợi hợp pháp của người khác hoặc gây nguy hại đến trật tự xã hội.
Lưu ý: Nội dung chỉ mang tính chất tham khảo.
Tự do ngôn luận trên mạng xã hội có bị phạt không? (Hình từ Internet)
Tự do ngôn luận trên mạng xã hội có bị phạt không?
Tự do ngôn luận là quyền con người, quyền cơ bản của con người, tuy nhiên quyền tự do ngôn luận không nên nhầm lẫn sang việc tùy tiện vu khống, bôi nhọ, xâm hại đến cá nhân, tổ chức kể cả trên không gian mạng xã hội.
Theo Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội; trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:
a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;
b) Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc;
c) Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn;
d) Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc;
đ) Cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu;
e) Quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm;
g) Cung cấp, chia sẻ hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia;
h) Cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.
Như vậy, theo quy định trên thì người lợi dụng quyền tự do ngôn luận xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác trên mạng xã hội có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân căn cứ tại khoản 3 Điều 4 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.
Ngoài ra, còn phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm này.
Lợi dụng quyền tự do ngôn luận xâm phạm lợi ích của người khác sẽ bị xử lý hình sự thế nào?
Theo Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015 quy định như sau:
Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân
1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Như vậy, theo quy định trên thì người lợi dụng quyền tự do ngôn luận xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác trên mạng xã hội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, người lợi dụng quyền tự do ngôn luận đó có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 07 năm (tùy vào tính chất và mức độ vi phạm).
Xem thêm:
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email [email protected];