Tiết lộ bí mật nhà nước bị phạt như thế nào?

Các mức độ phân loại bí mật nhà nước? Tiết lộ bí mật nhà nước bị phạt như thế nào?

Đăng bài: 14:05 23/03/2025

Các mức độ phân loại bí mật nhà nước?

Căn cứ Điều 8 Luật Bí mật nhà nước 2018, bí mật nhà nước được phân loại như sau: 

Phân loại bí mật nhà nước
Căn cứ vào tính chất quan trọng của nội dung thông tin, mức độ nguy hại nếu bị lộ, bị mất, bí mật nhà nước được phân loại thành 03 độ mật, bao gồm:
1. Bí mật nhà nước độ Tuyệt mật là bí mật nhà nước liên quan đến chính trị, quốc phòng, an ninh, cơ yếu, đối ngoại, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đặc biệt nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia, dân tộc;
2. Bí mật nhà nước độ Tối mật là bí mật nhà nước liên quan đến chính trị, quốc phòng, an ninh, cơ yếu, lập hiến, lập pháp, tư pháp, đối ngoại, kinh tế, tài nguyên và môi trường, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao, thông tin và truyền thông, y tế, dân số, lao động, xã hội, tổ chức, cán bộ, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, kiểm toán nhà nước, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại rất nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia, dân tộc;
3. Bí mật nhà nước độ Mật là bí mật nhà nước liên quan đến chính trị, quốc phòng, an ninh, cơ yếu, lập hiến, lập pháp, tư pháp, đối ngoại, kinh tế, tài nguyên và môi trường, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao, thông tin và truyền thông, y tế, dân số, lao động, xã hội, tổ chức, cán bộ, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, kiểm toán nhà nước, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

Như vậy, bí mật nhà nước được phân loại thành ba độ mật gồm Tuyệt mật, Tối mật và Mật, dựa trên mức độ quan trọng của thông tin và mức độ nguy hại nếu bị lộ hoặc bị mất.

Bí mật nhà nước độ Tuyệt mật có mức độ nghiêm trọng cao nhất, có thể gây nguy hại đặc biệt nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

Trong khi đó, độ Tối mật và độ Mật cũng liên quan đến nhiều lĩnh vực quan trọng và nếu bị lộ sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng. Việc phân loại này giúp cơ quan chức năng có biện pháp bảo vệ phù hợp, đảm bảo an ninh, lợi ích quốc gia và trật tự xã hội.

Tiết lộ bí mật nhà nước bị phạt như thế nào?

Tiết lộ bí mật nhà nước bị phạt như thế nào? (Hình từ Internet)

Tiết lộ bí mật nhà nước bị phạt như thế nào?

Xử phạt vi phạm hành chính

Căn cứ Điều 19 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định như sau:

(1) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

- Không ban hành quy chế, nội quy bảo vệ bí mật nhà nước trong cơ quan, tổ chức, địa phương theo quy định của pháp luật;

- Sao, chụp, lưu giữ, vận chuyển, giao, nhận tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước không đúng quy định của pháp luật;

- Không thu hồi tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật;

- Mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ phục vụ công tác mà không được phép của người có thẩm quyền;

- Không bàn giao tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước khi thôi việc, chuyển công tác, nghỉ hưu, không được phân công tiếp tục quản lý bí mật nhà nước;

- Sử dụng bí mật nhà nước không đúng mục đích;

- Xác định bí mật nhà nước đối với tài liệu không chứa nội dung bí mật nhà nước, đóng dấu chỉ độ mật lên tài liệu không chứa nội dung bí mật nhà nước không đúng quy định của pháp luật;

- Xác định sai độ mật theo quy định của pháp luật;

- Không xác định, đóng dấu chỉ độ mật bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật.

(2) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

- Thu thập bí mật nhà nước không đúng quy định của pháp luật;

- Không thực hiện biện pháp ngăn chặn, khắc phục hậu quả khi để xảy ra lộ, mất bí mật nhà nước;

- Không thông báo với cơ quan, người có thẩm quyền khi xảy ra lộ, mất bí mật nhà nước;

- Không loại bỏ bí mật nhà nước khi chuyển mục đích sử dụng máy tính, thiết bị khác đã dùng để soạn thảo, lưu giữ, trao đổi bí mật nhà nước;

- Tiêu hủy tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước không đúng quy định của pháp luật.

(3) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

- Soạn thảo, lưu giữ tài liệu có chứa nội dung bí mật nhà nước trên máy tính hoặc thiết bị khác đã kết nối hoặc đang kết nối với mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông không đúng quy định của pháp luật;

- Sử dụng thiết bị có tính năng thu, phát tín hiệu, ghi âm, ghi hình hoặc hình thức khác trong hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước mà không được phép của người có thẩm quyền;

- Làm sai lệch, hư hỏng tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước;

- Cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước không đúng quy định của pháp luật;

- Vào địa điểm lưu giữ, bảo quản bí mật nhà nước hoặc quay phim, chụp ảnh, vẽ sơ đồ địa điểm lưu giữ, bảo quản bí mật nhà nước mà không được phép của người có thẩm quyền.

(4) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

- Làm lộ bí mật nhà nước; làm mất tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Đăng tải, phát tán bí mật nhà nước trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng Internet, mạng máy tính và mạng viễn thông không đúng quy định của pháp luật;

- Truyền đưa bí mật nhà nước trên phương tiện thông tin, viễn thông không đúng quy định của pháp luật.

(5) Hình thức phạt bổ sung

- Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại điểm b, đ khoản 3 Điều này.

(6) Biện pháp khắc phục hậu quả:

- Buộc nộp lại tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước đối với hành vi quy định tại các điểm b, d, đ và e khoản 1; điểm a khoản 2 và điểm d khoản 3 Điều này;

- Buộc thu hồi tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước đối với hành vi quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;

- Buộc gỡ bỏ tài liệu bí mật nhà nước đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 3 và các điểm b và c khoản 4 Điều này;

- Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi quy định tại điểm c khoản 3 Điều này.

Như vậy, người vi phạm quy định về bảo vệ bí mật nhà nước nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị xử phạt hành chính với mức xử phạt 1.000.000 đến 30.000.000 đồng đồng thời buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định pháp luật.

Truy cứu trách nhiệm hình sự

Căn cứ Điều 337 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi Khoản 125 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) người cố ý làm lộ bí mật nhà nước bị truy cứu trách nhiệm hình sự với các khung hình phạt được quy định như sau:

Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước
1. Người nào cố ý làm lộ bí mật nhà nước, chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Bí mật nhà nước thuộc độ tối mật;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Gây tổn hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Bí mật nhà nước thuộc độ tuyệt mật;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Gây tổn hại về chế độ chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, hành vi cố ý làm lộ bí mật nhà nước có thể bị phạt từ 2 năm đến 15 năm tù tùy mức độ vi phạm theo quy định pháp luật. Ngoài ra, người phạm tội còn bị phạt bổ sung từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đồng thời cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm

Đồng thời, căn cứ Điều 338 Bộ luật Hình sự 2015 (có cụm từ bị thay thế bởi điểm s khoản 2 Điều 2, có điểm được bổ sung bởi điểm o khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) người vô ý làm lộ bí mật nhà nước bị truy cứu trách nhiệm hình sự với các khung hình phạt được quy định như sau:

Tội vô ý làm lộ bí mật nhà nước; tội làm mất vật, tài liệu bí mật nhà nước
1. Người nào vô ý làm lộ bí mật nhà nước hoặc làm mất vật, tài liệu bí mật nhà nước, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Bí mật nhà nước thuộc độ tối mật, tuyệt mật;
b) Gây tổn hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa, chế độ chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, hành vi vô ý làm lộ bí mật nhà nước có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm và cao nhất có thể lên đến 7 năm tù tùy mức độ vi phạm theo quy định pháp luật. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Xem thêm:

21 Huỳnh Ngọc Huy

- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;

- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;

- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email [email protected];

CHỦ QUẢN: CÔNG TY TNHH THƯ VIỆN PHÁP LUẬT

Mã số thuế: 0315459414, cấp ngày: 04/01/2019, nơi cấp: Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM

GP thiết lập trang TTĐTTH số 30/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP.HCM cấp ngày 15/06/2022.

Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 2288

Giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm số: 4639/2025/10/SLĐTBXH-VLATLĐ cấp ngày 25/02/2025.

Địa chỉ trụ sở: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;

THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
...loại rủi ro pháp lý, nắm cơ hội làm giàu...
THƯ VIỆN NHÀ ĐẤT
...hiểu pháp lý, rõ quy hoạch, giao dịch nhanh...