Tội phạm là gì? Phân tích các đặc điểm cơ bản của tội phạm trong Luật hình sự
Khái niệm tội phạm trong Luật hình sự và Bộ luật Hình sự như thế nào? Tội phạm có bao nhiêu đặc điểm? Phân tích các đặc điểm của tội phạm trong Luật hình sự
Tội phạm là gì?
Khái niệm tội phạm được hiểu theo nghĩa rộng và nghĩa hẹp, cụ thể:
- Khái niệm tội phạm trong Luật hình sự: Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội, có lỗi, được quy định trong Luật hình sự, do người có NLTNHS thực hiện và phải chịu hình phạt.
- Khái niệm Tội phạm quy định trong Bộ luật Hình sự: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 phải bị xử lý hình sự.” (Căn cứ pháp lý: khoản 1 Điều 8 Bộ luật Hình sự 2015).
Phân tích 05 đặc điểm của tội phạm trong Luật hình sự (Hình từ internet)
Phân tích cơ bản các đặc điểm của tội phạm
Tội phạm gồm có 05 đặc điểm
(1) Đặc điểm nguy hiểm cho xã hội
- Tính nguy hiểm cho xã hội là dấu hiệu cơ bản, quan trọng nhất, quyết định những dấu hiệu khác của tội phạm. Do có tính nguy hiểm cho xã hội nên đối với "các hành vi đã được quy định trong luật hình sự là tội phạm" thì phải chịu hình phạt. Một hành vi có tính nguy hiểm cho xã hội hay không cũng như tính nguy hiểm cho xã hội của hành đó ở mức độ nào hoàn toàn phụ thuộc vào các yếu tố khách quan. Có thể là:
+ Tính chất của quan hệ xã hội bị xâm hại
+ Tính chất của hành vi khách quan, trong đó bao gồm cả thủ đoạn, công cụ, phương tiện thực hiện hành vi
+ Tính chất, mức độ thiệt hại gây ra hoặc đe dọa gây ra
+ Tính chất, mức độ lỗi
+ Tính chất của động cơ, mục đích phạm tội
Hành vi nguy hiểm cho xã hội là hành vi gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại đáng kể cho những quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Thiệt hại do tội phạm gây ra có thể là thiệt hại về thể chất, vật chất hoặc thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, những tác hại gây ra cho an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...
Ví dụ: Hành vi tước đoạt tính mạng người khác trái pháp luật, hành vi cưỡng đoạt tài sản, hành vi mua bán trái phép chất ma túy.....
Tại khoản 2 Điều 8 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: "Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác". Do đó, tính nguy hiểm cho xã hội là môt trong những căn cứ quan trọng để phân biệt một hành vi được coi là tội phạm với một hành vi chỉ mang tính chất vi phạm pháp luật khác, và cũng chính là đặc điểm quan trọng để phân biệt luật hình sự với các ngành luật khác.
Như vậy, tội phạm phải là hành vi nguy hiểm đáng kể cho xã hội. Nguy hiểm đáng kể cho xã hội nghĩa là:
+ Gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đáng kể cho những quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ .
+ Gây nguy hiểm đáng kể cho xã hội, nguy hiểm cho lợi ích hợp pháp.
Tính nguy hiểm cho xã hội có tính khách quan, tồn tại độc lập, không phụ thuộc vào sự áp đặt chủ quan của con người.
(2) Đặc điểm có lỗi
Lỗi là thái độ chủ quan của một người đối với hành vi có tính gây thiệt hại cho xã hội của mình và đối với hậu quả của hành vi đó thể hiện dưới dạng cố ý hoặc vô ý. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được coi là có lỗi khi họ có đủ điều kiện lựa chọn xử sự khác không gây thiệt hại cho xã hội.
Luật hình sự không chấp nhận việc quy tội khách quan, nghĩa là truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ căn cứ vào việc một người đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mà không căn cứ vào lỗi của họ. Việc áp dụng hình phạt không chỉ nhằm mục đích trừng trị mà còn nhằm mục đích giáo dục ý thức tuân theo pháp luật, phòng ngừa tội phạm. Mục đích giáo dục này chỉ có thể đạt được khi hình phạt áp dụng cho người có lỗi. Lỗi là dấu hiệu bắt buộc trong mọi tội phạm. Người không có lỗi khi thực hiện hành vi nguy hiểm được coi là không có tội, không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Các hình thức lỗi được quy định cụ thể tại Điều 10 và Điều 11 Bộ luật Hình sự 2015, gồm:
+ Lỗi cố ý: Cố ý trực tiếp và cố ý gián tiếp
- Lỗi cố ý trực tiếp: Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra;
- Lỗi cố ý gián tiếp: Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
+ Lỗi vô ý: Vô ý do quá tự tin và vô ý do cẩu thả
- Lỗi vô ý do quá tự tin: Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.
- Lỗi vô ý phạm tội do cẩu thả: Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.
(3) Được quy định trong Bộ luật Hình sự
Theo Điều 2 và Điều 8 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: Hành vi nguy hiểm chỉ có thể bị coi là tội phạm nếu được quy định trong BLHS. Việc xác định đặc điểm này là cơ sở đảm bảo cho việc chống tội phạm được thống nhất, tránh tùy tiện mà còn là động lực thúc đẩy cơ quan lập pháp phải kịp thời sửa đổi, bổ sung luật theo sự thay đổi của tình hình tội phạm trong từng thời kỳ.
Một người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng không được quy định trong BLHS thì không được coi là tội phạm.
(4) Do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện
Đây là một trong những yêu cầu quan trọng ở dấu hiệu chủ thể của tội phạm. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có NLTNHS đầy đủ có nghĩa là: đủ độ tuổi chịu TNHS, có khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi.
Trái lại: "Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự" vì không thỏa mãn dấu hiệu chủ thể của tội phạm (căn cứ pháp lý: Điều 21 Bộ luật Hình sự 2015).
(5) Đặc điểm phải chịu hình phạt
Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định trong Bộ luật này, do Tòa án quyết định áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người, pháp nhân thương mại đó (căn cứ pháp lý: Điều 30 Bộ luật Hình sự 2015).
+ Tính chịu hình phạt được coi là dấu hiệu của tội phạm vì nó được xác định bởi chính những thuộc tính khách quan bên trong của tội phạm. Bất cứ hành vi phạm tội nào cũng đều bị đe dọa có thể phải chịu biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất là hình phạt.
+ Một số trường hợp dù thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng không phải chịu hình phạt vì người phạm tội đáp ứng đủ các yêu cầu để được miễn TNHS (Điều 29 Bộ luật Hình sự 2015), được miễn hình phạt (Điều 59 Bộ luật Hình sự 2015) hoặc được miễn chấp hành hình phạt (Điều 62 Bộ luật Hình sự 2015).
Trên đây là toàn bộ nội dung tham khảo về: "Tội phạm là gì? Phân tích cơ bản các đặc điểm của tội phạm"
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email [email protected];