Luật phá sản sửa đổi: Cơ hội thứ hai cho doanh nghiệp startup thất bại thể hiện qua những nội dung nào?
Tăng cơ hội phục hồi cho Doanh nghiệp startup thất bại theo Dự thảo Luật Phá sản mới nhất. Nội dung phương án phục hồi hoạt động kinh doanh theo quy định hiện hành như thế nào?
Cơ hội thứ hai cho Doanh nghiệp startup thất bại thể hiện như thế nào trong dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi) mới nhất?
Theo bản dự thảo mới nhất Luật Phá sản (sửa đổi) 2025, chú trọng xây dựng cơ chế phục hồi tạo cơ hội thứ hai cho các Doanh nghiệp startup thất bại khôi phục kinh tế. Điều này được thể hiện qua một số nội dung nổi bật bên dưới:
Luật Phá sản hiện hành quy định phục hồi là một thủ tục trong thủ tục phá sản. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định tách riêng thủ tục phục hồi và khuyến khích, ưu tiên áp dụng thủ tục phục hồi trước phá sản nhằm phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã. Cụ thể như sau:
- Bổ sung quy định về người có quyền nộp đơn gồm: (1) phía doanh nghiệp, hợp tác xã (người đại diện theo pháp luật, chủ doanh nghiệp tư nhân, cổ đông hoặc nhóm cổ đông…); (2) chủ nợ.
- Bổ sung quy định về thương lượng trước khi mở thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh doanh nghiệp, hợp tác xã. Quy định về đơn, thụ lý đơn, mở thủ tục phục hồi tương tự trong thủ tục phá sản.
- Sửa đổi, bổ sung quy định về xây dựng phương án phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng: người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã có nghĩa vụ xây dựng phương án phục hồi hoạt động kinh doanh; chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm, cổ đông, người sở hữu cổ phần, vốn góp của doanh nghiệp có quyền đề xuất phương án phục hồi hoạt động kinh doanh.
- Quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Hội nghị chủ nợ. Điều kiện hợp lệ của Hội nghị chủ nợ là có số chủ nợ tham gia đại diện cho ít nhất 65% tổng số nợ của doanh nghiệp, hợp tác xã. Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ được thông qua khi được các chủ nợ đại diện cho từ 65% trở lên tổng số nợ của doanh nghiệp, hợp tác xã biểu quyết tán thành.
- Sửa đổi, bổ sung quy định về thực hiện phương án phục hồi kinh doanh theo hướng: Ban đại diện chủ nợ giám sát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã. Bổ sung quy định về các trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phục hồi; đình chỉ thủ tục phục hồi và hậu quả pháp lý.
Cơ chế phục hồi được quy định riêng theo Dự thảo lần 2 Luật Phá sản (sửa đổi) 2025 là thủ tục đặc biệt, tạo cơ hội thứ hai cho Doanh nghiệp startup gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh, chưa ổn định kinh tế và chưa nắm rõ quy luật phát triển thị trường.
Xem toàn văn Dự thảo lần 2 Luật Phá sản (sửa đổi) 2025 và Tờ trình Dự án Luật Phá sản (sửa đổi) 2025.
Cơ hội phục hồi cho Doanh nghiệp startup thất bại (Hình từ internet)
Nội dung phương án phục hồi hoạt động kinh doanh theo quy định hiện hành như thế nào?
Căn cứ Điều 88 Luật Phá sản 2014 quy định:
[1] Phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán phải nêu rõ các biện pháp để phục hồi hoạt động kinh doanh; các điều kiện, thời hạn và kế hoạch thanh toán các khoản nợ.
[2] Các biện pháp để phục hồi hoạt động kinh doanh gồm:
+ Huy động vốn;
+ Giảm nợ, miễn nợ, hoãn nợ;
+ Thay đổi mặt hàng sản xuất, kinh doanh;
+ Đổi mới công nghệ sản xuất;
+ Tổ chức lại bộ máy quản lý, sáp nhập hoặc chia tách bộ phận sản xuất;
+ Bán cổ phần cho chủ nợ và những người khác;
+ Bán hoặc cho thuê tài sản;
+ Các biện pháp khác không trái quy định của pháp luật.
Quy định thế nào về sửa đổi, bổ sung phương án phục hồi hoạt động kinh doanh?
Căn cứ Điều 94 Luật Phá sản 2014 quy định:
[1] Trong quá trình thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh, các chủ nợ và doanh nghiệp, hợp tác xã có quyền thỏa thuận về việc sửa đổi, bổ sung phương án phục hồi hoạt động kinh doanh.
[2] Thỏa thuận về việc sửa đổi, bổ sung phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã được chấp nhận khi được quá nửa tổng số chủ nợ không có bảo đảm có mặt và đại diện cho từ 65% tổng số nợ không có bảo đảm trở lên biểu quyết tán thành.
[3] Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản gửi văn bản đề nghị Thẩm phán ra quyết định công nhận sự thỏa thuận về sửa đổi, bổ sung phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã.
Quyết định công nhận sự thỏa thuận về việc sửa đổi, bổ sung phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã được gửi cho doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và chủ nợ trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định.
Xem thêm
Từ khóa: Phục hồi hoạt động kinh doanh Phục hồi doanh nghiệp Phá sản doanh nghiệp Startup Thủ tục phá sản thủ tục phục hồi Hội nghị chủ nợ phương án phục hồi hoạt động kinh doanh
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email hotrophaply@NhanSu.vn;