Nhấn vào mũi tên để hiển thị chuyên mục con hoặc nhấn vào tiêu đề để lọc theo chuyên mục cha
Đối tượng nào được quyền đăng ký giấy phép hoạt động buôn bán điện?
Bài viết dưới đây sẽ đề cập các vấn đề liên quan đến hoạt động buôn bán điện và các quy định của pháp luật có liên quan đến vấn đề này.
Đối tượng nào được quyền đăng ký giấy phép hoạt động buôn bán điện? (Hình từ Internet)
Tổng quan về hoạt động buôn bán điện
1. Hoạt động buôn bán điện là gì?
Căn cứ theo quy định tại khoản 32 Điều 4 Luật Điện lực 2024 định nghĩa về Hoạt động điện lực như sau:
“Hoạt động điện lực là hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong các lĩnh vực quy hoạch, đầu tư phát triển điện lực, phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, điều độ, vận hành hệ thống điện, điều hành giao dịch thị trường điện cạnh tranh, bán buôn điện, bán lẻ điện hoặc hoạt động khác có liên quan.”
Theo đó hoạt động buôn bán điện chính là một nội dung của Hoạt động điện lực trong đó bao gồm bán buôn điện và bán lẻ điện hoặc hoạt động khác có liên quan cụ thể định nghĩa về hoạt động buôn bán điện như sau:
[1] Bán buôn điện là hoạt động bán điện của đơn vị điện lực này cho đơn vị điện lực khác để bán lại cho bên thứ ba.
[2] Bán lẻ điện là hoạt động bán điện của đơn vị điện lực cho khách hàng sử dụng điện.
2. Giá buôn bán điện được xác định như thế nào?
Điện là một nguồn năng lượng thiết yếu và ảnh hưởng trực tiếp nên an ninh năng lượng và nhu cầu thiết yếu của người dân, chính vì vậy việc xây dựng khung giá điện và quy định về giá điện là vấn đề vô cùng quan trọng.
Căn cứ theo quy định tại khoản 1,2 Điều 2 Thông tư 26/2024/TT-BCT quy định phương pháp lập khung giá bán buôn điện cụ thể như sau:
“Khung giá bán buôn điện là khung giá bán điện bình quân của Tập đoàn Điện lực Việt Nam bán cho từng Tổng công ty Điện lực chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng và được xác định theo mức giá bán buôn điện bình quân tối thiểu (đồng/kWh) và mức giá bán buôn điện bình quân tối đa (đồng/kWh).”
Dựa trên khung giá bán buôn điện thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ có mức giá bán cho Tổng công ty Điện lực để bán lại cho khách hàng sử dụng điện.
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật Điện lực 2024 cụ thể như sau:
“ Giá bán lẻ điện
1. Giá bán lẻ điện được quy định như sau:
a) Giá bán lẻ điện do đơn vị bán lẻ điện xây dựng căn cứ chính sách giá điện, khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện;
b) Giá bán lẻ điện được quy định chi tiết cho từng nhóm khách hàng sử dụng điện phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội từng thời kỳ và cấp độ thị trường điện cạnh tranh, bao gồm: sản xuất, kinh doanh, hành chính sự nghiệp, sinh hoạt. Giá bán lẻ điện theo thời gian sử dụng điện trong ngày được áp dụng đối với khách hàng sử dụng điện đủ điều kiện, bao gồm giá bán lẻ điện giờ cao điểm, thấp điểm và bình thường. Đối với nhóm khách hàng sử dụng điện phục vụ mục đích sinh hoạt, áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang tăng dần đối với khách hàng chưa đủ điều kiện tham gia hoặc không tham gia mua bán điện trên thị trường điện cạnh tranh.
...”
Theo đó về giá cả bán lẻ điện sẽ do các đơn vị bán lẻ điện xây dựng theo tình hình Kinh tế - xã hội từng thời kỳ, theo từng lĩnh vực và nhóm khách hàng. Đồng thời phải dựa theo chính sách giá điện, khung giá điện của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện
3. Giá điện được điều chỉnh bao lâu một lần?
Hiện nay đối với giá bán buôn điện chưa có quy định cụ thể nào đề cập đến việc bao lâu thì điều chỉnh giá bán buôn điện một lần tuy nhiên việc điều chỉnh khung giá bán buôn điện sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá bán buôn điện cụ thể căn cứ theo quy định tại Điều 9 Thông tư 17/2025/TT-BCT có quy định về khung giá bán buôn điện điều chỉnh như sau:
“ Khung giá bán buôn điện điều chỉnh
Trường hợp cần thiết phải điều chỉnh khung giá bán buôn điện phù hợp với biến động sản lượng điện thương phẩm, chi phí sản xuất kinh doanh điện, chi phí mua điện từ thị trường điện, chi phí mua điện từ các nhà máy ký hợp đồng mua bán điện trực tiếp với Tổng công ty Điện lực, doanh thu và lợi nhuận định mức của Tổng công ty Điện lực, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm xây dựng khung giá bán buôn điện điều chỉnh, gửi báo cáo tính toán về Cơ quan quản lý nhà nước về điện lực để thẩm định, trình Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét, quyết định theo quy định về hồ sơ tại khoản 5 Điều này”
Đối với giá bán lẻ điện, căn cứ theo quy định tại Điều 8 Nghị định 72/2025/NĐ-CP quy định thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu là 03 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất.
Đối tượng nào được phép buôn bán điện?
1. Đối tượng nào được phép bán buôn điện?
Căn cứ quy định tại Điều 32 Nghị định 137/2013/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 4 Điều 3 Nghị định 17/2020/NĐ-CP) có quy định như sau:
“Điều kiện cấp giấy phép hoạt động bán buôn điện
Tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật đăng ký hoạt động bán buôn điện phải đáp ứng điều kiện:
Người trực tiếp quản lý kinh doanh bán buôn điện phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành công nghệ kỹ thuật điện, kỹ thuật, kinh tế, tài chính và có thời gian làm việc trong lĩnh vực kinh doanh mua bán điện ít nhất 05 năm.
Đơn vị đáp ứng được điều kiện về bán buôn điện được phép hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu điện.”
Như vậy để được bán buôn điện thì phải được cấp giấy phép bán buôn điện, tuy nhiên chỉ có người trực tiếp quản lý kinh doanh buôn bán điện phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc các chuyên ngành được quy định tại Điều 32 Nghị định 137/2013/NĐ-CP thì mới được đăng ký giấy phép hoạt động bán buôn điện.
2. Đối tượng nào được phép bán lẻ điện?
Căn cứ theo quy định tại Điều 33 Nghị định 137/2013/NĐ-CP (sửa đổi bởi điểm a khoản 6 Điều 6 Nghị định 08/2018/NĐ-CP và một số nội dung bị bãi bỏ bởi khoản 6 Điều 7 Nghị định 08/2018/NĐ-CP và khoản 5 Điều 3 Nghị định 17/2020/NĐ-CP) có quy định như sau về điều kiện cấp giấy phép hoạt động bán lẻ điện như sau:
“ Điều kiện cấp giấy phép hoạt động bán lẻ điện
Tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật và cá nhân đăng ký hoạt động bán lẻ điện phải đáp ứng điều kiện sau:
1. Người trực tiếp quản lý kinh doanh bán lẻ điện phải có bằng trung cấp trở lên thuộc một trong các chuyên ngành điện, kỹ thuật, kinh tế, tài chính và có thời gian làm việc trong lĩnh vực kinh doanh mua bán điện ít nhất 03 năm.”
Theo đó để được bán lẻ điện thì phải được cấp giấy phép hoạt động bán lẻ điện tuy nhiên điều kiện sẽ nhẹ nhàng hơn so với bán buôn điện cụ thể yêu cầu người trực tiếp quản lý kinh doanh bán lẻ điện chỉ cần bằng trung cấp đối với các lĩnh vực quy định tại Khoản 1 Điều 33 Nghị định 137/2013/NĐ-CP và đồng thời bổ sung thêm tiêu chí phải có kinh nghiệm trong việc mua bán điện ít nhất là 03 năm.
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email [email protected];