Tóm tắt nội dung các yếu tố của tội phạm trong Luật hình sự? Tội phạm được phân thành mấy loại?

Tội phạm trong Luật hình sự bao gồm các yếu tố nào? Nêu tóm tắt nội dung cơ bản các yếu tố của tội phạm. Tội phạm được phân thành mấy loại trong Bộ luật Hình sự?

Đăng bài: 05:37 17/04/2025

Tội phạm bao gồm những yếu tố nào? Nội dung các yếu tố của tội phạm trong Luật hình sự

Tội phạm trong Luật hình sự gồm có 04 yếu tố:

+ Chủ thể của tội phạm

+ Mặt khách quan của tội phạm

+ Mặt chủ quan của tội phạm

+ Khách thể của tội phạm

(1) Chủ thể của tội phạm:

Chủ thể của tội phạm là con người cụ thể có NLTNHS (năng lực nhận thức, năng lực điều khiển hành vi và đạt độ tuổi chịu TNHS), đã thực hiện hành vi phạm tội. Ngoài ra, ở một số tội nhất định, có đòi hỏi thêm dấu hiệu chủ thể đặc biệt, vì khi đó họ mới có điều kiện để thực hiện hành vi phạm tội của mình. 

Ví dụ: Tội loạn luân đòi hỏi chủ thể phải có quan hệ huyết thống với bị hại (Điều 184 Bộ luật Hình sự 2015)

(2) Mặt khách quan của tội phạm

Mặt khách quan của tội phạm là những biểu hiện bên ngoài của tội phạm.

+ Biểu hiện cơ bản của mặt khách quan là hành vi khách quan có tính gây thiệt hại cho xã hội.

+ Biểu hiện thứ 2 của mặt khách quan là hậu quả thiệt hại do hành vi khách quan gây ra.

+ Ngoài ra còn có những biểu hiện khác như: công cụ phạm tội, phương tiện phạm tội, thời gian thực hiện hành vi phạm tội...

(3) Mặt chủ quan của tội phạm

Mặt chủ quan của tội phạm là những biểu hiện tâm lý bên trong của tội phạm. Bao gồm: Lỗi, động cơ, mục đích phạm tội. Trong đó lỗi là dấu hiệu bắt buộc đối với mọi tội phạm. Còn động cơ, mục đích là dấu hiệu bắt buộc trong một số tội phạm với lỗi cố ý.

+ Lỗi là thái độ chủ quan của một người đối với hành vi có tính gây thiệt hại cho xã hội của mình và đối với hậu quả của hành vi đó thể hiện dưới dạng cố ý hoặc vô ý. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được coi là có lỗi khi họ có đủ điều kiện lựa chọn xử sự khác không gây thiệt hại cho xã hội.

+ Động cơ phạm tội là động lực bên trong thúc đẩy người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội.

+ Mục đích phạm tội là kết quả trong ý thức chủ quan mà người phạm tội đặt ra phải đạt được khi thực hiện hành vi phạm tội cố ý (cố ý trực tiếp)

(4) Khách thể của tội phạm

Khách thể của tội phạm là những quan hệ xã hội được Luật hình sự bảo vệ và bị tội phạm xâm hại.

Bất cứ hành vi phạm tội nào cũng đều gây thiệt hại cho quan hệ xã hội nhất định được luật hình sự bảo vệ. Không gây thiệt hại hoặc không hướng tới gây thiệt hại cho đối tượng là quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ thì hành vi khách quan không có tính gây thiệt hại nên không có tội phạm.

Ví dụ: Tội cướp tài sản xâm phạm đến 02 khách thể được Luật hình sự bảo vệ là: Quan hệ nhân thân và quan hệ sở hữu

Bất cứ hành vi phạm tội nào, dù ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, dù quy định bởi hình phạt tù chung thân, tử hình hay chỉ phạt tiền cũng đều là thể thống nhất giữa mặt khách quan và mặt chủ quan, giữa những biểu hiện bên ngoài và quan hệ tâm lý bên trong, đều là hành vi của con người cụ thể, xâm hại hoặc nhằm xâm hại đến QHXH nhất định.

Sự thống nhất 4 yếu tố của tội phạm là hình thức cấu trúc, đặc điểm nội dung của tội phạm. Nếu về nội dung, các tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội khác nhau thì về cấu trúc, 4 yếu tố của tội phạm cũng có những nội dung biểu hiện khác nhau. Chính sự khác nhau này quyết định tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội.

Bốn yếu tố tội phạm có liên quan với nhau và tổng hợp lại cùng quyết định tính nguy hiểm của tội phạm. Mỗi yếu tố chỉ có ý nghĩa độc lập khi được nghiên cứu về mặt lý thuyết. Trong thực tế, mỗi yếu tố chỉ tồn tại với tư cách là "bộ phận của thể thống nhất là tội phạm". Thiếu bất kỳ yếu tố nào cũng không có "tội phạm".

Lưu ý nội dung "Tội phạm bao gồm những yếu tố nào? Nội dung các yếu tố của tội phạm trong Luật hình sự" chỉ mang tính chất tham khảo!

Tội phạm trong Luật hình sự có mấy yếu tố?

Tội phạm trong Luật hình sự có mấy yếu tố? (Hình từ internet)

Có mấy loại tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự hiện nay?

Căn cứ Điều 9 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017, quy định

[1] Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật Hình sự 2015, tội phạm được phân thành 04 loại sau đây:

(i) Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;

(ii) Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù;

(iii) Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù;

(iv) Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

[2] Tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện được phân loại căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội theo quy định tại [1] và quy định tương ứng đối với các tội phạm được quy định tại Điều 76 Bộ luật Hình sự 2015

Như vậy, có 04 loại tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự 2015.

12 Trần Thị Kim Thương

- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;

- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;

- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email [email protected];

CHỦ QUẢN: Công ty TNHH THƯ VIỆN PHÁP LUẬT

Mã số thuế: 0315459414, cấp ngày: 04/01/2019, nơi cấp: Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM.

Đại diện theo pháp luật: Ông Bùi Tường Vũ

GP thiết lập trang TTĐTTH số 30/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP.HCM cấp ngày 15/06/2022.

Giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm số: 4639/2025/10/SLĐTBXH-VLATLĐ cấp ngày 25/02/2025.

Địa chỉ trụ sở: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;

THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
...loại rủi ro pháp lý, nắm cơ hội làm giàu...
Thư Viện Nhà Đất
...hiểu pháp lý, rõ quy hoạch, giao dịch nhanh...